Tiết lộ bất ngờ... thú vị về nụ hôn

Google News

(Kiến Thức) – Ngay từ thời cổ đại, nụ hôn đã là biểu tượng của sự hợp nhất, gắn kết tình cảm của con người nhưng thiên về ý nghĩa tâm linh.

Nụ hôn gắn kết linh hồn

Theo quan niệm của các giáo trưởng Do Thái, một số người công minh chính trực đã được miễn trừ sự hấp hối và cái chết, họ lìa bỏ cõi trần trong sự xuất thần mê ly do được nhận cái hôn của Chúa Trời. Liên quan đến cái hôn của thần linh, sách Zohar của người Israel có viết: “Cầu xin Người hôn con bằng những cái hôn từ miệng Người”. Bằng cách nói đó, cộng đồng người Israel cầu xin sự gắn kết không thể tách rời ấy giữa họ với thần linh.

Từ miệng là lối ra và nguồn của hơi thở, người ta trao nhau những cái hôn tình yêu. Khi linh hồn con người tỏa ra bằng cái hôn để gắn kết với một linh hồn khác, một con người khác, thì từ đấy họ sẽ không tách rời nhau được nữa, sự hợp nhất ấy là cái hôn. Hôn hàm nghĩa sự gắn kết linh hồn với linh hồn.

Thời Trung cổ, sư phụ của Giáo hội hoặc các tu sĩ cũng cắt nghĩa cái hôn với nghĩa gắn kết linh hồn. Với Guillaume de Saint Thierry (tu sĩ người Pháp), cái hôn là dấu hiệu của tính thống nhất. Chúa Thánh thần có thể được coi như là sự phát sinh từ cái hôn giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Sự nhập thân là cái hôn giữa Chúa Trời và bản chất con người. Sự hòa hợp giữa linh hồn con người và Chúa Trời trong cuộc sống trần thế dự báo cái hôn hoàn hảo sẽ đến trong vĩnh hằng.

 Cái hôn mà Chúa Thánh thần đặt lên con người thể hiện lòng nhân ái của Chúa. Ảnh: Internet.

Đức thánh Bernard de Clairvauix cũng trong chú giải trong Tuyệt Diệu Ca, cái hôn miệng, trao cho nhau giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, cái hôn nhau giữa người đồng đẳng với người đồng đẳng chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Cái hôn mà Chúa Thánh thần đặt lên con người, nó tái hiện cái hôn của Bộ Tam - Nhất thánh thần, không phải và không thể là cái hôn miệng, mà là một cái hôn được tái tạo để trao đổi với một cái hôn khác: cái hôn của cái hôn. Đó là bản sao tình yêu của Chúa trong con người, lòng nhân ái của Chúa trở thành lòng nhân ái của con người.

Theo thánh Bernard, con người, theo một cách nhất định, đứng ở khoảng giữa của cái hôn và của sự ôm hôn giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, mà cái hôn ấy chính là Chúa Thánh thần. Con người như vậy, bằng cái hôn, đã hợp nhất với Chúa và chính do đó mà đã được thần thánh hóa.

Với tư cách là dấu chỉ của sự hòa hợp, sự quy thuận, sự tôn kính và của tình yêu, cái hôn được trao cho nhau như một lễ thức giữa những người được thụ giáo trong các buổi lễ của nữ thần Cérès: nó chứng thực sự hòa hợp tâm linh của họ.

Hôn nhau ở nhà thờ là thông dụng trong Giáo hội nguyên thủy. Giáo hoàng Innocent đệ nhất đã thay thế tục lệ đó bằng một tấm kim loại (Pax) mà người đến hành lễ hôn vào đó và truyền cho người khác hôn. Tấm kim loại ấy về sau được gọi là Patène và hiện còn được lưu dùng. Tập quán ấy còn được duy trì trong việc hôn những di vật của các thánh những thánh tích ấy được trưng bày vì lòng sùng bái của các tín đồ.

Trong thời Cổ đại, người ta ôm hôn chân và đầu gối nhà vua, quan tòa hay những người nổi tiếng thánh thiện. Người ta ôm hôn những bức tượng để cầu xin được sự bảo hộ.

Ở thời Trung cổ, trong luật lệ phong kiến, chư hầu đứng hôn tay Lãnh Chúa, từ đó hôn tay là ngụ ý tỏ lòng cung kính.

Trong các nghi lễ cổ liên quan đến lễ thụ phong các linh mục và lễ cung hiến các nữ đồng trinh, có nói bóng gió về cái hôn được ban tặng bởi đức Giám mục. Vì những lý do ý nhị, sự ôm hôn được bãi bỏ với nữ đồng trinh, người nữ tu chỉ cần đặt môi lên bàn tay của giáo sĩ.

Bày tỏ tình yêu bằng nụ hôn

 Đất nước đầu tiên bày tỏ tình yêu bằng nụ hôn là Pháp. Ảnh: Internet.

Các nhà khoa học cho rằng, đất nước đầu tiên bày tỏ tình yêu bằng nụ hôn là Pháp. Trong cuốn 1001 hỏi đáp khoa học có đề cập tới nguồn gốc nụ hôn tình yêu: “Trong các điệu múa dân gian lưu hành ở Pháp xưa, hầu như điệu nào cũng lấy nụ hôn làm phần kết thúc”.

Cách bày tỏ tình yêu bằng nụ hôn đã từ nước Pháp nhanh chóng lan truyền khắp châu Âu. Người Nga thích học theo phong tục của người Pháp, do đó tục hôn nhau được họ tiếp thu và truyền bá trong giới thượng lưu. Đuợc Nga Hoàng hôn đã trở nhành niềm vinh dự cao nhất được nền quân chủ thừa nhận.

Về sau, nụ hôn đã trở nhành một phần quan trọng trong cách bày tỏ tình yêu. Cùng với sự phát triển của tập tục cưới xin, hôn nhau đã trở nhành một phần nghi thức trong lễ cưới.

Ngày nay chúng ta coi nụ hôn là cách bày tỏ tình cảm yêu thương và thân thiết. Tuy vậy, vẫn có nhiều nơi trên thế giới, người ta coi nụ hôn là một phần nghi lễ, dùng để bày tỏ lòng tôn kính và phục tùng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy

Bình luận(0)