Tuy nhiên di tích lịch sử cấp quốc gia ấy lại đang đứng trước nguy cơ bị biến mất khiến nhiều người lo lắng.
Ngôi đình hơn 2.000 tuổi
Đình Tiến Tiên hiện nay không lớn và đã cũ kỹ nhưng theo các cụ cao niên thì trước đây đình rất bề thế, rộng rãi. Tuy nhiên sau ngày thống nhất thì đình bị phá đi để lấy gỗ, gạch xây dựng các hạng mục công trình khác phục vụ dân sinh, chỉ giữ lại một phần rất nhỏ hiện nay. Dân gian lưu truyền đây là nơi thờ thánh Tản Viên Sơn.
Theo tài liệu ghi lại thì cách đây hơn 2.000 năm mảnh đất nơi đây đã có dấu tích Đức thượng đẳng Tản Viên Sơn Thánh, người anh hùng dân tộc có công lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ nền độc lập nước Văn Lang dưới triều đại vua Hùng Duệ Vương thứ 18. Sau khi dẹp tan giặc Thục về tới địa đầu Đăng Tiên Trang, tức là nơi đây, phía trước có núi bên cạnh con sông uốn lượn như cung rồng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, người đã dừng lại một ngày để quan quân đồn trú nghỉ ngơi.
Nhân dân Đăng Tiên mang lễ vật tiến dâng lên người và khao quan quân. Người nói: Ta Tản Viên Sơn vâng lệnh vua Hùng đi đuổi giặc nay đã viên mãn về đây giúp dân cày cấy ổn định cuộc sống, đồng thời diệt trừ sơn lang độc thú bảo vệ dân lành. Nhân dân Đăng Tiến kính trọng hảo tâm dâng lễ vật, ta ghi ơn! Nhân dân hãy mang trâu bò dê lợn về, ta chỉ nhận một ít bánh trái lễ chay.
Nhân dân Đăng Tiên cảm ơn công đức của người xin được lập miếu phụng thờ. Người cắm hướng miếu và cho dị hiệu Quán Cốc. Từ đó, ngày 12 tháng 11 là ngày Tản Viên Sơn vu sơn về núi trở thành bất tử, nhân dân Đăng Tiên xưa (Tiến Tiên nay) cha truyền con nối, đời tiếp đời đèn nhang cúng tế coi là ngày tưởng nhớ ngài. Năm 1.767 Quán Cốc được xây dựng thành đình.
|
Ngôi đình hơn 2.000 tuổi. |
Dẫn chúng tôi thăm đình Tiến Tiên, cụ Nguyễn Bá Bẩm (trưởng ban Khánh Tiết đình) chỉ cho tôi chiếc giếng nằm phía hậu cung cho biết: Trước đây chiếc giếng này được đào từ gian hậu cung, thông tận ra sông Đáy, ở đây có đôi rắn mào rất to, đã nhiều lần ông được trực tiếp nhìn thấy. Sau này chiến tranh chống Mỹ, người ta dỡ đại bái đình làm trường học, làm trạm xá… bao nhiêu gạch đá trút hết xuống giếng để lấp, chỉ giữ lại hậu cung làm nơi thờ tự. Mới đây chiếc giếng này mới được người dân góp tiền khơi xuống bằng mặt nước nhưng không thông được ra sông nữa.
Về đôi rắn mào sống ở trong đình Tiến Tiên, nhiều người dân ở đây đã được chứng kiến. Bà Nguyễn Thị Mùi, một người dân Tiến Tiên kể: “Hồi đó cách đây cũng khoảng hơn 30 năm, tôi kéo vó bè bên kia sông, đang ngủ thì bố chồng gọi dậy bảo ra xem các “ngài” tắm. Tôi ngó ra thì thấy hai con rắn mào đỏ chót, hơn cả mào gà trống, tắm dưới sông rồi lên bờ cát tắm nắng xong bơi sang phía đình mất hút. Nhiều người cũng từng nhìn thấy rắn mào, sợ quá hét thất thanh rồi từ đó không dám vào đình nữa. Tôi ở đây bao nhiêu năm nhưng từ ngày nhìn thấy các ngài cũng không dám vào đình, đi lễ chỉ dám đứng ở cửa bái vọng vào”. Cụ Nguyễn Bá Bẩm cho biết, có lẽ từ ngày giếng bị lấp, các ngài không có chỗ ở nữa nên đã bỏ đi nơi khác, gần đây không ai còn nhìn thấy đôi rắn mào nữa.
Không ai dám lấy đồ làm của riêng
Theo bà Mùi, sở dĩ bà không dám vào đình một phần vì sợ đôi rắn mào, một phần phụ nữ trong làng cũng không dám vào vì sợ “ô uế” chốn linh thiêng. Bản thân bà cũng đã chứng kiến rất nhiều những chuyện linh thiêng không thể lý giải về ngôi đình này. “Có lần bố chồng tôi bị gẫy vó lên chùa mua cây tre về làm vó thay thế nhưng chỉ mua với ông thủ từ thôi chứ không bái lên đình. Chặt xong cây tre xuống thì con dao vừa mới đấy mà tìm mãi không thấy đâu, bố tôi cho rằng bị “các ngài che mắt” nên về nhà lấy thẻ nhang lên nhờ cụ thủ từ lễ đình. Lễ xong ra vườn thì lại thấy con dao nằm chỏng chơ dưới đất” - bà Mùi kể.
Về những câu chuyện linh thiêng tương tự được nhiều người dân xác nhận. Ông Nguyễn Tri Tỵ (nguyên Chủ tịch xã Tân Tiến) kể câu chuyện mình được chứng kiến: Hồi ấy tôi đang làm chủ tịch xã, có ông Bí thư chi bộ đến đình lấy cây tre về làm bắp cày, nhiều người can ngăn nhưng ông vẫn lên chặt. Chặt xong cây tre thì tự nhiên những người trong gia đình cứ lăn ra ốm, không rõ nguyên nhân, chạy chữa mấy cũng không khỏi.
Lúc này nhớ đến những lời can ngăn, ông Bí thư sợ quá mới sai vợ đem tre đến và thắp hương trả lễ thì tự nhiên mọi người lại khỏi bệnh. Lại có bà vào chùa xin cây tre con con về làm đòn gánh, hôm vào rừng lấy củi thì bị trượt chân ngã, thuốc thang mãi mà không khỏi gia đình cứ tưởng sẽ chết.
Lúc này người nhà đi xem bói thì thầy bảo mang lễ ra trả đình, gia đình ra đình cúng lễ thì người phụ nữ này tự nhiên lại khỏi. Lại có người lên đình lấy dây bòng bong (một loại dây mọc nhiều trong đình) về làm rào nhốt gà thì kỳ lạ thay gà nhà hàng xóm chui qua nhưng gà nhà bà ấy cứ đến rào là bị mắc chết. Cuối cùng nhà này cũng phải đem lễ lên đình để tạ.
Cụ Nguyễn Bá Bẩm cũng xác nhận những thông tin trên, nhiều người lấy tre gỗ trong đình về làm bắp cày, làm thớt sau đều phải mang lên trả lễ vì gia đình bỗng dưng gặp những tai ương, rủi ro. Cũng vì sau những câu chuyện linh thiêng khó lý giải trên mà người dân Tiến Tiên đến nay không ai dám lấy một đồ vật gì trong đình về làm của riêng. Hồi tu sửa đình, bao nhiêu tre pheo, gỗ xẻ xếp quanh đình nhưng không ai dám mang về.
Đặc biệt do một thời gian không được quản lý trông coi cẩn thận, nhiều đồ thờ tự trong đình bị trộm cắp bán đi khắp nơi, nhưng có những chiếc ché, đỉnh vào đến tận Thanh Hóa lại có người liên lạc trả lại đình. Đặc biệt có câu chuyện linh thiêng mà không người dân nào trong thôn không được nghe kể, các tài liệu trong đình cũng ghi lại.
Cụ Nguyễn Bá Bẩm cho biết đó là vào thời kháng chiến chống Pháp, khi đó quân địch đóng quân bên Gốt, chúng cho quân về đình chặt tre làm rào quanh bốt nhưng ở không yên. Không biết có phải vì “hận” hay không mà chúng cho bắn 9 quả đại bác về đình nhưng kỳ lạ thay, cả 9 quả đại bác cắm xuống đất mà không nổ quả nào, đến bọn giặc cũng không thể giải thích nổi.
Nguy cơ… biến mất
Những câu chuyện linh thiêng về đình Tiến Tiên đi đâu chúng tôi cũng được nghe. Ngay cả gần đây nhất là Tết năm vừa rồi, có anh thanh niên đi đâu qua đây vào đình thắp hương. Thắp hương xong, không hiểu sao người thanh niên cứ ngồi đó khóc rưng rức mãi không đứng lên. Thấy lạ, cụ thủ từ lại đỡ dậy khuyên ra ngoài, người thanh niên đứng dậy thì không ra ngoài mà lại tiếp tục tiến vào hậu cung khóc tiếp. Không có cách nào khuyên giải người thanh niên, cụ thủ từ phải lên hương thỉnh Thánh, thắp hương xong thì người thanh niên kia mới ra được.
Những câu chuyện kỳ lạ trên có thể có thật, có thể được người dân thần thánh hóa để răn dạy con cháu. Nhưng thực tế đối với văn hóa của người Việt, những ngôi đình luôn có những giá trị tâm linh lớn. Và với những giá trị văn hóa và tâm linh của mình, năm 2005 đình Tiến Tiên được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (Hà Tây cũ, nay là cấp thành phố). Tuy nhiên, khi nhắc về điều này, những người dân Tiến Tiên lại không vui mà lấy làm buồn, vì thực tế đình Tiến Tiên đang đứng trước nguy cơ… biến mất.
Ông Nguyễn Bá Bẩm dẫn chúng tôi ra khu vườn trong khuôn viên đình, phía bờ sông Đáy. Trước mắt chúng tôi, bờ sông phía bên đình Tiến Tiên đang bị sói lở nghiêm trọng, chỉ còn khoảng hơn một mét là ngôi đình có thể rơi xuống nước. Những cây si từng bám rễ ăn sâu ở ven bờ sông này hàng chục, hàng trăm năm tuổi nay cũng bị dòng nước cuốn hết đất cát dưới chân, lộ ra những chiếc rễ chới với. Có lẽ chỉ một vài mùa nước lên nữa thôi là những cây si này sẽ theo dòng nước trôi đi, và ngôi đình thiêng này cũng có nguy cơ sụp đổ.
Cụ Bẩm xót xa: “Trước đây quanh đình là giao thông hào của lực lượng du kích, dân phòng nhưng dần dần nước sông làm lở hết giao thông hào, rồi mỗi năm bóc một lớp đất, cây cối xung quanh không còn chỗ mà bấu víu nữa, đình cũng bị bóc tới chân. Năm ngoái mùa nước lũ, chúng tôi còn phải bơi thúng vào thắp hương. Nhiều cán bộ Phòng Văn hóa, Sở Văn hóa cũng về đây, chúng tôi cũng đã kiến nghị nhưng chưa nhận được sự quan tâm đáng kể nào. Nhân dân chúng tôi đang rất lo ngôi đình sẽ bị sập đổ bất cứ lúc nào”. Rất mong các cơ quan chức năng có những quan tâm để tu bổ cho di tích lịch sử này.