Với tôi, Vũ Linh như đứa em ruột. Nhiều khi em ruột còn không bằng. Tôi thương nó (từ thân mật Diệu Hiền gọi Vũ Linh - PV) lắm. Sau má của mình, tôi thương Vũ Linh còn hơn cả các con tôi. Vì chị em thân thiết với nhau từ mấy mươi năm trước rồi.
Hôm rồi hay tin nó mất, tôi suy sụp.
Tôi mất Vũ Linh mãi mãi rồi
Bình thường tôi rất cứng rắn, không bao giờ khóc đâu, nhưng giờ trái tim tôi đau quá. Biết tin Linh mất, nước mắt tôi cứ chảy hoài, dù tôi đã cố dặn lòng không khóc.
Chân tôi đau yếu, đi lại khó khăn. Nhưng lần này phải sang thăm nó lần cuối thôi vì tôi mất Vũ Linh mãi mãi rồi, không còn được gặp lại nữa.
|
Diệu Hiền là người thầy đầu tiên của Vũ Linh. |
Nó ác với tôi lắm. Chị em biết nhau từ thuở cơ hàn, vậy mà giờ nó bỏ tôi đi trước không chút gì tội nghiệp. Tôi sang nhà, thấy nó nằm đó như đang ngủ nhưng lại không nắm tay nó được. Người ta phủ kín vải lên người em tôi, nhìn cảnh này tôi rơi nước mắt. Đau xót lắm.
Hồi hay nó mắc bệnh này, tôi biết sẽ không bao giờ hết được. Nhưng tôi luôn nghĩ ít nhất em mình vẫn được mấy năm nữa. Tết năm nay thấy clip nó đứng ca hát với người ta, tôi mừng lắm vì nghĩ nó khỏe lại rồi. Nhưng không ngờ nó ra đi nhanh như vậy.
Lần cuối tôi gặp Vũ Linh cách đây hơn 1 tháng. Đợt này tôi định qua thăm nó lần nữa mà chưa kịp gặp thì nó đã bỏ mình đi trước rồi.
Không tìm được ai như Vũ Linh
Vũ Linh mất rồi là không còn gì nữa, không còn kép hát nào được như nó đâu. Tôi nghĩ 1.000 năm sau cũng không bao giờ có được một Vũ Linh như vậy. Sẽ không có được Vũ Linh thứ hai trên sân khấu cải lương. Linh hát từ tim, từ phổi mà ra chứ không phải từ cổ họng.
Ngày xưa bên Hồ Quảng tôi mê anh Bửu Truyện nên bắt Linh đi học. Nhưng hồi đó nó cãi tôi, kêu tôi ác quá, sao chị không đi học mà lại bắt em đi.
Tôi giải thích: “Vì em còn nhỏ, tay chân dẻo nên học dễ hơn. Chị già rồi, hát đào võ quen rồi nên tay chân cứng ngắc”.
Nó không chịu đi, tôi làm dữ không được nên quay sang dỗ ngọt: “Ráng đi đi em. Chị Hiền muốn Vũ Linh của chị sau này bên cải lương hay Hồ Quảng đều hát được. Lúc đó dù có nằm xuống chị cũng mãn nguyện”.
Thuyết phục hết lời, cuối cùng nó cũng chịu đi. Tôi bảo Linh phải học Bửu Truyện hoặc anh Trường Sơn (cha của Tú Xương). Nó đã nghe và sau này học thành tài, được mọi người yêu mến.
|
NSƯT Diệu Hiền ngồi bần thần nhớ Vũ Linh. Ảnh: Duy Huỳnh.
|
Vũ Linh tội lắm, ngày xưa đi hát theo sự chỉ dẫn của tôi. Tôi bảo đi đoàn nào, nó đi theo đoàn đó. Linh không dám cãi tôi nhiều, vì tôi hay đánh lắm, đôi khi tôi đánh giữa đám đông nên nó sợ.
Có lần nó năn nỉ tôi, giờ nhớ lại vẫn thấy thương. Linh kêu: “Chị ơi nay em lớn rồi, chị đừng đánh em giữa chốn đông người nữa, em mắc cỡ lắm, tội nghiệp em”.
Tôi bảo: “Em đừng lỳ nữa, nói gì nghe đó đi, chị đánh em làm gì. Em bướng quá chị mới đánh chứ”.
Vì má của Linh giao nó cho tôi. Tôi với Vũ Linh kết nghĩa, ngoài tình thầy trò còn có tình chị em. Má của Linh cũng như má của tôi. Bà bảo tôi Vũ Linh ngoan hay hư do tôi chịu trách nhiệm, bởi thế tôi rất thương và lo cho nó.
Năm 14 tuổi, Linh đi theo tôi rồi. Nhưng hồi đó nó còn nhỏ, nghịch ngợm lắm. Có lần bị tôi đánh, nó chạy ra vườn bẻ một nhành cây rồi thủ võ với tôi. Vừa múa võ, Linh vừa bảo tôi: “Vô đây, vô đây”. Từ đó tôi mới nảy ra ý định cho nó đi học cải lương Hồ Quảng.
Bỏ hát 3 tháng về chăm bệnh cho chị
Tôi với Vũ Linh thân thiết từ nhỏ nên có nhiều kỷ niệm lắm. Có lần tôi bị bệnh nặng, Linh bỏ làm 3 tháng để về chăm tôi, khuyên nhủ cỡ nào cũng không chịu đi hát lại.
Hồi đó người tôi bị bỏng, phải nằm lá chuối non, vừa lót vừa đắp lên người chứ không mặc quần áo. Một tay nó chăm sóc, đi chặt từng tàu lá chuối về cho tôi, xin hết nhà này tới nhà khác. Bây giờ nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm ùa về.
|
Người dân dìu NSƯT Diệu Hiền vào đám tang Vũ Linh. Ảnh: Duy Huỳnh.
|
Vũ Linh hiền lắm, kép hát mà hiền khô, không gây gổ với ai bao giờ. Nó có hiếu với cha mẹ, cưng chiều em út lắm, chỉ có tật hay lý sự thôi.
Cả đời nó đi hát, cống hiến cho nghệ thuật, hết lòng với cải lương. Vũ Linh không có chuyện gì riêng tư hết.
Hồi còn trẻ, Linh đi hát theo đoàn dưới quê, cũng có người yêu rồi có một cậu con trai. Nhưng khi đó nó mới 15 tuổi thôi, chưa biết nhiều về cuộc sống. Sau đó tôi cũng đi nói chuyện với gia đình người ta, lo cho con của nó, nhưng thằng bé lên 4 tuổi đã mất vì bệnh hiểm nghèo rồi.
Vũ Linh cũng có vài mối tình, nhưng đều dang dở. Cuối cùng, tôi hỏi em bây giờ thích ai nói cho chị biết đi, nó bảo thôi em chán quá rồi, sống với chị và mấy đứa em của em là đủ.
Từ đó, nó chỉ chú tâm làm nghề. Trên sân khấu, Linh hát hết mình. Dưới ánh đèn, nó là người đưa đò, hết lòng dìu dắt đàn em và các thế hệ sau.
NSƯT Diệu Hiền sinh năm 1945, được giới mộ điệu cải lương yêu mến và đặt danh xưng "đệ nhất đào võ". Bà là người dìu dắt Vũ Linh từ những ngày đầu ông theo nghiệp cải lương, thuở "ông vua tuồng cổ" mới 14 tuổi. Ngoài là người thầy đầu tiên, Diệu Hiền và Vũ Linh còn kết nghĩa chị em, quý nhau hơn chị em ruột thịt.