Phận thảm nguyên soái bị vu mưu sát Mao Trạch Đông (2)

Google News

Sau khi Hạ Long qua đời, di thể được bí mật hỏa táng, những người thân của ông cũng không được phép tới dự. 

Ngày 28/12/1966, Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc họp. Hôm đó, Mao Trạch Đông còn chào Hạ Long, mời ông tới phía trước mình ngồi. Hạ Long chào lại rồi tới ngồi cạnh Mao Trạch Đông. Đây cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời, vị nguyên soái Trung Quốc tham gia cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương…
1. Ngày 30/12/1966, Giang Thanh chạy tới Đại học Thanh Hoa tìm con trai của Hạ Long là Hạ Bằng Phi, nói: “Cha của cậu đã phạm sai lầm lớn, chỗ chúng tôi đã có tài liệu. Cậu về báo cho cha cậu biết, chúng tôi túm được ông ấy rồi!”.
Chưa để cho Hạ Bằng Phi kịp phản ứng, Giang Thanh tiếp: “Mẹ cậu cũng chẳng phải người tốt!”, rồi khuyên Hạ Bằng Phi “phân rõ ranh giới” với cha mẹ mình. Tiếp đó, trong một hội nghị quần chúng, Giang Thanh công khai tuyên bố: “Hạ Long có vấn đề, các người dám cùng y làm phản!”. Dưới sự uy hiếp của Lâm Bưu và Giang Thanh, nhiều bạn bè chiến hữu cũ của Hạ Long bắt đầu cảm thấy lo sợ. Những chiếc xe tuyên truyền trên phố bắt đầu hô khẩu hiệu “đánh đổ Hạ Long”. Tiếp đó, nhà Hạ Long bị khám xét, rất nhiều tài liệu cơ mật bị cướp đi. Những “tiểu tướng Hồng vệ binh” thường xuyên xuất hiện đầy trước sân nhà, ngày đêm hô khẩu hiệu khiến gia đình Hạ Long không được yên thân.
Giang Thanh.
Thấy cảnh đó, Hạ Long tức giận nói định ra gặp những người đang đứng trước nhà mình. Tuy nhiên, những nhân viên bên cạnh Hạ Long khuyên ông không nên xuất hiện để đảm bảo an toàn. Tiết Minh - vợ của Hạ Long - khuyên ông nên đi gặp Chu Ân Lai rồi mới tính tiếp. Hạ Long đồng ý. Khi Hạ Long tới tìm Chu Ân Lai xin chỉ thị, Chu Ân Lai nói: “Sức khỏe cậu không tốt, đừng ra gặp họ. Có vấn đề gì, tôi sẽ thay cậu”. Chu Ân Lai giữ Hạ Long và Tiết Minh ở lại nhà mình. Khi đó, công việc của Chu Ân Lai rất bận rộn, tuy nhiên, ông vẫn tranh thủ thời gian để quan tâm tới Hạ Long.
Sau đó, do sự xúi bẩy và kích động của Lâm Bưu và Giang Thanh, Trung Nam Hải cũng bắt đầu có chuyện. Rất nhiều những đảng viên phụ trách trung ương đều bị công kích. “Phái tạo phản” của Lâm Bưu và Giang Thanh xếp hàng bên ngoài Trung Nam Hải hô hào “đánh đổ Hạ Long”. Rõ ràng, Hạ Long không thể ở lại Trung Nam Hải được nữa.
Vì vậy, ngày 18/1/1967, Chu Ân Lai nói với Hạ Long: “Mao chủ tịch cũng đã nói với cậu rồi. Mao chủ tịch vẫn bảo vệ cậu! Ban đầu, tôi muốn để cậu ở lại Trung Nam Hải, tuy nhiên hiện tại có hai phái, ngay cả chiếc rương của Chu lão tổng cũng bị cậy rồi. Để bảo đảm an toàn cho cậu, cậu nên tìm một nơi nào đó yên tĩnh để nghỉ ngơi. Cậu đi trước đi, tới mùa thu, tôi sẽ tới đón cậu”. Hạ Long nghe theo sự sắp xếp của Chu Ân Lai, tuy nhiên ông cũng không ngờ rằng đây là lần cuối cùng hai người nói chuyện với nhau.
Ngày 19/1/1967, Chu Ân Lai phái người đưa vợ chồng Hạ Long và Tiết Minh ra Tây Sơn ở ngoại thành, đồng thời yêu cầu hai người phải tuyệt đối giữ bí mật. Vợ chồng Hạ Long ở trong một căn nhà cấp bốn bình thường nằm ở sườn núi, ngoại trừ một người lính gác ra, không còn ai khác.
Một không gian hoang vắng và cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài như Tây Sơn với một người cả đời quen với tiếng súng như Hạ Long quả thực là rất khó để thích nghi. Suốt nhiều ngày sau đó, Hạ Long không ăn, không ngủ, nếu như không phải là đi đi lại lại trong phòng thì cũng dựa vào cửa sổ trầm tư, thi thoảng lại đột nhiên nói: “Phải quay về, có thể giúp chủ tịch, thủ tướng!”. Tuy nhiên, nhớ lại lời dặn của Chu Ân Lai khi lên đường, Hạ Long lại từ bỏ ý định.
Trong khi đó, cuộc vận động nhằm đoạt quyền của Lâm Bưu và Giang Thanh ngày một lan rộng khắp cả nước. Tội danh của Hạ Long cũng vì thế mà không ngừng được nâng lên. Khi biết được chuyện này từ những tin tức trên báo, Hạ Long vô cùng tức giận, nói với vợ mình: “Chúng nó muốn đoạt quyền của ai? Những cán bộ lão thành này đều là những người đã cùng với Mao chủ tịch Nam chinh Bắc chiến, là người có công, đó chính là giai cấp vô sản lãnh đạo mà. Tất cả đều bị chúng tước đoạt cả!”.
Hiện thực tàn khốc đã khiến Hạ Long không thể ngồi yên. Ông quyết định viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc lại cuộc vận động quét sạch phản động ở Hồng Hồ từ năm 1931 – 1933 đã giết hại oan ức rất nhiều tướng lĩnh chỉ huy. Hạ Long dành hơn một tháng để hoàn thành bức thư, ghi lại toàn bộ ký ức của ông về những ngày tháng tàn khốc ở Hồng Hồ, có ý dùng tấn bi kịch của quá khứ để thức tỉnh những người hiện tại.
Tuy nhiên, bức thư của Hạ Long không làm thay đổi được tình hình. Trong một cuộc họp, Lâm Bưu nói Hạ Long là “đại quân phiệt”, là “đại thổ phỉ”. Diệp Quần - vợ Lâm Bưu - cũng vu cáo Hạ Long là “muốn thực hiện chính biến phản cách mạng”. Giang Thanh thì liên tục bức ép Chu Ân Lai bày tỏ thái độ “đưa Hạ Long ra”. Khi bị Chu Ân Lai từ chối, Giang Thanh vẫn không chịu bỏ cuộc, tiếp tục triển khai những hoạt động nhằm vu cáo Hạ Long.
Tới mùa hè năm 1967, sau nhiều lần lấy danh nghĩa Mao Trạch Đông để bức ép Chu Ân Lai, bè lũ Lâm Bưu đã dần dần khống chế được nơi ở của Hạ Long và Tiết Minh ở Tây Sơn và tiếp tục tìm mọi cách hãm hại. Chúng mượn cớ rằng có người muốn bắt ông, sợ bị phát hiện nên cả ngày phải kéo rèm cửa sổ, không được mở ra. Tiếp đó, chúng lại lấy toàn bộ chăn và gối, để vợ chồng Hạ Long tuổi già sức yếu nằm ngủ trên một chiếc giường trống trơn, dùng tay làm gối.
Thức ăn thì đầy cát sạn, vì vậy hai vợ chồng Hạ Long chỉ còn cách là lấy gạo từ chỗ người bảo vệ, tự mình sàng sẩy. Không còn thuốc hút, Hạ Long đành phải đưa tiền cho vợ nhờ người lính gác đi mua lá cây thuốc lá về nghiền nhỏ rồi dùng giấy quấn lại hút. Sau đó, bọn Lâm Bưu còn không cho phép Hạ Long mua lá cây thuốc lá. Tiết Minh đành phải nhặt những đầu mẩu thuốc lá đã vứt đi, gạn lấy sợi thuốc cho Hạ Long quấn hút. Cho tới tận khi cuối đời, thứ thuốc mà Hạ Long hút toàn là những sợi thuốc thừa lấy từ các đầu mẩu thuốc lá vứt đi.
Nhưng thuốc lá chỉ là một chuyện rất nhỏ, tệ hại hơn là dưới sự sai khiến của bọn Lâm Bưu, bọn chúng lấy cớ là nguồn nước khan hiếm, suốt 45 ngày liên tiếp không đưa nước đến cho Hạ Long. Mỗi ngày chỉ có một bình nước dùng để uống, không được rửa tay cũng không được súc miệng. Vì vậy, mỗi khi trời mưa là hai vợ chồng già Hạ Long lại tìm mọi thứ có thể ở trong nhà để hứng nước mưa dùng. Có lần, Hạ Long vì bê chậu nước nặng quá nên bị ngã, suốt 18 ngày sau đó chỉ đành ngồi lì trên ghế, không thể cử động được, đến đi đại tiện cũng không nổi.
2. Tất cả những khổ nhục ấy, Hạ Long đều cắn răng chịu đựng. Vị nguyên soái già chờ đợi đến mùa thu vì ông nhớ tới lời dặn của Chu Ân Lai, “mùa thu, tôi sẽ tới đón anh”. Tuy nhiên, khi mùa thu đến, cũng là lúc Hạ Long chính thức bị liệt vào đối tượng thẩm tra của chuyên án, nghĩa là hoàn toàn lọt vào bàn tay của Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên”. Mặc dù vào tháng 10, Chu Ân Lai bất chấp mọi ngăn cản, hai lần sai người tới thăm Hạ Long, tuy nhiên, bọn Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên” đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa hai người.
Mất đi sự bảo vệ, vợ chồng Hạ Long càng bị Lâm Bưu đối xử tàn tệ. Ngay đến bác sĩ, hộ lý của Hạ Long cũng phải trải qua nhiều lần thẩm vấn, lựa chọn một cách rất kỹ lưỡng. Kết quả, toàn bộ số thuốc cần thiết của Hạ Long đều bị biến mất. Tới 27/3/1968, Hạ Long đột nhiên bị á khẩu, miệng bị méo, lưỡi đau không nói ra lời. Khi đến nơi, bác sĩ không những không chữa trị, ngược lại Hạ Long bị vu là “giả bệnh” rồi bị trả về nơi ở. Sau này, người ta mới biết rằng, những tay “bác sĩ” này đều là người của Lâm Giang phái tới với mật lệnh “không được thương xót kẻ thù giai cấp”.
Ngày 1/8/1968 là dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội Trung Quốc. Là một người chỉ huy nghĩa quân tại cuộc khởi nghĩa ở Nam Xương, đối với Hạ Long, đây là một ngày cực kỳ có ý nghĩa. Hạ Long thao thao bất tuyệt kể với vợ những ký ức về cuộc khởi nghĩa. Mặc dù mất đi tự do, gần như bị giam lỏng nơi Tây Sơn hẻo lánh, nhưng Hạ Long vẫn một lòng trung thành với lý tưởng của mình.
Cả hai vợ chồng đều đã bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy, thế nhưng trong những ngày tháng khó khăn ở Tây Sơn, Hạ Long vẫn hằng ngày thảo luận với vợ về những chuyện quốc gia đại sự, chuyện xây dựng Trung Quốc… Tuy nhiên, Hạ Long không hề biết rằng, đợi chờ mình chỉ là sự bức hại ngày một thậm tệ hơn của bè lũ Lâm Bưu và Giang Thanh.
Ngày 19/8/1968, Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên” đã gửi tới Hạ Long một bức thư, nói ông phải thành thật khai báo tất cả “tội trạng” trong quá khứ của mình. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất được đưa ra trong thư là: “Năm 1933, Tưởng Giới Thạch phái Hùng Cống Khánh tới Tương Tây để đàm phán với Hạ Long những gì? Tham gia đàm phán gồm có những ai? Cuối cùng, hai bên đã thỏa thuận những gì?”. Hạ Long xem xong, xé toạc bức thư rồi hét lên: “Làm cái quái gì vậy? Người thì đã bị ta bắn chết rồi! Đúng là vu cáo! Vu cáo!”.
Kỳ thực, vấn đề này rất rõ ràng. Từ năm 1931 tới 1933, do sự phá hoại của bọn chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh Vương Minh, quân Cộng sản Trung Quốc gặp phải không ít thất bại ở Hồng Hồ và Tương Ngạc, không chỉ căn cứ bị phá hoại mà đội quân tinh nhuệ ban đầu chỉ còn lại 3.000 người. Vào thời điểm lúc bấy giờ, Tưởng Giới Thạch đã cùng lúc thực hiện hai thủ đoạn. Một mặt, y cho quân tiếp tục bao vây quân Cộng sản Trung Quốc, mặt khác lại phái Hùng Cống Khanh tới chỗ Hạ Long để “du thuyết”.
Ban đầu, Hùng Cống Khanh phái Lương Tố Phất tìm cách liên lạc, sau đó, lấy danh nghĩa là bạn bè cũ, Hùng Cống Khanh viết thư cho Hạ Long, kể lại mối quan hệ xưa kia và hứa sẽ giúp Hạ Long thoát khỏi sự khó khăn hiện tại. Hạ Long ngay lập tức nhận ra dụng ý của Hùng Cống Khanh, đồng thời coi đây là một sự sỉ nhục ghê gớm đối với mình. Vì vậy, ngay lập tức Hạ Long đã báo cáo lên Trung ương Đảng phân cục Tương Ngạc, vì muốn biết được tình hình phá hoại của quân Tưởng Giới Thạch với khu Tô Châu và Hồng Tứ nên đã quyết định để Hùng Cống Khanh tới.
Sau khi Hùng Cống Khanh tới và khai rõ tình hình, Hạ Long ra lệnh bắt y. Sau đó, trên đường hành quân, Hạ Long đã tức giận nói với binh lính của mình rằng: “Hôm nay, tôi sẽ bắn chết một tên khốn nạn. Hắn tên là Hùng Cống Khanh. Hắn làm gì? Hắn chính là thuyết khách mà Tưởng Giới Thạch phái tới khuyên ta đầu hàng. Đây là một sự sỉ nhục đối với quân đội của chúng ta. Đồng thời, y cũng là một tên mật thám, vì vậy ta không thể thả y trở về được”. Nói xong, Hạ Long ra lệnh xử bắn Hùng Cống Khanh.
Lần hành động kiên quyết này đã thể hiện rất rõ lòng trung thành của Hạ Long cũng như sự căm ghét mà Hạ Long dành cho kẻ thù giai cấp. Thế nhưng, nhiều chục năm sau đó, tới thời Cách mạng văn hóa thì chính sự kiện ấy lại biến thành một tội trạng của Hạ Long. Điều đó khiến Hạ Long cảm thấy tấm lòng trung thành của ông bị xúc phạm nghiêm trọng. Trong sự tức giận lẫn đau xót, Hạ Long cầm bút liên tục viết hai chữ “oan uổng” khắp một mặt giấy.
Vừa viết, Hạ Long vừa nói: “Nếu như muốn ta ký tên, ta sẽ viết hai chữ này. Còn nếu bắn chết ta thì ta sẽ hô to bị oan”. Cả ngày hôm đó, Hạ Long vẫn không hả được cơn giận. Vị nguyên soái già hút nhiều thuốc hơn, nhưng nói ít hơn và cả ngày chỉ đi đi lại lại trong căn phòng tối tăm vì không có ánh sáng mặt trời.
Tới đêm hôm đó, Hạ Long bỗng nhiên nói rất nhiều. Vị nguyên soái già nằm bên vợ kể lại toàn bộ cuộc đời mình từ khi 20 tuổi dùng hai con dao thái rau giết chết tên quan thu thuế muối, bắt đầu sự nghiệp cách mạng cho tới những chiến công oanh liệt trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Cuối cùng, Hạ Long hạ giọng than thở: “Thế mà, giờ đây đến mức như thế này. Đảng sẽ ra sao, quốc gia sẽ ra sao?”. Cả đêm hôm đó, Hạ Long gần như thức trắng đêm. Sáng hôm sau, khi vợ ông thu dọn chăn chiếu, phát hiện ra rằng chiếc gối của Hạ Long đã ướt đẫm những giọt nước mắt.
Mấy ngày sau đó, Hạ Long không ngừng nhắc đi nhắc lại mấy câu: “Đảng của chúng ta xuất hiện quỷ rồi, xuất hiện gian thần rồi!”. Hạ Long cũng kể lại cho Tiết Minh về cuộc gặp với Lâm Bưu hồi tháng 9/1966, Lâm Bưu đã đe dọa rằng: “Vấn đề của anh lớn hay nhỏ, điều đó còn tùy thuộc vào việc anh ủng hộ ai, phản đối ai”.
Tới một ngày tháng 2/1969, Hạ Long dùng cây ba toong trên tay mình đập vào bức ảnh của Lâm Bưu một cách giận dữ, rồi nói: “Cái thằng này, vì sao mày không để tao làm cách mạng? Vì sao? Những sai lầm của mày trong quá khứ, tao luôn hy vọng mày có thể thay đổi, bây giờ thì mày làm thế đấy!”. Nói rồi, ông quay sang nói với vợ: “Còn vợ của Lâm Bưu là Diệp Quần cũng chẳng phải thứ tốt đẹp gì”.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội lần thứ 9, Hạ Long nhìn thấy danh sách các ủy viên trung ương trên báo, liền chỉ vào tên của Lâm Bưu và Giang Thanh nói: “Chúng nó phản các cán bộ lão thành nên có công. Chúng muốn dẹp sạch những cán bộ lão thành, làm cho xung quanh Mao chủ tịch không còn ai cả. Chúng muốn làm một cuộc thay máu triệt để đây! Thật là bọn tàn độc!”. Cho tới giây phút này, Hạ Long vẫn một lòng lo cho vận mệnh của quốc gia.
3. Hạ Long không chỉ bị bức hại về chính trị mà cuộc sống và cơ thể cũng chịu sự hủy hoại một cách tàn khốc bởi bè lũ của Lâm Bưu, Giang Thanh. Do tuổi cao sức yếu, mắc bệnh tiểu đường, lại thêm không được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ nên sức khỏe của Hạ Long ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, đến mức ấy, bọn Lâm Bưu vẫn không chịu bỏ qua, ngược lại, chúng lợi dụng chính đặc điểm này để bức hại Hạ Long.
Ngày 24/5/1969, Hạ Long lại bị ngã khiến bệnh tình ngày một nặng thêm. Tới ngày 8/6 thì huyết áp bị tụt xuống đột ngột, vùng bụng bị đau dữ dội, liên tục buồn nôn, hít thở rất khó khăn, tay chân gần như không cử động được. Đây là dấu hiệu trúng độc của bệnh tiểu đường. Tiết Minh vội vã đi tìm nhân viên giám hộ để báo cáo, nhờ họ mời bác sĩ tới khám bệnh cho Hạ Long.
 Hạ Long.
Tuy nhiên, mặc dù Tiết Minh đã khẩn thiết yêu cầu, nhưng phải bốn giờ sau mới có hai bác sĩ lò dò tới. Tuy nhiên, hai tay bác sĩ này không những không thực hiện việc kiểm tra lượng đường trong máu cũng như trong nước tiểu, hoặc tiến hành bất kỳ sự chạy chữa nào, mà ngược lại chúng bắt Hạ Long truyền đường gluco, thứ kiêng kị nhất đối với các bệnh nhân tiểu đường rồi bỏ đi ngay. Họ ra ngoài để xin chỉ thị của nhân viên trực tiếp chịu trách nhiệm về “chuyên án” của Hạ Long.
Nhân lúc hai tên bác sĩ ra ngoài, Hạ Long nói với Tiết Minh: “Cần phải cẩn thận. Bọn chúng muốn giết tôi”. Sau đó, khi hai tên bác sĩ trở lại, chúng có lấy mẫu nước tiểu của Hạ Long đi xét nghiệm. Tuy nhiên, mục đích của chúng không phải là kiểm tra xem lượng đường trong máu của Hạ Long là cao hay thấp mà là dò xem có phải Hạ Long tự uống thuốc độc hay không.
Suốt một đêm truyền đường gluco tổng cộng 2.000 cc, rõ ràng bè lũ Lâm Bưu muốn giết chết Hạ Long và đem tội “uống thuốc độc” đổ lên đầu vị nguyên soái già. Tới sáng ngày hôm sau, các bác sĩ nói rằng Hạ Long phải đến viện để điều trị. Hạ Long không đồng ý, nói: “Tôi không hôn mê, tôi không thể đi nằm viện. Cái bệnh viện đó không phải là nơi tôi ở”. Tuy nhiên, hai tên bác sĩ nói rằng Hạ Long nhất định phải nằm viện, đồng thời tuyên bố: “Tổ chức đã quyết định, không đi cũng không được”. Hạ Long hỏi Tiết Minh: “Tôi phải đi nằm viện, còn bà?”. Tiết Minh nhìn bác sĩ, dò thái độ của y rồi nói: “Họ cho phép tôi đi, tôi sẽ đi, còn nếu không cho phép thì tôi sẽ ở tại nhà này chờ ông”. Tuy nhiên, tên bác sĩ tuyên bố: “Việc chăm sóc Hạ Long đã có tổ chức đảm nhiệm, Tiết Minh không cần quan tâm”. Tuy đã có sự tiên liệu từ trước, tuy nhiên hai vợ chồng Hạ Long đều không thể ngờ rằng đó lại là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau.
Người ta nói rằng, khi biết Hạ Long nhập viện, Lâm Bưu đã trực tiếp ra lệnh: “Không được đưa tới các bác sĩ, chỉ cần đưa tới các hộ lý là đủ” và “chữa bệnh cũng là cuộc đấu tranh giai cấp” . Vì vậy, nhập viện vào 8 giờ 55 phút sáng ngày 9/6, nhưng cũng như khi ở nhà, Hạ Long bị bỏ mặc, không hề được chăm sóc về y tế cũng như về sinh hoạt cá nhân.
Khắp nơi, người ta đồn đại rằng: “Hạ Long đã cố ý uống những loại thuốc bị cấm nên vô phương cứu chữa”. Chính vì vậy, 3 giờ chiều ngày hôm đó, Hạ Long - vị nguyên soái hiển hách, một trong những người sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - đã trút hơi thở cuối cùng trong phòng bệnh mà không hề có người thân bên cạnh, cũng không được ai chăm sóc.
Sau khi Hạ Long qua đời, di thể được bí mật hỏa táng, những người thân của ông cũng không được phép tới dự. Sau khi hỏa táng Hạ Long, Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên” đem tro cốt giấu đi và hạ lệnh không được phép lan truyền sự việc ra ngoài, phải tuyệt đối giữ bí mật. Mục đích của Lâm Bưu là không để mọi người biết bí mật về cái chết của Hạ Long. Tuy nhiên, cuối cùng, “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, tháng 9/1971, sau khi âm mưu đoạt quyền không thành, Lâm Bưu đã bị chết trong tai nạn máy bay tại Mông Cổ trên đường trốn chạy. Cho tới năm 1973, Lâm Bưu bị trục xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và buộc tội phản cách mạng. Một năm sau đó, năm 1974, danh dự của Hạ Long mới được phục hồi.
Theo Nam Hoài/Phunutoday

Bình luận(0)