Năm 1928, Mao Trạch Đông lúc đó là Chính ủy Hồng quân công nông Trung Quốc về huyện Vĩnh Tân (thuộc khu căn cứ địa tỉnh Cương Sơn) để điều tra tình hình nông dân thì gặp Hạ Tử Trân, một nữ chiến sĩ Hồng quân đang làm công tác dân vận tại đó.
|
Mao Trạch Đông - Hạ Tử Trân năm 1932. |
Cuối năm đó, một đám cưới đơn giản đã được tổ chức mà cô dâu là nữ chiến sĩ Hồng quân 20 tuổi Hạ Tử Trân, còn chú rể là Mao Trạch Đông, người đang giữ trọng trách cao nhất của Hồng quân Trung Quốc. Tới mùa xuân năm 1930, Hạ Tử Trân sinh cô con gái đầu lòng tại một bệnh viện dã chiến của Hồng quân khi đó đóng ở vùng Hổ Lĩnh Sơn (Sơn Thành, Long Nham thuộc khu căn cứ Mân Tây Sơn, tức Phúc Kiến, Giang Tây và Sơn Tây). Cô con gái được đặt tên là Mao Kim Hoa.
Lúc này khu căn cứ cách mạng tại đây đang bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vây giáp ác liệt. Vì vậy, khi đứa bé còn chưa đầy tháng, thông qua sự giới thiệu của Đặng Tử Khôi, Bí thư Đặc khu ủy Mân Tây, Hạ Tử Trân buộc lòng phải giao đứa con gái bé bỏng của mình cho Ông Thanh Hà, một người thợ đóng giày trong thành Long Nham nuôi hộ.
Khi Mao Trạch Đông cho người hỏi người thợ đóng giày Ông Thanh Hà, thì được thông báo rằng bé gái đã bị chết. Biết được tin này, Mao Trạch Đông vô cùng đau đớn. Nhưng do chiến tranh loạn lạc, công việc bộn bề nên Mao Trạch Đông cũng không có thời gian để xác định nguồn tin này.
Sau tết Nguyên đán năm 1964 không lâu, Ngô Triều Phương, phó chuyên viên đặc phái khu Long Nham nhận được một bức thư có ký tên là Dương Nguyệt Hoa đề nghị được giúp đỡ để làm rõ thân phận của mình. Bức thư của Dương lập tức được trình lên Chủ tịch Ngụy Kim Thủy.
Nội dung bức thư quả thật đã tạo cho Chủ tịch Ngụy ấn tượng rất mạnh. Do đó ngày 17/1/1964, Huyện ủy huyện Long Nham đã cho mời Dương Nguyệt Hoa và những người có liên quan với Dương Nguyệt Hoa như bà Khưu Lan Tử, mẹ nuôi của Dương, mợ Trịnh Thu Địa, vợ chồng, con cái Ông Thanh Hà tham dự cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của đích thân chủ tịch Ngụy.
Trong cuộc họp này Khưu Lan Tử cho biết: bà không phải là mẹ đẻ của Dương Nguyệt Hoa. Sở dĩ bà lấy họ Dương cho Nguyệt Hoa vì chồng bà là họ Dương. Theo lời Khưu Lan Tử thì Nguyệt Hoa được người anh ruột của bà là Khưu Ứng Tùng đưa cho bà vào năm 1930. Theo lời Khưu Ứng Tùng nói với bà khi đó, thì “đây là con gái mới đẻ của một nữ chiến sĩ Hồng quân”, vì nhiệm vụ quá khẩn cấp nên không có điều kiện nuôi con được và nhờ vợ chồng bà nuôi hộ.
Còn Ông Thanh Hà thì cho biết: Vào giữa tháng 6/1930, ngay đêm hôm trước khi Hồng quân di chuyển khỏi Long Nham, qua lời giới thiệu của Đặng Tử Khôi, vợ chồng Ông Thanh Hà có nhận nuôi một bé gái, mà Tử Khôi gọi tên cháu bé là Mao Kim Hoa. Nhưng không lâu sau đó quân Quốc dân đảng tràn tới. Do quá lo sợ nên Hà đã đưa bé gái cho vợ là Ông Đại Nương mang sang cho cô em người họ hàng là Ông Nương cất giấu và nuôi nấng.
Hơn nữa không hiểu từ đâu mà Dương Phong Niên, Lữ trưởng quân Quốc dân đảng, biết được rằng ở vùng này đang nuôi nấng con gái đầu lòng của Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân. Dương đã cho quân tới bắt vợ chồng Ông Thanh Hà lên tra hỏi. Vì sợ liên lụy tới Ông Nương nên vợ chồng Thanh Hà đã khai rằng đứa bé ấy đã chết. Nhưng ngay cả Ông Nương cũng không dám nuôi Mao Kim Hoa vì sợ.
Vì vậy Mao Kim Hoa đã phải truyền tay qua rất nhiều người rồi tới tay Khưu Ứng Tùng. Đến sau ngày giải phóng khi có người hỏi tới vợ chồng Ông Thanh Hà về đứa trẻ khi xưa, vợ chồng Ông Thanh Hà sợ rắc rối đến với mình nên đều trả lời là đứa bé đã chết cho xong chuyện.
Dù Ông Thanh Hà sau đó không xác nhận Dương Nguyệt Hoa là con Mao Trạch Đông nhưng con gái ông này là Ông Xuân Mộc và cháu là Tô Nhân Bằng thì vẫn trả lời rằng: “Theo như Ông Thanh Hà kể lại thì ngày đó tình hình rất hỗn loạn, lúc thì Hồng quân tới, lúc thì Quốc dân đảng tới, chẳng biết thế nào nên ai cũng sợ. Sau đó lại sợ rằng nếu cứ nói thật là bé gái không bị chết mà lại không đưa được bé ra thì chắc sẽ bị tội lớn, vì thế Ông Thanh Hà cố sống cố chết nói bé đã bị chết, bởi như thế sẽ không còn lôi thôi gì nữa”.
Vào cuối năm 1971, giám đốc Ty Giao thông tỉnh Phúc Kiến là lão chiến sĩ Hồng quân La Vạn Xương bị “phái tạo phản” đoạt quyền. La phải trở về quê ở thành Long Nham và rất ngẫu nhiên lại trở thành hàng xóm của Dương Nguyệt Hoa. Vì lẽ đó La Vạn Xương đã được nghe đầy đủ những chuyện về thân phận của Dương Nguyệt Hoa. Vốn là một chiến sĩ rất có trách nhiệm, La đã bí mật báo cáo với các đồng chí thượng cấp khi xưa của mình, trong đó có phó chủ tịch tỉnh Phúc Kiến là Hạ Mẫn Học.
Hạ Mẫn Học đã gặp riêng La và trao nhiệm vụ cho La cùng với Trương Hoa Nam vốn cũng là cựu chiến sĩ Hồng quân, người cùng quê với La, bí mật điều tra thực hư của vụ việc. Tới đầu năm 1973 La, Trương mới tập hợp được mọi tài liệu liên quan và bí mật gửi cho Hạ Mẫn Học. Ngay sau đó, Hạ Mẫn Học đã trao những tài liệu đó cho thủ tướng Chu Ân Lai.
Sau khi xem xong tập tài liệu, thủ tướng Chu Ân Lai đã rất quan tâm tới chuyện này. Vào tháng 8/1973, thủ tướng Chu đã phái Mao Trạch Đàm, Chu Kiếm Hà (con dâu của Hạ Di, em ruột Hạ Tử Trân) và một số người thân khác trong gia đình họ Mao, tới Phúc Kiến để làm rõ thực hư. Trước khi đi, Chu Kiếm Hà được Hạ Tử Trân cho biết: “Ở nách đùi chân bên phải của Mao Kim Hoa có một nốt ruồi đen tương đối to, còn phía trước một đầu gối thì có hai nốt ruồi nữa, nhưng nhỏ hơn”.
Nhưng rồi mọi người lại gặp phải vấn đề là khi gặp Dương Nguyệt Hoa thì làm sao có thể kiểm chứng “dấu vết” mà Hạ Tử Trân đã cho biết. Đang lúc bí thì La Hải Minh, con gái La Vạn Xương, đã hiến kế rằng: “Lúc đang nói chuyện, một người nào đó hãy hét to lên rằng: “Chết rồi, có bọ chét”, lúc đó Chu Kiếm Hà và mọi người hãy nhanh chóng vén cao ống quần lên làm như tìm bọ chét vậy. Tất nhiên khi đó Dương Nguyệt Hoa cũng sẽ vô tình kéo cao ống quần lên. Lúc đó Chu Kiếm Hà và La Vạn Xương phải cố gắng quan sát xem trên chân của Nguyệt Hoa có các dấu vết đó không?”.
Sau đó quả nhiên Chu và La đều nhìn thấy ở đầu gối của Nguyệt Hoa quả là có hai nốt ruồi thật. Rồi sau đó cũng bằng cách rất khéo léo, La Hải Minh đã kiểm tra và thấy quả thật ở bên nách đùi bên phải của Dương Nguyệt Hoa có một nốt ruồi đen khá to. Như vậy đã có cơ sở chắc chắn rằng những dấu vết mà Hạ Tử Trân cho biết đã chứng tỏ Dương Nguyệt Hoa đúng là Mao Kim Hoa, con gái của Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân. Rất vui mừng, Chu Kiếm Hà vội quay trở lại Bắc Kinh để báo cáo với Chu thủ tướng.
Sau khi Chu Kiếm Hà và những người trong đoàn rời đi không lâu thì Hạ Mẫn Học nhận được lệnh của thủ tướng Chu Ân Lai: “Hãy cho người dẫn Dương Nguyệt Hoa đến Thượng Hải để gặp Hạ Tử Trân”. Tất nhiên Dương Nguyệt Hoa không biết được nguyên nhân đích thực của chuyến đi này. Lúc đó tình hình ở Thượng Hải rất nhiễu nhương do Cách mạng Văn hóa nên cuộc gặp bất thành.
Sau khi bố trí để Nguyệt Hoa gặp Hạ Tử Trân bất thành, lại thấy tình hình sức khỏe của Mao chủ tịch không được tốt, nên thủ tướng Chu Ân Lai đã báo cáo toàn bộ sự việc, và trình cho Mao chủ tịch tất cả những tài liệu có liên quan tới Dương Nguyệt Hoa - Mao Kim Hoa.
Xem xong những tài liệu đó, Mao chủ tịch rất vui mừng và lập tức cho người nhắn Hạ Mẫn Học nhanh chóng dùng máy bay đưa Dương Nguyệt Hoa lên Bắc Kinh để bố con gặp mặt. Nhưng đến hôm sau Mao chủ tịch đã thay đổi ý định. Thay vì “đưa nàng công chúa” sau bao năm lưu lạc “chốn dân gian” về Bắc Kinh, thì Mao chủ tịch lại chỉ thị cho Hạ Mẫn Học “cứ để Dương Nguyệt Hoa không hay biết chuyện gì đã xảy ra, và chỉ cần bí mật chăm sóc Dương Nguyệt Hoa là đủ”. Lúc đó đã có rất nhiều cách giải thích về nguyên nhân của điều này.
Mãi đến năm 1974, khi biết tin Mao Kim Hoa đang ở Phúc Kiến, mặc dù sức khỏe không được tốt, Hạ Tử Trân đã bay tới Phúc Châu gặp bạn chiến đấu cũ là Hàn Tiên Sở, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến kiêm Tư lệnh quân khu Phúc Châu đề nghị cho mình được gặp con gái.
Thấy việc này là vượt quá quyền hạn của mình, Hàn Tiên Sở đã điện hỏi ý kiến Trung ương, và sau đó phó tư lệnh Quân khu Phúc Châu là Long Phi Hổ đã truyền đạt ý kiến của Trung ương cho Hạ Mẫn Học, rằng: Không nên để Hạ Tử Trân gặp Dương Nguyệt Hoa. Vì thế mong muốn của Hạ Tử Trân bất thành. Tháng 4/1984 Hạ Tử Trân từ trần, và thế là Mao Kim Hoa vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại bố và mẹ đẻ của mình, vì Mao chủ tịch đã từ trần từ tháng 9/1976.
Nhưng thật ra “nguyên nhân của nguyên nhân” trong vụ việc này là do sự can thiệp của Giang Thanh. Chính Giang Thanh đã tìm mọi cách ngăn cản Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân chính thức nhận lại đứa con gái của mình, vì sợ rằng nếu việc này xảy ra thì sẽ “rất ảnh hưởng tới sự nghiệp của Giang Thanh".