GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc nói xấu người khác có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, nhưng ở người Việt, nó khá nổi bật. Người ta có thể bắt gặp việc nói xấu người khác hằng ngày. Vậy vì sao nói xấu lại là đặc tính của người Việt?
Nói xấu vì không muốn ai hơn mình
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, nói xấu là hậu quả của tính cộng đồng. Người Việt trồng lúa nước nên sinh sống thành những làng xã. Ở đó, họ quen biết nhau, quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau, hướng về nhau, từ đó tạo ra tính cộng đồng, cộng cảm. Cũng trong cộng đồng ấy, mỗi người có một vị trí nhất định nên không ai muốn mất vị trí ấy, từ đó đẻ ra bệnh sĩ diện. Cũng vì sĩ diện, không muốn ai hơn mình mà sinh ra nói xấu nhau.
Ông Thêm bổ sung: Chẳng bao giờ người ta lại đi nói xấu một người kém mình cả. Với người kém mình, người Việt luôn có xu hướng giúp đỡ họ. Ngược lại, với những người ngang bằng mình mà đang có xu hướng vượt lên hoặc những người cao hơn mình ở một phương diện nào đó thì người Việt có khuynh hướng nói xấu nhằm cào bằng họ xuống ngang hàng với mình, dìm người ta xuống vì không muốn họ hơn mình. Vì thế, cứ thấy ai hơn mình là tập trung vào “đánh hội đồng”. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã thốt lên: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Vì sao chỉ nói xấu sau lưng?
Thừa nhận người Việt không muốn người khác hơn mình nên nói xấu, thế nhưng GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc nói xấu ấy chỉ diễn ra sau lưng, nghĩa là người bị nói xấu không hề nghe được.
Lý giải điều này, ông Thêm cho rằng, đó là do văn hóa Việt là nền văn hóa trọng tình, trọng sự hòa hiếu nên thường tránh đối đầu trực tiếp. Nói xấu trước mặt, xúc phạm trực tiếp đến thể diện người khác sẽ khiến người ta “mất mặt”, gây thù chuốc oán là điều người Việt luôn né tránh. Vì vậy, việc nói xấu luôn chỉ diễn ra sau lưng để người bị nói xấu không nghe thấy, thay vì nói thẳng.
Thậm chí, nhiều khi dù ghét, dù không thích người nào đó, nhưng người Việt thường có xu hướng không thể hiện rõ mà còn khen, kể cả tâng bốc dù thực sự lời tâng bốc ấy là không có cơ sở, cao quá so với những gì người ta có. Nhiều khi, lời khen đó còn mang tính nịnh nọt.
|
Ảnh minh họa. |
Càng khen quá lời càng dễ nói xấu sau lưng
Cũng theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc khen trước mặt thường là xã giao, là đãi bôi. Khi nghe lời khen không đúng với sự thực thì người được khen rất dễ nhận biết. Do vậy nên cảnh giác.
Còn khi lời khen của một người không chỉ là xã giao, đãi bôi, mà khen quá lời, tâng bốc, mang tính nịnh nọt thì khả năng nói xấu sau lưng của người đó càng lớn. Bởi khi một người khen quá lời thì thường là có mưu đồ gì đó. Có thể là sự cầu cạnh, lợi dụng, tôi khen anh vì anh có quyền lực, anh sẽ ưu ái cho tôi, tôi sẽ được việc... Người không ưa xu nịnh thì sẽ gạt đi những lời khen không có thật ấy. Nhưng thực tế, người thích xu nịnh, thích được khen trong xã hội cũng không ít. Khi nào mà sự lợi dụng ấy không còn nữa hoặc không được như mong muốn thì người ta sẽ “trở về với thực tại”, sẽ quay ra nói xấu người mà trước đó họ đã tâng bốc.
“Sự nói xấu, suy cho cùng là cái nhìn thiển cận. Bởi khi đó, người ta sẽ chỉ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của người khác, cố tình lờ đi mặt tốt của nhau. Đáng tiếc là trong một xã hội trọng tình thì sự thiếu khách quan ấy lại khá phổ biến”, ông Thêm cho biết.
Người nào hay nói xấu?
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, những nền văn hóa âm tính dễ mắc tật nói xấu hơn những nền văn hóa dương tính. Những nhóm người âm tính dễ mắc tật nói xấu hơn những nhóm người dương tính. Xét về giới thì phụ nữ nói xấu nhau nhiều hơn nam giới. Xét về công việc thì người làm những công việc nhàn hạ, rỗi rãi nói xấu nhau nhiều hơn người phải lao động chân tay vất vả.
Lại vì muốn nói xấu thì phải có người cùng tung hứng nên người làm công việc tiếp xúc với nhau nhiều dễ mắc tật nói xấu hơn người làm những công việc đơn độc. Bởi vậy, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, “dân công chức văn phòng mắc tật nói xấu cao hơn những người làm các công việc khác, vì thời gian nhàn hạ nhiều, lại do quản lý lỏng lẻo nên họ có nhiều cơ hội để ngồi túm năm tụm ba buôn chuyện. Còn những người lao động chân tay, càng vất vả thì người ta càng ít nói xấu vì thời gian nghỉ ngơi còn hạn hẹp. Điều đó lý giải vì sao những người lao động chân tay thường bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí nhiều khi người ta nói “vỗ mặt” nhưng nói xong thì thôi chứ không mấy để bụng”.
Chữa nói xấu bằng cách nào?
Ông Thêm khẳng định: “Nói xấu là một tật xấu hoàn toàn có thể sửa được. Muốn vậy, “người ta phải có mong muốn trở thành những người trung thực, thẳng thắn, không ưa xu nịnh, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Không gì khác hơn là phải đẩy mạnh công tác giáo dục”.
Tuy nhiên, cũng theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm thì giảm bớt tính nói xấu là việc làm “quá khó” hiện nay. Bởi do quản lý xã hội buông lỏng cùng với thời buổi kinh tế thị trường, con người chạy theo giá trị vật chất quá mức, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều quy định, đòi hỏi không phù hợp với thực tế nên nhiều khi bắt buộc người ta phải nói dối. Đó là lý do vì sao không dám nói thẳng khuyết điểm trước mặt mà chỉ nói sau lưng, rồi có thời gian để ngồi nói xấu nhau ngay trong giờ làm việc.
Cũng vì cơ chế thị trường phải cạnh tranh nhau nên không hiếm chuyện để hạ uy tín đối thủ của mình, người ta phao tin thất thiệt khiến cho đối thủ bị ảnh hưởng, thậm chí là phá sản. “Chuyện đó bây giờ không hiếm nữa rồi và cách thức cũng rất tinh vi”, theo ông Thêm.
“Chẳng riêng gì chỉ người Việt mới có thói nói xấu. Thế nhưng, để đến mức phổ biến, có thể dễ dàng bắt gặp thì nó cũng là nét đặc trưng trong tính cách người Việt. Đó là một tính xấu và cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội. Có thế mới mong xã hội phát triển, hiện đại”.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm