Giới chức Anh đã có 5 tháng trời nỗ lực chống lại yêu cầu công bố các tài liệu do Đại sứ quán Anh ở Pháp gửi về. Báo chí Anh đã dựa vào luật Tự do thông tin để đòi quyền được xem các tài liệu này.
Cuối cùng nó đã chỉ được công bố sau khi Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cho phép. Tuy nhiên tài liệu này, được đánh máy trên vỏn vẹn 3 trang giấy, đã có tới 65 đoạn xóa thông tin.
Gần như các thông tin bị xóa đi là những cái tên, của các nhân vật đã được công chúng biết tới trong vòng 16 năm sau cái chết của Diana. Chúng gồm Hoàng tử xứ Wales (tức Thái tử Charles), các chị gái của Diana là Sarah và Jane. Thậm chí Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac cũng bị xóa tên.
|
Tấm ảnh chụp Diana (ngồi phía sau, phía trước là tài xế và vệ sĩ) trước khi qua đời năm 1997. |
Kinh ngạc hơn, các nhà kiểm duyệt còn xóa các từ "của ông ấy", "của cô ấy". Họ nói rằng chẳng có lựa chọn nào khác, ngoài việc phải bảo vệ toàn bộ quyền riêng tư của những người có liên quan tới biến cố.
Tuy nhiên hành động kiểm duyệt này đã làm tăng nỗi lo ngại rằng nhà chức trách đang cố duy trì một bức màn bí mật trên cái chết của Diana, người đã tử nạn cùng bạn trai Dodi Fayed do chạy trốn sự săn đuổi của các tay paparazzi.
Một cuộc điều tra dài 6 tháng sau đó đã kết luận rằng Công nương Diana thiệt mạng do sự bất cẩn của viên tài xế Henri Paul và sự truy đuổi của các tay paparazzi.
Paul, người say rượu lúc đang cầm lái, đã chết cùng Dodi tại hiện trường khi chiếc xe chở họ lao vào một cây cột với tốc độ 112km/h. Viên vệ sĩ Trevor Rees-Jones bị nhiều thương tích trên cơ thể, nhưng vẫn sống sót.
Những gì diễn ra sau đó, như được ghi lại trong tài liệu hoạt động ngày 31/8/1997 của đại sứ quán Anh tại Pháp, là hàng loạt các hoạt động ngoại giao diễn ra vội vã. Dưới đây là nội dung vắn tắt của tài liệu này.
Những cái tên trong ngoặc đơn là các chữ đã bị nhà chức trách Anh cắt bỏ khi công bố tài liệu, dù công chúng đều đã biết phần bị cắt bỏ là gì.
1h10 sáng (31/8/1997)
(George Younes), quan chức an ninh tại đại sứ quán của chúng tôi ở Paris, đã nhận được một cú điện thoại từ Điện Elysee, nơi ở của Tổng thống Pháp, cho ông biết rằng Công nương Diana đã bị tai nạn tại một đường hầm gần Pont d’Alma và giờ đang ở bệnh viện Pitié Salpêtrière. (Dodi Al Fayed) và viên tài xế (Henri Paul) đã chết.
Tin này "lập tức được chuyển lại" cho quan chức phụ trách của tòa đại sứ (Keith Shannon), người nói lại chuyện với Tổng lãnh sự (Keith Moss). Tổng lãnh sự đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao và tin tức tới tai Nữ hoàng. Khi đó bà đang ở Balmoral với các con trai của Diana là William, 15 tuổi và Harry, 12 tuổi. Đại sứ Anh ở Pháp Michael Jay được đánh thức và thông báo sự việc.
2h15
Tổng lãnh sự gặp Bộ trưởng Nội vụ Pháp (Jean-Pierre Chevènement) và giám đốc cảnh sát Paris (Philippe Massoni) tại bệnh viện.
2h30
Đại sứ Michael tới bệnh viện và thấy rất đông cảnh sát hiện diện. Phần lớn khu vực cấp cứu đã được di chuyển bệnh nhân đi hết để nâng cao khả năng giám sát. Trong khu vực chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ đang nỗ lực cứu mạng Diana.
Tổng lãnh sự thông báo vắn tắt tình hình với Bộ Ngoại giao và gọi phụ trách báo chí, người đang ở Philippines với Ngoại trưởng (Robin Cook).
Bệnh viện thiết lập các phòng thông báo tình hình và phòng sự kiện để nhân viên sứ quán sử dụng… Trong vài giờ tiếp theo, hàng loạt cuộc điện thoại đã gọi tới từ Văn phòng Nữ hoàng Anh, Văn phòng Chính phủ và cơ quan của Bộ Ngoại giao ở Manila. Trong suốt thời gian đó, các nhân viên đại sứ quán cũng nhận vô số cuộc gọi từ công chúng, sốt ruột tìm kiếm thông tin.
3h45
Máy hỗ trợ sự sống của Diana bị ngắt.
4h00
Một bác sĩ không tiết lộ tên đã "gọi đại sứ ra một chỗ để báo tin Công nương đã qua đời". Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cứu mạng cô. Tuy nhiên thương tích của cô quá nặng nên họ không thể cứu vãn được tình hình. Tin nhanh chóng chuyển về Văn phòng Nữ hoàng, Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao và những người khác.
5h55
Bệnh viện tổ chức cuộc họp báo và nhận được một số câu hỏi không quan trọng lớn. Các hành lang được lệnh để trống khi thi hài Công nương được chuyển từ phòng cấp cứu tới một phòng riêng.
|
Vụ tai nạn bi thảm cướp đi mạng sống của công nương Diana. Ảnh tư liệu. |
Căn phòng này được bảo vệ thường trực bởi nhiều viên cảnh sát. Tổng lãnh sự đã yêu cầu tiến hành lắp rèm để ngăn không cho cánh săn ảnh chụp từ mái các tòa nhà gần đó. Theo sau việc này là hàng loạt các cuộc điện thoại kéo dài giữa bệnh viện, tòa đại sứ, Văn phòng Nữ hoàng, Văn phòng Chính phủ và điện Elysee.
Các kế hoạch đã được triển khai để đảm bảo (Tổng thống Jacques Chirac) và (Thủ tướng Lionel Jospin) được tới viếng.
8h15
Có tin vệ sĩ của Diana (Trevor Rees-Jones) đã được đưa vào cùng một bệnh viện. Tổng lãnh sự đã nói chuyện với gia đình anh ở Anh.
8h45
(Phu nhân Tổng thống Chirac Bernardette) tới viếng
9h20
Đại sứ Michael gặp (Chirac) khi ông tới bệnh viện. Văn phòng Nữ hoàng được đảm bảo rằng các cuộc gặp gỡ này diễn ra trong điều kiện hoàn toàn kín đáo. Theo yêu cầu của Gia đình Hoàng gia, tòa đại sứ đã sắp xếp để gửi một vòng hoa huệ được gửi tới bệnh viện.
Quản gia của Diana (Paul Burrell) và một thành viên trong đoàn tùy tùng của Diana đã được yêu cầu tới khách sạn Ritz để thu dọn đồ đạc của Diana, đặc biệt là một bộ váy có thể được dùng để liệm thi hài cô. Tuy nhiên họ cho biết tất cả đồ của Diana đã được đóng gói và trả về Anh.
(Vợ đại sứ Anh Sylvia Jay) đã tặng một trong các bộ váy và giầy của bà.
Trong khi đó nhiều cuộc trao đổi đã diễn ra về việc sắp xếp để (Thái tử Charles) tới Pháp và việc đưa thi hài về nước.
14h
Bộ trưởng y tế (Bernard Kouchner, đồng sáng lập tổ chức từ thiện Medicins Sans Frontières đã tới thăm. Vô cùng bối rối (ông quen biết Công nương từ lâu), ông đã tới viếng. Tổng lãnh sự đã thông báo trước việc này với đại sứ Michael.
14h30
Phụ trách nghi lễ tại Bộ Ngoại giao Pháp đề nghị tổ chức cuộc họp khẩn giữa các quan chức bệnh viện, cảnh sát, cơ quan an ninh công cộng và đại sứ quán. Sự hợp tác, đặc biệt giữa điện Elysee và cơ quan phụ trách nghi lễ là rất tuyệt vời.
17h
(Thái tử Charles) tới bệnh viện với (các chị của Diana là Sarah McCorquodale và Jane Fellowes) và đã được đội danh dự chào đón khi xuống sân bay.
(Phái đoàn hoàng gia) rõ ràng là rất bối rối và họ đã được gặp các quan chức bệnh viện. Họ đã nói chuyện với các nhân viên bệnh viện, gồm y tá, trợ lý quản trị... và ở bên những người này trong khoảng 40 phút.
17h40
(Charles, Sarah và Jane) đã dành vài phút riêng tư bên thi hài Công nương.
18h15
Phái đoàn rời đi cùng một đoàn xe cảnh sát hộ tổng để tới sân bay Villacoublay.
18h45
Sau khi tới sân bay quân sự bên rìa Paris, quan tài có Diana ở trong đã được dỡ khỏi xe chở bởi một đội quân nhân mang phù hiệu Không lực Hoàng gia Anh và được đưa tới máy bay dưới sự chứng kiến của Thái tử Charles cùng các thành viên khác của hoàng gia.
19h
Phái đoàn hoàng gia lên máy bay về nhà.
Lễ tang Diana diễn ra 5 ngày sau đó ở Tu viện Westminster. Có tổng cộng 2,5 tỷ khán giả truyền hình đã theo dõi lễ tang khi Thái tử Charles, các hoàng tử William, Harry và anh trai Earl Spencer bước đi bên cạnh quan tài cô.
Bộ Ngoại giao Anh đã bảo vệ quyết định của mình trong việc xóa quá nhiều cái tên trong tài liệu. Một phát ngôn viên nói rằng các thông tin bị xóa là dữ liệu cá nhân, liên quan tới bên thứ 3 và việc tiết lộ thông tin đó sẽ vi phạm nguyên tắc bảo vệ sự riêng tư.