Trung Nam Hải thay đổi chiến tranh Triều Tiên thế nào?

Google News

Những cuộc họp bí mật, những bức điện đàm liên tục xuất phát từ Trung Nam Hải đã góp phần quyết định đến cục diện chiến tranh Triều Tiên.

Những năm 50 của thế kỷ trước, chiến tranh liên Triều nổ ra với lợi thế ban đầu thuộc về liên quân Mỹ - Hàn. Nhưng một cuộc họp bên trong Trung Nam Hải đã góp phần mở ra cục diện bán đảo Triều Tiên ngày nay.
"Huyết tẩy" sông Áp Lục
Tháng 7 vừa qua, Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng loạt bài về cuộc họp bí mật được tổ chức tại Trung Nam Hải trong thời điểm mang tính quyết định của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Từ sau thời điểm bán đảo Triều Tiên bắt đầu có chiến tranh, đèn đuốc ở Trung Nam Hải gần như không lúc nào tắt.
Chí nguyện quân Trung Quốc hành quân sang Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đều đặc biệt quan tâm diễn biến cuộc chiến.
Theo các tài liệu của tình báo Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khi đó là Hary Truman hỏi chỉ huy quân Mỹ tại Triều Tiên Mac Athur: “Liệu Trung Quốc có đưa quân đội tham chiến?”.
Mac Athur đáp không chút do dự: “Bắc Kinh sẽ không điều động quân đội bởi không quân của họ quá yếu. Nếu Bắc Kinh tham chiến, không quân Mỹ sẽ khiến nước sông Áp Lục nhuộm đỏ bằng máu binh lính Trung Quốc”.
Nhưng điều bất ngờ với người Mỹ là Trung Quốc đưa Chí nguyện quân tham chiến, lính Trung Quốc mau chóng vượt sông Áp Lục – con sông phân định biên giới Trung – Triều để chống lại sức mạnh của liên quân Mỹ. Không quân Mỹ khi đó được coi là bất khả chiến bại, sức mạnh vượt trội so với các nước, ngoại trừ không quân Liên Xô có đủ sức kháng cự.
Những chiếc Mig huyền thoại của Liên Xô được không quân Trung Quốc sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên.
Lúc này, trên chiến trường Triều Tiên, tình thế đặc biệt không có lợi cho Chí nguyện quân Trung Quốc và quân đội của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Mao Trạch Đông và các lãnh đạo họp bàn tại Trung Nam Hải về việc nên hay không nên đưa không quân Trung Quốc tham chiến.
Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với các tướng lĩnh: “Chí nguyện quân chủ yếu là bộ binh cùng một lượng nhỏ pháo binh, xe tăng phải đối mặt lực lượng hùng hậu của Mỹ với đầy đủ hải, lục, không quân. Nguyên soái Bành Đức Hoài cực kỳ lo lắng việc bộ binh không được sự yểm trợ của không quân”.
Chủ tịch Mao nói thêm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành gửi thư nói quân đội Triều Tiên đang chịu thiệt thòi lớn trước sức mạnh áp đảo của không quân Mỹ. Sau cuộc họp kín tại Trung Nam Hải, Trung Quốc quyết định lần đầu tiên đưa lực lượng không quân tham chiến ngoài biên giới Trung Quốc.
Lệnh được ban ra từ Trung Nam Hải: “Không quân nhất định phải thắng, không được phép thua”. Sau đó, Chu Ân Lai tiếp tục chỉ đạo không quân Trung Quốc: “Vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, lấy ít thắng nhiều, đi sau đến trước, ra quân là thắng”.
Không chiến
Ngày 30/11/1950, trong lễ xuất quân tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc, những phi công tinh nhuệ nhất của Trung Quốc tuyên thệ: “Chiến thắng không quân Mỹ, chiến thắng chủ nghĩa đế quốc”.
Nguyên soái Chu Đức sau này kể lại, bất chấp thời tiết lạnh giá âm 20 độ C, các phi công Trung Quốc bay biểu diễn thành thục trước sự quan sát chăm chú của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo quân đội.
Từ sau thời điểm bán đảo Triều Tiên bắt đầu có chiến tranh, đèn đuốc ở Trung Nam Hải gần như không lúc nào tắt.
Đội phi công trẻ của Trung Quốc ngày đó được trang bị máy bay tiêm kích Mig lừng danh của không quân Liên Xô. Ít ai biết rằng họ chỉ có gần 20 giờ bay trên những chiếc Mig trước ngày bay thử nghiệm sau lễ xuất quân.
Tháng 1/1951, không quân Trung Quốc có cuộc chiến đấu đầu tiên với không quân Mỹ. Trong cuộc giao chiến này, Trung Quốc bắn hạ một máy bay, bắn bị thương hai máy bay khác trong khi không bị tổn thất một chiếc Mig nào.
Tin từ chiến trường lập tức được báo về Trung Nam Hải cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Theo Nhân dân nhật báo, lúc biết tin chiến thắng, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: “Trận đầu thắng lợi của không quân là bước tiến quan trọng, mang ý nghĩa chính trị to lớn hơn cả ý nghĩa quân sự”.
 Không quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên.
Sau đó, Chu Ân Lai chỉ thị không quân Trung Quốc: “Bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân” – câu ngạn ngữ nổi tiếng của Trung Quốc với hàm ý: không làm thì thôi, đã làm thì khiến tất cả phải kinh ngạc.
Những tài liệu sau này được Nhân dân nhật báo giải mật cho biết, cuộc không chiến đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ được cho là bước ngoặt trong chiến tranh liên Triều – khiến Mỹ không còn giữ được ưu thế quân sự tuyệt đối.
Lệnh được ban ra từ Trung Nam Hải: “Không quân nhất định phải thắng, không được phép thua”.
Chu Ân Lai được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc chiến “kháng Mỹ viện Triều” lịch sử. Nhân dân nhật báo cho biết, ông Chu đã có hàng chục cuộc hội đàm, gửi hàng chục công hàm cho phía Liên Xô để đàm phán mua thêm chiến đấu cơ Mig cho không quân.
Ông Chu cũng được nói là người có công đầu trong việc chỉ đạo không quân Trung Quốc trong việc thiết lập căn cứ quân sự, đào tạo phi công, điều động vũ khí, đạn dược.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cuộc chiến “kháng Mỹ viện Triều”, ông Chu Ân Lai đã có hàng trăm văn kiện chỉ thị lực lượng không quân Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc mô tả Chu Ân Lai là “vị chỉ huy anh minh của lực lượng không quân”.
Theo Nhân dân nhật báo, ông Chu Ân Lai cũng chính là người được Mao Trạch Đông và nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành chấp thuận cho làm chỉ huy toàn bộ quân đội Triều Tiên, Liên Xô, Trung Quốc trong cuộc chiến với liên quân Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ.

Chiến sự được châm ngòi vào ngày 25/6/1950 khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) tấn công Đại Hàn Dân Quốc (Nam Triều Tiên). Quy mô cuộc chiến trở nên lớn khi lực lượng của Liên hiệp quốc được Hoa Kỳ lãnh đạo và sau đó là Chí nguyện quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa can thiệp.

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Lực lượng hỗ trợ chính cho miền Bắc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự tiếp ứng hạn chế của Liên Xô trong hình thức các cố vấn quân sự, phi công quân sự và vũ khí.

Đại Hàn Dân Quốc được lực lượng Liên hiệp quốc, chủ yếu là quân đội Hoa Kỳ, hỗ trợ. Trước cuộc xung đột, CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc tồn tại như hai chính phủ lâm thời đang tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên.
Theo VTC

Bình luận(0)