Tình báo Liên Xô cài bẫy buộc Mỹ - Nhật khai chiến sớm

Google News

Ít ai biết rằng nhằm buộc Mỹ-Nhật sớm “choảng” nhau trong sự kiện Trân Châu Cảng, tình báo Liên Xô đã phải dày công cài bẫy.
 

Sau khi Nhật Bản tập kích Trân Châu Cảng, Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Đa số dư luận cho rằng sự kiện Trân Châu Cảng là kết quả của mâu thuẫn không thể điều hoà giữa Mỹ và Nhật Bản. Nhưng ít ai biết rằng nhằm buộc Mỹ-Nhật sớm “choảng” nhau, tình báo Liên Xô đã phải dày công cài bẫy.
Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra, Liên Xô nằm giữa hai gọng kìm: phía đông là Nhật Bản, phía tây là Đức. Nhằm tránh khả năng phải căng ra đối phó với phe Trục trên cả hai hướng, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô lúc bấy giờ, Joseph Stalin, đã ra lệnh cho cơ quan tình báo nước này tìm biện pháp buộc Mỹ và Nhật Bản phải trực tiếp chĩa súng bắn vào nhau. Dưới sự chỉ đạo của ông trùm mật vụ Lavrenty P. Beria, tháng 10/1940, Kế hoạch Tuyết trắng ra đời. Sau khi Beria báo cáo, nhận được sự phê chuẩn của Stalin, cơ quan tình báo Liên Xô bắt đầu cho thực thi kế hoạch này.
 Nguyên Ngoại trưởng Nhật Bản Yosuke Matsuoka.
Đầu năm 1941, tình báo viên Pavlov nhận lệnh lên đường đi Mỹ, bắt liên lạc với điệp viên cài cắm Henry White, lúc đó đã chui cao leo sâu trong chính quyền Mỹ, trở thành một trong những cố vấn kinh tế thân tín nhất và ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những chính sách của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Franklin D. Roosevelt. White là một nhà kinh tế xuất chúng, có biệt tài biến những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực chính sách tiền tệ trở thành đơn giản để giải thích cho những người không tinh thông về mặt học thuật, nên rất được Roosevelt trọng dụng. Trong cuộc tiếp xúc bí mật với White, Pavlov đã thông báo “khẩu dụ” của Stalin về những nội dung cơ bản của “bản công hàm tương lai” mà Oasinhtơn sẽ gửi Tôkyô, nhấn mạnh vào một số điểm chắc chắn sẽ không được Tôkyô chấp nhận như yêu cầu Nhật Bản lập tức rút quân khỏi Trung Quốc... Ngoài ra, Pavlov còn yêu cầu White tìm cách làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật, buộc hai nước này phải sớm giải quyết bằng chiến tranh.
Tháng 7/1941, Nhật Bản tấn công nam Đông Nam Á, uy hiếp Philippin. Oasinhtơn ra lệnh cấm vận kinh tế và dầu mỏ đối với Tôkyô. Quan hệ giữa Tôkyô và Oasinhtơn xấu đi nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch Tuyết trắng. Đặc biệt, trước đó gần một tháng, Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là Yosuke Matsuoka nhanh chóng kiến nghị lên Nhật Hoàng Hirohito là phải lập tức khai chiến với Liên Xô. Ngay trong hai tháng 7 và 8/1941, quân Quan Đông của Nhật Bản đã tổ chức một diễn tập quy mô lớn, mà mục tiêu giả định chính là Hồng quân Liên Xô. Những thông tin tình báo từ nhiều kênh khác nhau cho thấy Nhật Bản có khả năng tấn công Liên Xô.
Tàu chiến Mỹ tại Trân Châu Cảng bốc cháy sau khi bị không quân Nhật Bản tập kích. 
Tình hình vô cùng nguy cấp, tình báo Liên Xô lại được lệnh liên lạc khẩn cấp với White, hối thúc điệp viên này nhanh chóng hành động. Tháng 10/1941, khi quân Đức áp sát Mátxcơva, căn cứ theo những nội dung do Palov cung cấp, White đã khởi thảo một bị vong lục để gửi cho phía Nhật Bản. Bị vong lục tuyên bố Mỹ chỉ thừa nhận chính phủ của Tưởng Giới Thạch, không thừa nhận chính quyền ngụỵ Mãn Châu (chính quyền bù nhìn ở Mãn Châu và phía đông Nội Mông, do các quan chức nhà Thanh cũ tạo ra với sự giúp đỡ của Nhật Bản vào năm 1932) và chính quyền ngụy của Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh. Bị vong lục cũng yêu cầu Nhật Bản lập tức rút quân khỏi Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Đông Dương cũng như rút khỏi hiệp ước đồng minh ba nước Đức-Ý-Nhật… Những yêu cầu này chủ yếu nằm trong nội dung “khẩu dụ” của Stalin. Tháng 11/1941, White lại khởi thảo một bị vong lục khác với lời lẽ cứng rắn hơn. Hai bị vong lục này sau khi được Tổng thống Mỹ Roosevelt thông qua, lần lượt được trao cho phía Nhật Bản dưới danh nghĩa của Quốc vụ khanh Cordell Hull, nên lịch sử gọi đó là Bị vong lục Hull.
Ngày 25/11/1941, Đại sứ Nhật Bản ở Mỹ và các đại biểu tham dự đàm phán Mỹ-Nhật nhận được Bị vong lục Hull từ tay White. Kết quả không nằm ngoài dự liệu của Mátxcơva. Nhật Bản một mặt lên tiếng phản đối, mặt khác theo chỉ thị của Nhật Hoàng triệu tập hội nghị trọng thần với sự tham gia của các nhân vật từng giữ chức vụ thủ tướng còn sống. Không có ai tham dự hội nghị này bày tỏ sự tán thành đối với Bị vong lục Hull, thậm chí có người còn nói nếu Nhật Bản chấp nhận những yêu cầu này trong Bị vong lục Hull sẽ trắng tay và bị hủy diệt, cho nên dù thế nào thì cũng phải khai chiến với Mỹ.
Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Sau khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, ngày 11/12/1941, Tổng cục tình báo Hồng quân Liên Xô đã báo cáo lên Stalin rằng Nhật Bản đã điều 2 sư đoàn bộ binh cùng 300 máy bay từ chiến trường Trung Quốc và 2 sư đoàn bộ binh cùng 250 máy bay từ Mãn Châu về phía nam. Cuối cùng, Stalin đã có thể yên tâm vì không phải căng ra đối phó với việc bị Nhật Bản tấn công từ phía đông, rảnh tay ra đòn phản công nhằm vào phát xít Đức ở mặt trận phía tây. Kế hoạch Tuyết trắng thành công mĩ mãn.
Theo Minh Thành/Báo tin tức

Bình luận(3)

Minh Hiền

kiên

chiến tranh mà. tất cả cũng chủ vì đồng bào và tổ quốc thân yêu. stalin đúng là nhà chiến lược đại tài

Minh Hiền

Vũ Sinh

Dù sao thì nó cũng đã qua, nhưng Liên Xô chơi hiểm quá

Minh Hiền

Mai

Xong Mỹ cho nhật 2 quả bom nguyên tử là kết thúc :v