Tết mồng ba tháng ba: Bữa tiệc thiết sứ giả nhà Nguyên

Google News

Ngày mồng ba tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía Nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống...

Việc vua Trần Nhân Tông tiếp đón sứ giả nhà Nguyên theo đúng phong tục An Nam, từ ăn uống, trò chuyện đến tặng thơ... đều nhằm khẳng định bản lĩnh dân tộc.
Trước hết hãy nói về Trương Hiển Khanh. Vào năm 1288 nước ta vừa đại phá cuộc xâm lược của nhà Nguyên lần thứ ba. Vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) vốn rất hận, đã tập trung lực lượng chuẩn bị đánh lần thứ tư vào năm 1294. Trương Hiển Khanh là Thượng thư bộ Lễ của Nguyên triều sang Việt Nam có nhiệm vụ "dụ" vua Trần phải thực tâm thần phục, sang triều kiến vua Nguyên và chịu làm theo mọi điều kiện nhà Nguyên áp đặt, nếu không thiên triều sẽ "trừng phạt".
 Ảnh minh họa.
Có thể Trương Hiển Khanh cũng còn một nhiệm vụ nữa là quan sát xem nước Việt sau năm năm với hai cuộc chiến khốc liệt, thế và lực ra sao. Vua tôi nhà Trần hiểu rất rõ điều đó, cho nên cuộc tiếp sứ lần này thực chất là một cuộc đấu tranh ngoại giao gai góc chứ không phải là cuộc thăm hỏi xã giao.
Nhưng Trần Nhân Tông hết sức chủ động, nhà vua chủ trương "hóa giải" tình hình đó, trước hết với vị sứ thần có địa vị cao trong Nguyên triều và chắc chắn có học vấn. Vua tiếp sứ giả ở Điện Tập Hiền với phong cách rất thân mật, chủ tâm theo phong tục An Nam: Đặt tiệc mời toàn hải sản, trong lúc trò chuyện thỉnh thoảng lại mời ăn trầu, thậm chí còn mời vào trong trướng "ngồi xuống đất". Trong cả chuỗi sự kiện tiếp đãi với tinh thần khẳng định bản lĩnh dân tộc đó, vua Nhân Tông trong ngày Tết mồng ba tháng ba đã biếu Trương Hiển Khanh một mâm bánh với bài thơ trên. Các vua nhà Trần là những người có học, chắc chắn nhà vua biết rõ câu chuyện Giới Chi Thôi, nhưng với căn cứ gì vua Nhân Tông khẳng định đó là "phong tục cổ An Nam từ trước tới nay"?
Trần Nhân Tông không ghi chú rõ, nhưng gần đây tìm hiểu ý tứ của bài thơ này, chúng tôi đã thấy một căn cứ. Nguyên là theo sách Kinh Sở tuế thời ký thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, gọi là tiết Hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày; Lời chú của sách này nói: Theo lịch thì tiết ấy vào khoảng trước Thanh minh 2 ngày, cách ngày Đông chí 106 ngày. Một sách "biệt lục" của Lưu Hướng cũng nói tiết Hàn thực có từ đời Chu; Tiết này được gắn với truyện Giới Chi Thôi là từ thời Hậu Hán. Cũng sách này còn ghi người bản địa "thổ nhân" trong ngày mồng ba tháng ba còn ra bến sông, thả chén và vui uống rượu. Như vậy có thể nói, ngày mồng ba tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía Nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống (mà Việt Nam ngày nay xa xưa cũng là một trong Bách Việt. Bách Việt khác Hán tộc). Vì thế, Nhân Tông mới nhấn mạnh đây là "phong tục cổ của An Nam".
Cũng có thể còn thêm một căn cứ nữa là nếu cứ theo tích Giới Chi Thôi thì Tết mồng ba tháng ba là một cái tết buồn, nhưng trái lại với Việt Nam đây là một lễ hội vui, có múa hát, có mặc áo mới và ăn một thứ bánh có rau, tinh khiết như "hồng ngọc" mà vua gọi là "bánh xuân". Bài thơ hai mươi tám chữ tặng Trương Hiển Khanh của Trần Nhân Tông quả là có một chiều sâu tư tưởng, một vẻ đẹp nhân văn rất đáng để hậu thế chiêm ngưỡng và suy ngẫm.  
Băng Thanh

Bình luận(1)

Minh Hiền

Trịnh Đức

Tôi xin lỗi khi buộc phải nói tác giả bài viết trên là người có kiến thức chắp vá, thông tin anh ta đưa ra được chắp nhặt từ những diễn đàn "thông thái " tới mức kinh hoàng như kyhocphuongdong . .. Tôi chỉ muốn nói với anh là đừng có nhập nhằng khái niệm Bách Việt với Hán Tộc và tôi cũng xin chỉ ra cho anh và nhiều người còn mê muội được rõ là cái gọi là Bách Việt chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sử ký Tư Mã Thiên khi Tần Thủy Hoàng chinh phạt phương Nam. Vì người Tần khi đó họ mù mờ về các tộc người phương Nam nên họ mới gộp chung bằng một cái tên rất mơ hồ là Bách Việt. Cũng theo cái giới hạn đó thì các quốc gia thời Xuân Thu- Chiến Quốc bên tàu như Ngô, Sở, Việt- Câu Tiễn cũng thuộc về cái khối gọi là Bách Việt đó sau này bị nước Tần thống nhất năm 206 TCN. Sau Lưu Bang lập ra nhà Hán là vương triều thống nhất, hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc và người dân nước họ lấy làm tự hào vì vương triều này và tự xưng Hán tộc cũng để vinh danh điều đó. Ngày nay họ cho rằng nó vĩ đại như đế chế La Mã của Châu Âu.
==> như vậy là ta có thể thấy rằng năm xưa các sử gia Trung Quốc họ không có hiểu biết thấy đáo về các tộc người phương Nam họ và chí ít một phần cái gọi là Bách Việt kia là một bộ phận to lớn cấu tạo nên cái gọi là Hán Tộc.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, có chủ quyền và ta không phủ nhận văn hóa nước ta chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa cổ do người Hán du nhập vào nhưng ta có quyền tự hào rằng ta tiếp thu có chọn lọc và cải biến để nó phù hợp với văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam. Tác giả đừng có bao giờ nhập nhằng dân tộc ta là một dân tộc vinh quang, hào hùng với đám nạn dân tên gọi "Bách Việt " đã ngụp lặn trong dĩ vãng.