Đạo diễn Lê Mộng Hoàng qua đời lúc 3h sáng ngày 23/2 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 91 tuổi. Linh cữu của ông được đặt ở chùa Vĩnh Nghiêm để người thân, đồng nghiệp và học trò đến viếng. Cố đạo diễn có 5 người con, trong đó 3 cô con gái đã sang Pháp định cư, 2 người con trai ở Việt Nam.
Tại tang lễ, người con gái thứ Lê Xuân Thúy vừa tất tả đón khách viếng, thỉnh thoảng lại trông chừng mẹ vì lo lắng. Trong những giây phút hiếm hoi ngồi nghỉ, con gái của đạo diễn Lê Mộng Hoàng kể lại những ngày cuối cùng bên người cha thân yêu với phóng viên Zing.vn.
|
Linh cữu cố nghệ sĩ được quàng ở chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Không muốn bố qua đời ở bệnh viện
Chị Thúy cho biết mình sang Pháp định cư đã 8 năm nay. Trước đó, chị và em gái đã lấy chồng và sống ở “kinh đô ánh sáng”. Chị bảo dù sống xa bố mẹ nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, chị đều thu xếp công việc về quê với gia đình.
Chị kể ngày bố bị tai biến mạch máu não, mẹ chị gọi thông báo 3 cô con gái thu xếp về Việt Nam ngay vì sợ ông không qua khỏi. Khi đáp chuyến bay về đến nhà, nhìn bố nằm im một chỗ nhưng vẫn có ý thức, chị Thúy tức tốc liên lạc với bệnh viện.
Ngày 12/2, gia đình đưa đạo diễn Lê Mộng Hoàng vào bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để cấp cứu. Ông nằm ở đây hơn một tuần, được các bác sĩ cứu chữa tận tình. Nhưng họ khuyên người thân nên đưa ông sang một bệnh viện tiện nghi hơn vì lúc này khả năng hô hấp của đạo diễn lừng danh đã bị yếu.
|
Chị Xuân Thúy, con gái cố đạo diễn, từ Pháp về chăm bố những ngày cuối đời của ông. Ảnh: Lê Quân. |
Chị Xuân Thúy một lần nữa tìm đến Bệnh viện ĐH Y Dược để hỏi về tình trạng của bố mình. Ông nằm ở đây được 2 ngày, bệnh tim đã có tiến triển tốt hơn song ngày hôm sau sức khỏe ông suy yếu. Bác sĩ thông báo gia đình nên đưa về vì lo sợ đạo diễn không qua được.
“Tôi sợ cha mất ngoài đường nên đồng ý đưa về nhà, đến 3h sáng hôm sau cha mất”, chị buồn bã nói. Chị bảo nhìn cha nằm ở bệnh viện, phải thở bằng ống và chịu đựng những cơn đau như cực hình. Chị rất thương ông, lại không muốn ông mất ở bệnh viện nên đưa ông về nhà.
Cố đạo diễn Lê Mộng Hoàng bị tai biến nên không nói chuyện được. Ngày chị về, ông phải thở máy nên cha con chỉ giao tiếp bằng ánh mắt. “Chúng tôi đặt câu hỏi, cha nghe thì chớp mắt, im lặng là biết ông không đồng tình”, chị nói thêm.
Không còn ai theo đuổi sự nghiệp điện ảnh của cha
Khi hỏi về đạo diễn Lê Mộng Hoàng, chị Xuân Thúy nghẹn ngào kể lại: “Cha tôi hiền lành và thật thà, ông yêu thương gia đình và yêu điện ảnh như nhau. Tháng 10/2016, tôi về Việt Nam thấy cha vẫn còn khỏe mạnh. Dù ở xa nhưng cha con tôi thường xuyên trò chuyện với nhau. Tôi vẫn còn lưu hình ảnh cha ngồi ăn cơm ở nhà trong điện thoại”.
Chị còn cho biết thêm 3 chị em gái đã nhiều lần bảo lãnh bố mẹ sang Pháp nhưng cố đạo diễn không đồng ý vì ông muốn sống ở quê nhà.
|
Vợ cố đạo diễn Lê Mộng Hoàng đón bạn bè của ông đến viếng. Ảnh: Lê Quân. |
“Cha tôi không đi, mẹ tôi cũng nhất quyết ở lại. Mẹ thương ba lắm, bà chăm sóc và lo lắng cho ông từng chút một. Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời. Ngày ba mất, bà cứng rắn lo đám tang, không thiết tha ăn uống nhưng vẫn cố mạnh mẽ để không ai lo lắng. Trông thì rất tỉnh táo nhưng tôi biết mẹ mình đang suy sụp”, chị Thúy tâm sự.
Chị Xuân Thúy còn kể thêm trong 5 người con, chị gái lớn từng làm việc ở xưởng phim sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa trang. Em gái của chị cũng học ngành Điện ảnh và tốt nghiệp cùng khóa với Lý Sơn (con trai NSND Lý Huỳnh, anh trai tài tử Lý Hùng - PV) nhưng sau đó lấy chồng và sang Pháp định cư. Hai người con từng đóng phim Ngọn lửa thần đồng và Tóc gió thôi bay.
“Ngày bé, tôi cũng từng đóng phim Nàng, vai con gái của Việt Hùng, học trò cô Thẩm Thúy Hằng. Sau này, tôi được cha cho đóng thêm phim Bốn thủy thủ sợ ma và Vệ sĩ bất đắc dĩ nhưng tiếc sau này không ai theo đuổi sự nghiệp điện ảnh như cha ”, chị Xuân Thúy nói.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng sinh năm 1929 tại Huế. Ông sang Pháp du học ngành âm nhạc, sau đó là điện ảnh. Về Việt Nam, ông thực hiện bộ phim đầu tay Bụi đời dựa trên tập truyện Những hòn sỏi của Võ Đình Cường trong năm 1957.
Sau đó, cố đạo diễn tiếp tục làm những dự án khác như Mãnh lực đồng tiền, Nàng, Chiều kỷ niệm, Xin đừng bỏ em, Vụ án tình…
Nàng từng đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu tại Đài Loan lần thứ 17.
Sau 1975, đạo diễn Lê Mộng Hoàng tiếp tục ghi dấu ấn với những phim: Ngọn lửa thành đồng, Tình yêu của em, Bản tình ca, Ngôi nhà oan khốc, Tình khúc 68, Thăng Long đệ nhất kiếm…
Ngoài ra, ông còn giảng dạy về điện ảnh và âm nhạc, làm cố vấn cho các đoàn phim trong ngoài nước, viết sách chuyên ngành.
Cố đạo diễn là người đưa tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng, Phương Hồng Loan, La Thoại Tân, Thanh Lan, Trần Quang, Huy Cường… bước lên hàng sao.