Thời khắc lịch sử: Đại quân về tiếp quản Thủ đô

Google News

(Kiến Thức) - Trong đêm hòa bình đầu tiên của dân tộc năm 1954, Hà Nội bừng lên cờ hoa, ánh sáng. 

10h ngày 9/10/1954, tốp lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, vĩnh viễn chấm dứt cái bóng đen của lính viễn chinh Pháp tại Thủ đô Hà Nội. Hà Nội bừng lên cờ hoa, ánh sáng trong đêm hòa bình đầu tiên.
Những đoàn quân tiến về Hà Nội

Sáng ngày 10/10/1954, Đại đoàn Quân tiên phong 308 với đủ các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... mở cuộc hành quân lịch sử từ năm cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Dẫn đầu đoàn quân trùng trùng điệp điệp là Trung đoàn Thủ đô từng chiến thắng oanh liệt ở Liên khu I năm nào, giờ lại giương cao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" trở về giải phóng Thủ đô thân yêu. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu.
8h, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng anh hùng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu hành qua Kim Mã, theo lối Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Cửa Đông rồi vào thành.
8h45, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, Phố Huế vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy.
9h30, cánh quân cơ giới, pháo binh, cao xạ... từ sân bay Bạch Mai tiến qua các khu phố đông dân, qua Bờ Hồ qua chợ Đồng Xuân vào Cửa Bắc. Cùng đi với cánh quân này, có các đồng chí trong Ủy ban Quân chính. Hai chục vạn nhân dân Hà Nội và hàng chục vạn nông dân ngoại thành đã đứng chật các ngả đường phố, vui mừng đón chính quyền cách mạng và bộ đội nhân dân. Đoàn quân này tiến vào thành lúc 10h45 phút.
Một ngày hội lớn
Toàn dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui bất tận. Công nhân các xí nghiệp trước đó đã thức trắng đêm hàng tuần lễ tại xí nghiệp để bảo vệ máy móc, tài sản, trong giờ phút này lại có mặt hàng đầu. Nhân dân các khu xóm lao động đổ ra đường phố. Học sinh, giáo viên đi theo đội ngũ các trường lớp, công chức, nhân viên đi theo công sở, nhiều ngoại kiều cũng có mặt... Đồng bào Hà Nội vẫy cờ hoa, thả chim bồ câu, nổi trống, thổi kèn, múa sư tử, đốt pháo... chào đón. 
Ảnh Bác Hồ được treo ở những nơi trang trọng nhất. Nhiều người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, vui mừng vẫy gọi hoặc xúc động mà ra đường ôm chặt lấy các đồng chí bộ đội với niềm hân hoan tột độ. Một ngày hội lớn, sau hơn 8 năm dài chờ đợi. Ngày 10/10, có người liên tưởng tới năm 1010 khi Lý Thái Tổ dời đô về đây đặt tên Thăng Long cho thủ đô ngàn năm văn hiến.
15h ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội, sau một hồi còi dài của Nhà hát Lớn, đã trang nghiêm dự lễ chào cờ chiến thắng do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam tượng trưng cho Độc lập, chủ quyền dân tộc, tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Bác viết:
"Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.
Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể".
Thủ đô Hà Nội! Lại một trang sử mới bắt đầu.
PGS.TS sử học Chương Thâu

Bình luận(0)