Việt Nam mang trong mình lịch sử ngàn năm mở đất và mở nước. Mở đất là cương thổ, mở nước là biên đảo và còn có cả những chuyến hải trình vạn dặm của tổ tiên ta mà các bảo vật khai quật được từ những con tàu đắm dưới đáy Biển Đông đã phần nào nhắc lại nghị lực phi thường ấy.
1. Những phát hiện khảo cổ trong các con tàu chìm Rang Kwian (vịnh Thái Lan), Turiang (Malaysia), Padanan (Philippines) từ năm 1976 đến 1993 đã cho thấy phần nào bức tranh tuyệt đẹp về gốm cổ Việt Nam và phác họa lại con đường tơ lụa trên biển. Bức tranh đó càng rực rỡ khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm. Trong một bữa cơm trưa tại khuôn viên rợp bóng cây của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường đã nói với tôi đôi điều về con đường huyền thoại ấy vốn đã tưởng như chỉ còn biết đến không nhiều qua sách vở.
|
Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga, Kendi và đĩa được tìm thấy trong lòng con tàu cổ Cù Lao Chàm. |
Ở ngoài khơi Hội An, cách Cù Lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc, một cuộc khai quật dưới biển với quy mô chưa từng có trong những năm 1997-2000 đã phát hiện được một khối lượng khổng lồ, khoảng 150.000 đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn như vừa mới ra lò trên một con tàu đắm, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XV. Những đồ gốm này là sản phẩm của các lò gốm ở tỉnh Hải Dương, cho thấy con tàu này đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ và đang trên đường đi xuống phía nam đến các nước Đông Nam Á hải đảo để tiêu thụ thì bị đắm.
Tàu nằm ở độ sâu 70-72m dưới mực nước biển. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Visal và Công ty Saga Horizon (Malaysia) đã tiến hành khai quật cùng với nhiều chuyên gia khảo cổ học của Anh, Séc và một số chuyên viên lặn bão hòa nước ngoài. Con tàu dài 29,4m, rộng 7,2m, trong lòng chia thành 19 khoang, gỗ đóng tàu là loại gỗ tếch còn tốt và các thanh dầm ngăn cách các khoang được ghép rất chắc chắn, dù đã chìm trong lòng biển 5 thế kỷ.
Trong tàu cổ này còn có một số đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Một người tham dự cuộc khai quật hệ trọng này đã kể lại với tôi rằng, các chuyên gia ngồi trên mạn tàu và chỉ đạo cho thợ lặn lấy đồ trong lòng tàu đắm qua các camera hiển thị. Và tất cả những thước phim ấy hiện đều vẫn còn lưu.
2. Cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét rằng, có một thời ở phương Tây đồ gốm chỉ được coi là đối tượng của nghệ thuật thứ cấp, nếu so sánh với kiến trúc và điêu khắc. Trong khi đó, ở phương Đông, nhất là ở Trung Hoa, từ xưa đồ gốm đã được coi là loại hình nghệ thuật cấp trưởng. Cũng đã từng có thời, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, giới Đông phương học Âu Tây chỉ coi Việt Nam là một “Trung Hoa bé tí xíu”, do vậy họ cũng coi đồ gốm sứ Việt Nam chỉ là một nhánh nhỏ của cây đại thụ gốm sứ Trung Hoa.
Nửa sau thế kỷ XX, sau khi đi sâu nghiên cứu, bàn luận về công nghệ lò nung rồi sự diễn tiến về kiểu dáng và men, họ (Roxanna Brown, John Guy…) đều đã ngỡ ngàng nhận ra rằng, Việt Nam có lịch sử lâu dài nhất về sản xuất gốm tráng men ở Đông Nam Á.
80 năm trước, thế giới hiện đại vẫn nhầm tưởng rằng, dòng gốm hoa lam được sản xuất không nơi nào khác ngoài Trung Quốc. Nhưng sau khi L.R.Hobson phát hiện dòng minh văn ghi trên vai chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp cao 54cm trưng bày ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1933-1934 (có dòng chữ ghi rõ “Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút” – năm Đại Hòa thứ 8 – 1450 đời Lê Nhân Tông – thợ gốm châu Nam Sách họ Bùi vẽ chơi) – đã mở rộng cánh cửa cho một lĩnh vực nghiên cứu mới.
Từ đó, người ta quan tâm tới một địa danh có tên là Nam Sách, ở đâu đó bên lưu vực sông Hồng thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có thể có những lò sản xuất gốm vốn nằm trong thái ấp của các đại quý tộc triều Trần. Họ gọi đây là “gốm An Nam” và coi đó là “một hiện tượng mới” trong lịch sử gốm phương Đông. Nhưng phải đợi 52 năm sau, những bí ẩn về nơi sản xuất chiếc bình gốm hoa lam đẹp nổi tiếng ấy mới được khám phá.
Từ những thông tin của ông Mokoto Anabuky, Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội về chiếc bình Topkapi, các cán bộ Bảo tàng Hải Hưng (nay là Hải Dương), do ông Tăng Bá Hoành phụ trách, đã lần tìm và phát hiện ra di tích gốm Chu Đậu tại châu Nam Sách xưa, vào đầu năm 1983. Và cũng từ đó, người ta mới biết dòng gốm hoa lam cũng được sản xuất ở Việt Nam từ hơn 500 năm trước.
Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của nước ta, ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV-XVI. Chu Đậu thường sản xuất những dòng gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ phục vụ cho tầng lớp trên, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng và xuất khẩu ra nước ngoài.
Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm. Men sử dụng với nhiều màu khác nhau hết sức phong phú: men trắng hoa lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. Sự chuyển đổi kỹ thuật dùng bút lông để vẽ hoa văn bằng màu dưới men đã đem lại cho công nghệ gốm Việt Nam những nét mới mẻ và dẫn tới sự ra đời của gốm hoa lam. Gốm hoa lam hiện đã phổ biến và trở thành thuật ngữ quốc tế, dùng để chỉ những đồ gốm có men trắng được vẽ màu xanh cobalt dưới men.
Sau khi có quyết định của Chính phủ Việt Nam, 10% hiện vật trong tàu cổ Cù Lao Chàm đã được lựa chọn và “chia phần” tương đối đều cho các bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 4.362 hiện vật cùng 779 hiện vật độc bản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM 4.362 hiện vật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 4.362 hiện vật, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam 5.562 hiện vật, Bảo tàng tỉnh Hải Dương 5.562 hiện vật.
Càng nghiên cứu, nghệ thuật của người xưa càng hiển lộ. Chủ đề trang trí có hình tượng con người, động vật, côn trùng, thủy tộc, hoa lá, phong thủy… kết hợp kỹ thuật trang trí nổi bằng bút lông với vẽ lam hay vẽ nhiều màu trên men. Mỗi loại hoa văn lại có nhiều bố cục, nhiều cách thể hiện, đa dạng chưa từng biết đến cho thấy tài khéo vô cùng của người thợ gốm xưa.
Đó là một bút pháp điêu luyện tuyệt vời: khi thì tỉa vẽ thật chi tiết, khi thì phóng bút nhanh và thoáng. Lối thể hiện không gian ba chiều, luật viễn cận trong hội họa đều như được sử dụng rất nhuần nhụy và từ đó phô diễn một cách kỳ lạ, sinh động, đa dạng đời sống xã hội và cả thế giới của một miền nhiệt đới thế kỷ XV.
3. Theo GS Misugi Takatoshi (Nhật Bản), con đường tơ lụa trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm bọc gió vượt biển được xác lập từ đầu công nguyên và ngày càng phát triển khi kỹ thuật la bàn được phát minh, tạo điều kiện cho những thương thuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu, trầm hương, sản phẩm sành sứ… thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà trên lục địa đầy trắc trở và hoang vắng.
Song song với sự hưng thịnh rực rỡ của nền văn minh Lưỡng Hà vào thế kỷ IX-XI, hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia… đã được đưa đến các xứ Ai Cập cổ đại để mua bán, trong đó có hàng “sành sứ An Nam”, đặc biệt loại bát chén men ngọc được người Vịnh Ba Tư rất ưa chuộng, xem là một dụng cụ để kiểm tra thuốc độc trong thức ăn (poisoning test) trong thời kỳ các nước và bộ tộc tranh chấp ác liệt và truyền thuyết đó vẫn được lưu lại cho đến ngày nay.
|
Bản đồ mô tả con đường tơ lụa trên bộ và trên biển. Tại Việt Nam, các thương thuyền có thể cập bến hoặc xuất phát ở Luy Lâu, Hà Nội, Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Cù Lao Chàm, Vijaya (Thị Nại), Óc Eo (vương quốc cổ Phù Nam).
|
Tổ tiên chúng ta đã vượt biển như thế nào? Nhà hàng hải George Windsor Earl khen ngợi không tiếc lời trong sổ nhật ký của ông trên đường dẫn lộ một chiếc thương thuyền đến Singapore vào đầu thế kỷ thứ XVIII như sau: “…Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gẫy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước… Tôi nghĩ mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu châu.
Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền họ lại không trang bị vũ khí và như thế có thể là miếng mồi ngon cho bọn hải tặc”.
Còn bác sĩ John Crawfurd, người được Chính phủ Anh đề cử làm “lưỡng quốc” đại sứ tại hai kinh đô Bangkok và Huế năm 1822 nhận xét: “Nếu như người Việt Nam được phép tự do viễn dương thì người ta không thể tìm đâu ra được một sắc dân nào nữa ở Á Đông mà lại có đầy đủ những đức tính để trở thành các nhà hàng hải siêu đẳng như vậy… Tính họ không những cương quyết, năng hoạt động, tôn trọng hạn kỳ, mà lại luôn luôn vui vẻ chiều lòng khách hàng… Ghe tàu của họ được các nhà chuyên môn xét đoán và mô tả như là những loại thuyền tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, kiến trúc rất chắc chắn, đủ sức hải hành ngay cả những khi thời tiết xấu nhất”.
Thuyền trưởng John White, một trong những nhà hàng hải Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1820 thì kinh ngạc khi thấy những hải xưởng Việt Nam thời đó lại có đầy đủ vật liệu cho việc đóng những loại tàu lớn nhất như Frigate (tức loại chiến hạm chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ sử dụng vào đầu thế kỷ XIX).
Vũ Hữu San trong bài viết: “Khoảng trống văn học dân ta: những thành tích hàng hải” đã nhận xét thấm thía rằng, ngày nay, trong những buổi lễ lạt, đa số các vị được lên diễn đàn để nói thì hầu hết đều ca tụng những chiến công hiển hách của tiền nhân. Tuy vậy, qua hàng trăm, ngàn bài diễn văn người ta chưa thấy hoạt động hàng hải của tổ tiên được nhắc nhở tới. Trong những công trình dựng nước, mở nước, giữ nước trên vùng đất nước quê hương mà sông biển bao trùm khắp nơi, sự hy sinh vì nghĩa vụ với “thân xác tử sĩ chìm theo sóng nước” nhiều hơn số người “da ngựa bọc thây” gấp nhiều lần.
4. Mầm mống ngoại thương nằm trong lịch sử giao lưu lâu dài giữa Việt Nam và thương nhân từ nhiều nước đã đến buôn bán tại Việt Nam. Vậy mà mãi đến thế kỷ XX, người ta mới phát hiện gốm Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu tại Tây Á, lục địa và hải đảo Đông Nam Á, cũng như Nhật Bản. Vô số gốm hoa lam Việt Nam tìm thấy ở Đông Nam Á là thành phẩm của hoạt động mậu dịch đáng nể này.
Qua đó Việt Nam dành được cho mình một vị trí bền vững trong lịch sử gốm hoa lam trong giai đoạn sớm. Còn ở Tây Á, sự có mặt của gốm đã gián tiếp cho biết Việt Nam có mặt trong các thương vụ buôn bán đường dài. “Sự có mặt của gốm hoa lam Việt Nam trong những sưu tập có uy tín cho biết chúng đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và khiếu thẩm mỹ của khách hàng sành sỏi và giàu có nhất thế giới” – Kerry Nguyễn Long trong cuốn “Gốm hoa lam trong bối cảnh xuất khẩu” đã viết như vậy.
Còn Bùi Minh Trí trong cuốn “Gốm hoa lam Việt Nam” nhận xét: Một trong những tiêu chí đánh giá về sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm Việt Nam thời kỳ này phải kể đến các bức vẽ về động vật. Đây là những đồ án đẹp được thể hiện rất cầu kỳ, sinh động, với bút pháp điêu luyện có thần, mang tính hiện thực cao. Có thể nói không quá rằng, những bức vẽ chim, cá có chất lượng cao so với đồ sứ thời Minh cùng thời, thì dường như đã vượt qua độ tinh xảo, chứng tỏ bước phát triển rất cao về nghệ thuật trang trí.
Sự cầu kỳ của chiếc bình gốm vẽ hoa mẫu đơn dây ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chiếc bát vẽ hoa sen dây ở Bảo tàng Hà Nội, chiếc đĩa lớn vẽ hoa sen dây và hai con sư tử vờn quả cầu lửa ở Bảo tàng Pusat Jakarta (Indonesia), chiếc bình dáng con tiện vẽ rồng là vật báu của gia đình tướng quân Togugawa (Nhật Bản) trước đây hay những chiếc bình hình dáng gần giống đàn tỳ bà vẽ hoa lá, chim phượng và rồng là những ví dụ điển hình hơn cả.
Nhưng TS Nguyễn Văn Cường lại đưa ra một minh chứng khác mà anh cho rằng thuyết phục hơn cả. Đó là chiếc bình vẽ Thiên Nga được làm bằng chất liệu gốm men, cao 56,5cm, đường kính miệng 23,8cm, đường kính đáy 25,8cm, nặng 15,6kg, có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng, thân phình thuôn dần xuống đáy – chiếc bình gốm có kích thước lớn nhất, có đề tài trang trí hoành tráng nhất trong số những hiện vật độc bản quý hiếm từ đợt khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm.
Anh nhắc tôi rằng, nó còn cao lớn hơn cả chiếc bình Topkapi nổi tiếng hiện đang “lưu lạc” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những đề tài trang trí ở đây đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển Trung Hoa, phóng khoáng hơn, sáng tạo hơn, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, như một sứ giả về từ quá khứ, cho ta hình dung phần nào về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam thời Lê Sơ thế kỷ XV, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Và nó là một minh chứng tuyệt mỹ của con đường tơ lụa trên biển.
Biển Đông che giấu trong lòng nước nhiều bí ẩn hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Biển Đông đã từng có một con đường tơ lụa rất tấp nập. Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu. Điều này phù hợp với nhận định ban đầu của GS Misugi Takayoshi rằng, có những dấu hiệu cho thấy “người Chiêm Thành đi bằng Giao Chỉ thuyền” đã vượt biển đến các vùng đảo của Nhật Bản từ thế kỷ thứ II vì người dân tộc Chăm sống ở ven biển vốn có nghề đi biển theo hướng gió mùa rất thông thạo. Cho nên nhiều nhà khảo cổ trẻ tuổi Nhật Bản ngày nay vẫn thường xuyên đi tìm những mảnh vụn gốm sứ, hàng trang sức đang nằm dưới lòng đất ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu… để tìm lời giải đáp cho điều “bí ẩn” trong quan hệ Nhật – Việt vào thời kỳ mà con đường tơ lụa trên biển bắt đầu mới hình thành.