Rõ ràng người ta hiểu câu nói “vung tay quá trán” là để chỉ hành vi tiêu pha không hợp lý, tiêu tiền phung phí... nghĩa của nó giống như từ “bóc ngắn cắn dài”. Nhưng tại sao lại lấy một hành động là vung tay quá trán để nói về việc tiêu pha bất hợp lý?
Mỗi bộ phận cơ thể như “thước đo” giới hạn
Có lẽ, không cần giải nghĩa cụm từ “vung tay quá trán” bởi mọi người ai cũng hiểu nghĩa đen của nó. Nghĩa thì là vậy nhưng hiểu nghĩa đó như thế nào thì quan điểm, phân tích của các nhà nghiên cứu văn hóa về từ “vung tay quá trán” lại có nhiều cách giải thích khác nhau.
Theo PGS. TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì việc người dân lấy “tay” và “trán” là hai bộ phận của cơ thể để chỉ việc tiêu pha hung phí, không hợp lý với số tài sản mình có là có lý do của nó. Cái này do quan niệm về “giới hạn” của người Việt. Chẳng hạn như dân ta thường dùng từ “nước ngập nước mắt cá chân”, “nước ngập đầu gối”, “ngang lưng”, “ngang vai”, “ngang tai”, “trán”, “đầu”... Trong trường hợp này, mỗi bộ phận cơ thể đóng vai trò như “thước đo” giới hạn...
Những từ chỉ giới hạn như vậy có đời sống cực kỳ sinh động, bền chặt trong đời sống xã hội và hiện nó vẫn được dùng một cách biến hóa, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Thí dụ, dân ta dùng hình ảnh “đầu gối quá mang tai” để nói về người nào đó sống thọ, sống lâu trăm tuổi, đến nỗi lưng còng xuống, khi ngồi thì phần đầu bị cụp xuống quá đầu gối. Ở đây, “đầu gối” và “mang tai” cũng là hai bộ phận của cơ thể, nó chỉ giới hạn già của con người, quá già, già đến thế là cùng...
Xét trong bối cảnh sử dụng ngôn ngữ như vậy thì từ “vung tay quá trán” được ví với việc tiêu pha quá đà là chuyện dễ hiểu. Bởi trán là bộ phận cao nhất của mỗi người, là giới hạn mà người ta đạt đến, nhưng anh ta “vung tay quá trán” nghĩa là đã đi quá giới hạn của bản thân, thể hiện việc bất hợp lý trong cuộc sống.
|
Ảnh minh họa. |
Không có điển tích nào
Ở một khía cạnh khác, Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, câu thành ngữ ngày có nguồn gốc khác. Theo đó: "Vung tay quá trán" đầu tiên nó mô tả một hành động, một phản xạ tức thì khi người ta nóng giận hoặc phấn khích đột xuất. Điều này rất là tự nhiên. Trong cuộc sống, để chỉ sự tiêu pha hoang phí, người ta có từ "vung tay". Ngày xưa tiêu bằng tiền đồng, người ta xâu tiền thành từng cọc, khi tiêu pha thì cẩn thận đếm và xem xét. Có người giàu có hoặc hoang phí thì bất kể cọc cạch gì, cứ vung vãi ra để ra oai, thể hiện đẳng cấp... cho nên thành từ "vung tay".
"Vung tay" và "vung tay quá trán" vốn là khác nhau nhưng trong quá trình nói năng dân dã, họ bắt xắp thành một đoạn là "vung tay quá trán" luôn cho nhịp nhàng (lại thêm từ "quá" ở đó nữa) để chỉ những người hoặc tiêu hoang hoặc làm gì đó vượt hẳn khỏi vốn liếng của mình. Chữ "trán" ở đây không cần nghĩa từ vựng của nó nữa. Kiểu nói năng bắt xắp này trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ngôn ngữ dân gian có vô số và thành ngữ này không có điển tích, điển cố nào.
Còn cách hiểu khác
Trong tác phẩm hiếm hoi của giới ngôn ngữ học nghiên cứu về nguồn gốc thành ngữ, tục ngữ có tên “kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” của cố GS.TS Hoàng Văn Hành, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam có phân tích câu tục ngữ này hơi khác so với ý phân tích của hai nhà nghiên cứu là PGS.TS Phạm Văn Hảo và giảng viên Nguyễn Hùng Vĩ. Ông cho rằng: Thành ngữ “vung tay quá trán” chỉ hành động tiêu pha hung phí là đúng rồi. Nhưng tại sao cái hành động vung tay quá trán ấy lại dùng để chỉ sự phung phí? Có người giải thích, động thác vung tay là cử chỉ của hành động ném. Kéo theo hành động này là vứt bỏ một cái gì đó. Mặt khác, động tác vung tay này dễ làm cho người ta liên hệ đến câu “ném tiền qua cửa sổ”. Còn “quá trán” chỉ độ cao của động tác và độ mạnh của hành động.
Điều dễ nhận thấy là trong thành ngữ “vung tay quá trán” tàng trữ cả hai nghĩa sau: Sự vứt bỏ (phung phí), động tác mạnh mẽ (thái quá). Sự đổi đắp lại hai nét nghĩa này đã mang lại cho thành ngữ “vung tay quá trán” những ý nghĩa trên.
Theo cố GS. TS Hoàng Văn Hành thì nếu xét theo sắc thái nghĩa của từ “vung” và “quá” trong “vung tay quá trán” dường như chúng ta lại có thêm một cách hiểu khác cho thành ngữ này. “Vung” là động từ chỉ sự nhanh, mạnh, dứt khoát, luôn hướng ra khỏi bản thân người hành động do tay thực hiện. “Vung” lại còn cặp đôi với các từ “vãi phí” và lập thành các cặp từ “vung vãi”, “vung phí”... có ý nghĩa gây ấn tượng về sự hoang phí. Còn từ “quá” thì đã rõ. Ý nghĩa của từ này thể hiện việc vượt xa hơn, quá bình mức bình thường và các từ “thái quá”, “quá đáng”, “quá quắt”... cũng từ đó mà ra...
Thành ngữ “vung tay quá trán” là đưa tay lên cao quá tầm mắt, tức là ngoài phạm vi điều đã nhìn thấy, có thể nhìn thấy, có thể quan niệm được. Hơn thế, hễ đưa tay lên quá trán thì bản thân anh ta cũng chẳng bao giờ nhìn thấy được bàn tay nữa, tức là mù quáng và sẽ mất đi tính sáng suốt của trí tuệ, của sự suy nghĩ, mất kiểm soát... Cách nghĩ này xem ra có lý nhưng vẫn phải chờ đợi thêm.
“Thành ngữ “vung tay quá trán” có nhiều đặc điểm chung với thành ngữ “ném tiền qua cửa sổ”. Do đó, trong thực tế sử dụng, người Việt đã áp dụng nó và tạo thành cặp mới là “vung tay ném tiền qua cửa sổ”. Nhưng thực tế thì hai thành ngữ này có sự khác nhau quá rõ ràng. Thành ngữ “vung tay quá trán” có ý nghĩa và cách dùng rộng hơn. Nó không chỉ nói về việc chi tiêu hoang phí mà còn nói về bất kỳ sự chi dùng tùy tiện, hoang phí nào đó. Trong nhiều trường hợp, thành ngữ này cũng được dùng để chỉ sự hăng hái quá đà, quá mức bình thường. Đó là hành vi thái quá trong hành động”, theo “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”, NXB Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1988,
GS.TS Hoàng Văn Hành chủ biên.