Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 khép lại với chiến thắng thuộc về cô gái Thanh Hóa, Đỗ Thị Hà. Hai danh hiệu á hậu lần lượt được trao cho Phạm Ngọc Phương Anh và Nguyễn Lê Ngọc Thảo. Họ đều là những ứng viên tiềm năng được đánh giá cao trước đêm thi chung kết. Vì thế kết quả này không gây tranh cãi.
Tân hoa hậu nói về nghi vấn biết trước kết quả
Tuy nhiên, Đỗ Thị Hà lại bị đưa vào vòng nghi vấn biết trước kết quả. Bởi trong đêm thi 20/11, gia đình và người thân đến cổ vũ cô khá đông. Họ còn mang theo băng rôn với dòng chữ "Hoa hậu xứ Thanh".
Trả lời về thắc mắc này, tân hoa hậu nói: "Dòng chữ đó thể hiện mọi người tự hào về tôi. Cho dù ngày hôm qua, kết quả như thế nào, tôi vẫn là hoa hậu của người xứ Thanh. Nhưng điều may mắn là bây giờ tôi đã là hoa hậu với mọi người".
|
Khoảnh khắc đăng quang của Đỗ Thị Hà.
|
Ngoài ra, Hoa hậu Đỗ Thị Hà cũng bị đặt câu hỏi về những phát ngôn nhạy cảm trước đây trên mạng xã hội. Cô lý giải: "Tôi là cô gái vô tư nên hay nói vui đùa và có thể khiến mọi người nghĩ không hay. Nhưng từ khi trở thành tân hoa hậu, tôi sẽ cố gắng thay đổi, trở thành hoa hậu của mọi người. Đối với tôi đây là vương miện danh giá, tự nhủ phải cố gắng, trau dồi để xứng đáng với danh hiệu".
Người đẹp 19 tuổi cũng chia sẻ gia đình không khá giả nhưng đủ điều kiện nuôi cô vào đại học: "Ở bán kết, tôi có tiết lộ rằng mình dành dụm tiền thi hoa hậu. Tôi khẳng định mỗi tháng để dành được 2 triệu đồng là sự thật".
'Sạn' ở đêm thi chung kết
Bên cạnh những thắc mắc về tân hoa hậu, chương trình chung kết còn có những "hạt sạn" đáng tiếc về khâu kịch bản, dàn dựng, MC cũng như sự cố sân khấu. Thời lượng đêm chung kết kéo dài gần 4 giờ đồng hồ với rất nhiều các tiết mục, hạng mục giải thưởng khác nhau.
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam muốn lan tỏa những thông điệp tích cực, tôn vinh sự yêu thương, lòng trắc ẩn. Song, việc ôm đồm nhiều nội dung, nhiều ý tưởng vô tình khiến các phần thi bị rời rạc, tạo cảm giác không liền mạch.
Một ví dụ điển hình là sau khi top 5 đã trả lời ứng xử, khán giả phải chờ đợi rất lâu để biết kết quả. Ban tổ chức công bố đề cử và trao loạt giải thưởng phụ trên sân khấu gồm Người đẹp du lịch, thời trang, Thí sinh có làn da đẹp nhất, Người đẹp áo dài...
Trưởng ban tổ chức Lê Xuân Sơn giải thích: "Khi tổng duyệt, các thí sinh đều đi theo tiến độ nhưng trong đêm chung kết, họ lại kéo dài sự có mặt của mình trên sân khấu. Mỗi người thêm vài giây, khiến chương trình kéo dài thêm. Đó là phần thiếu sót, ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm".
|
Đêm chung kết bị nhận xét có nhiều "sạn" dù được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều nội dung ý nghĩa.
|
Bà Phạm Kim Dung phản hồi: "Tôi nghĩ thời gian như vậy hoàn toàn chấp nhận được ở một show đầu tư trong cả năm trước. Chúng tôi có nhiều nội dung, nhiều người đẹp, nhiều người mong đợi, không có lý do gì mà không làm đủ đầy, để đáp ứng như cầu đó. Để không mất tiền đầu tư, công bố nhanh thì dễ nhưng chúng tôi muốn đầu tư làm một chương trình ấn tượng".
Ngoài ra, khâu trao giải thưởng cũng bị cho là không được chuẩn bị kỹ, dẫn đến tình huống lộn xộn trên sân khấu khi đeo dải băng và vương miện cho các người đẹp. Bà Kim Dung giải đáp: "Thực ra, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Kim băng được để sẵn trong hộp. Nhưng khi trao vương miện, hộp lại được đưa vào trong luôn. Giây phút công bố kết quả, tôi nghĩ các bạn phục vụ bị căng thẳng nên đã quên".
Tối 20/11, Hoa hậu Việt Nam 2020 cũng để xảy ra sự cố trong phần thi ứng xử của top 5. Ban tổ chức chuẩn bị 5 câu hỏi nhưng lại bị trùng lặp. Điều này dẫn đến việc thí sinh thi cuối cùng - Nguyễn Lê Ngọc Thảo mất cơ hội bốc thăm. Từ hàng ghế phía dưới sân khấu, ông Lê Xuân Sơn đã đặt câu hỏi trực tiếp cho Ngọc Thảo.
Ông Lê Xuân Sơn thừa nhận đây là sai sót của ban tổ chức về khâu phục vụ.
"Thực sự tôi muốn nói lời xin lỗi. Đó là một sai sót. Quỹ câu hỏi của chúng tôi rất nhiều. Cho đến gần đêm chung kết, tôi mới chốt câu hỏi ứng xử và nhắn cho bộ phận phục vụ. Ban thư ký phải tổng hợp nhiều kết quả, có sự vội vàng, dẫn đến nhầm lẫn. Cũng may mắn trong quá trình chuẩn bị, tôi rà soát kỹ nên nhớ câu hỏi và phải sửa nhanh trên sóng".