Truy nguyên điển tích độc – lạ: “Ăn quà như mỏ khoét”

Google News

(Kiến Thức) - Đa số người dân Việt Nam đều biết đến câu nói “ăn quà như mỏ khoét” ám chỉ những người hay ăn vặt. 

Đa số người dân Việt Nam đều biết đến câu nói “ăn quà như mỏ khoét” ám chỉ những người hay ăn vặt. Thế nhưng, hiểu thế nào là “mỏ khoét” và nó bắt nguồn từ đâu thì không phải ai cũng biết, thậm chí giới nghiên cứu còn tranh luận nảy lửa về chuyện này.
Câu thành ngữ ra đời từ đầu thế kỷ XX
“Ăn quà như mỏ khoét” là câu thành ngữ được người dân sáng tạo ra trong cuộc sống. Câu này chỉ những người xấu tính, hay ăn quà vặt, gây tốn kém cho gia đình...
Là người nghiên cứu văn hóa dân gian lâu năm, Chuyên gia Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, Giảng viên Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Câu thành ngữ “ăn quà như mỏ khoét” ghi lại bằng chữ viết được các nhà khoa học phát hiện sớm nhất từ đầu thế kỷ XX. Việc phát hiện ra văn bản ghi câu thành ngữ là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu văn hóa cổ truyền Việt Nam đồng thời giải mã những vấn đề ẩn chứa trên trong nếu có”.
Qua quan sát cuộc sống, một số chuyên gia văn hóa thuật lại những câu chuyện nói về tính chất của câu thành ngữ này. Chẳng hạn như ở các vùng nông thôn Việt Nam, các bậc cha, mẹ, anh, chị... trong gia đình thường hạn chế việc cho con em mình ăn quà vặt vì cho rằng đó là thói quen xấu, điều này sẽ tạo ra thói ăn tiêu phung phí, không biết tiết kiệm của con cái sau này.
Nếu quan sát kỹ hơn, cụ thể hơn về hành động, sắc thái của người nói ra câu này trong bối cảnh thực tế có thể thấy: Sau khi người mẹ nói về đứa con mình hoặc nói về con hàng xóm họ thường bảo: “Con ấy ăn quà như mỏ khoét” hoặc “con không được ăn quà như mỏ khoét”... đi kèm với câu nói đó có thể là một cái liếc mắt với sắc thái không vừa lòng, hoặc lớn giọng kiểu dọa nạt...
Trong cuốn sách có tên “tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa thành ngữ, tự ngữ Việt Nam” của tác giả Trịnh Mạnh cũng khẳng định: “Ăn quà như mỏ khoét” là câu dùng để chê bai người hay ăn quà vặt, ăn luôn miệng, nó có ý gần giống câu “siêng ăn nhác làm”...
Truy nguyen dien tich doc – la: “An qua nhu mo khoet”
10/10 người có độ tuổi từ 20 – 30 hiểu từ “mỏ khoét” là ăn quà nhiều. 
“Chúng tôi không biết mỏ khoét”
Mặc dù đối tượng sử dụng câu thành ngữ “ăn quà như mỏ khoét” là người dân, nhưng rất nhiều người lại không biết “mỏ khoét” là gì. Một khảo sát khá thú vị mà Báo thực hiện cho thấy, 10/10 người có độ tuổi từ 20 – 30 hiểu từ “mỏ khoét” là ăn quà nhiều, ăn quá nhiều, ăn liên tục, 7/10 người không biết “mỏ khoét” là gì mặc dù miệng thì luôn nói câu này, 4/10 người biết mỏ khoét là một loài chim nhưng không rõ loài chim đó có thật hay chỉ là chim “tưởng tượng”.
Anh Lê Văn Bảo, người dân ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi biết mỏ khoét là một loài chim, nhưng bây giờ nhà báo hỏi loài chim đó nó có kích thước, hình dáng thế nào thì chịu. Từ nhỏ đến lớn chẳng ai dạy cho chúng tôi biết mỏ khoét là gì, có lần tôi vô tình đọc trên mạng internet thì biết nó đơn giản là một lại chim...”.
Phóng viên tiếp tục hỏi 10/10 người ở độ tuổi trên 30 về câu thành ngữ nói trên. Kết quả khá thú vị là 8/10 người miêu tả “mỏ khoét” không phải loài chim hay “mỏ khoan” mà chính là “mỏ người”, người nào hay ăn vặt thì gọi là “mỏ khoét”.
Anh Nguyễn Văn Lượng ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cười ròn tan rồi giải thích về “mỏ khoét”: “Đây là lần đầu tiên tôi được một người hỏi về chuyện cái “mỏ khoét”. Chúng tôi nghe dân gian nói thì nghĩ đó là cái miệng người hay ăn quà chứ ai biết “mỏ khoét” nó là cái gì. Có khi nó là cái “mỏ cày”... nhưng cũng có khi là “mỏ khoan” hoặc vật nào đó tương tự...”.
Theo anh Lượng thì việc đặt vấn đề với người dân xem “mỏ khoét” là cái gì là rất khó. Bởi trình độ học vấn, văn hóa của người dân chưa đủ để nghiên cứu, đánh giá phân tích xem nó là cái gì. Mặt khác, câu thành ngữ ra đời cách đây cả thế kỷ rồi thì làm sao biết được hoàn cảnh sáng tác câu nói đó ra sao. “Mặc dù bí ẩn về “mỏ khoét” chúng tôi chưa được rõ, nhưng việc sử dụng nó để chê con cháu hay người nào đó hay ăn vặt, ăn nhiều và răn dạy chúng cách sống tiết kiệm thì vẫn được áp dụng, câu nói vẫn có sức sống riêng trong lòng dân gian”, anh Lượng cho biết. 
Truy nguyen dien tich doc – la: “An qua nhu mo khoet”-Hinh-2
Phần lớn ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, mỏ khoét chính là một loài chim họ nhà quạ. 
Mỏ khoét là gì?
Hiện trong giới nghiên cứu chưa đồng nhất quan điểm về “mỏ khoét” trong câu “ăn quà như mỏ khoét” là cái gì. Tuy nhiên, để quý bạn đọc biết nhiều hơn về vốn văn hóa của cha ông, Báo xin tổng lược lại tất cả các ý kiến và quan điểm khác nhau liên quan đến câu thành ngữ này.
Theo giải thích của tác giả Trịnh Mạnh trong cuốn “tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa một số câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” thì “mỏ khoét” còn có tên gọi khác (mỏ nhác), là chiếc mỏ khoan khoét vào thân gỗ lem lém. Vì chiếc mũi khoan có thể khoan gỗ thời gian dài không ngừng nghỉ nên dân gian đã lấy hình ảnh “mỏ khoét” (mỏ khoan) này để chê bai người hay ăn quà vặt, ăn luôn miệng.
Một lý giải khác thì lại cho rằng: Mỏ khoét là phần đầu của chiếc cần cẩu dùng để móc hàng hóa ở cảng. Mỗi lần mỏ của cần cẩu này nhấc lên là hàng chục, hàng trăm tấn hàng hóa. Nó lại làm việc liên tục không biết mệt mỏi, không biết thế nào là đủ. Vì thế, những người ăn nhiều, liên tục thì được gọi là “ăn như mỏ khoét”. Tuy nhiên, cách lý giải này có phần khiên cưỡng và không hợp lý, bởi câu thành ngữ này xuất hiện trên văn bản từ đầu thế kỷ XX, còn truyền miệng thì có thể xuất hiện trước thời điểm đó rất xa, mà ở giai đoạn như vậy, nền khoa học kỹ thuật của nước ta còn chậm phát triển, chưa có máy xúc thì làm sao dân gian có thể lấy hình ảnh máy xúc ra để làm cơ sở mà sáng tác ra câu “ăn quà như mỏ khoét”? Về chức năng thì cách lý giải này cùng với quan điểm coi “mỏ khoét” là chiếc “mỏ khoan” là chưa hợp lý, bởi chức năng của hai loại công cụ này là khoan vào gỗ và cẩu hàng hóa chứ không “ăn”, cho nên việc ví ăn quà như hai công cụ này là chưa đúng.
Theo Chuyên gia Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ thì nên hiểu mỏ khoét là một loài chim giống như con quạ. Loài chim này có mào, lông nâu và đen mọc xen lẫn với nhau và phát ra tiếng kêu “két két két” gần giống với từ “khoét” vì thế dân gọi là “mỏ khoét”. Về đặc tính, chim thường rất thích ăn các loại hoa quả như ổi, chuối, dưa hấu... chúng thường khoét một lỗ vào giữa quả và ăn ruột. Đặc biệt, loài chim này rất thích dăn dưa hấu, chúng có thể khoét một lỗ vào quả dưa và ăn dần ruột cho đến khi qua dưa chỉ còn cái vỏ. Khi ăn, chúng ăn liên tục, không ngừng nghỉ... chính vì thế mà dân gian đã lấy hình tượng chim mỏ khoét để ví với những người hay ăn quà vặt, ăn luôn miệng...
Ngoài câu “ăn quà như mỏ khoét” dân gian còn lấy một số câu khác như “ăn như hùm đổ đó”, “ăn như lái quét”, “ăn như phát tấu”... để chê bai người hay ăn vặt, ăn luôn miệng. Trong đó, mỏ khoét là một loài chim, hùm đổ đó là chỉ con hùm (hổ) đói tìm đến chỗ nước chảy, ở đó người dân đơm đó bắt cá, hùm sẽ mở nắp đó rồi trút cả vào mồm. Lái quét là người quét rác ở chợ, họ thường được những chủ cửa hàng cho quà, bánh ăn mãi không hết, còn phát tấu là một dụng cụ như dao, liềm để phát vườn – Trích “tìm hiểu nguồn gốc một số câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của tác giả Trịnh Mạnh, NXB Giáo dục ấn hành.
Huyền Vũ

>> xem thêm

Bình luận(0)