Những phóng viên quốc tế nổi danh từ chiến tranh Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Giải Pulitzer là giải thưởng danh giá trong nghề báo. Điều thú vị là nhiều nhà báo đã đạt giải thưởng này từ cuộc chiến ở Việt Nam.

Peter Arnett trưởng thành từ Việt Nam

Nhắc đến những nhà báo quốc tế trong chiến tranh Việt Nam không thể quên Peter Arnett, người phóng viên thường trú của hãng AP đã gắn bó suốt 13 năm với cuộc chiến này. Arnett sinh năm 1934 tại New Zealand. Năm 1951, ông khởi nghiệp làm báo tại quê nhà. Năm 1961, Arnett được tuyển làm phóng viên thường trú của hãng tin AP tại Jakarta, Indonesia. Giữa năm 1962, Arnett sang thường trú tại Sài Gòn để theo dõi cuộc chiến tại Việt Nam đang bắt đầu leo thang.

Arnett đã liên tục viết về chiến tranh Việt Nam trong 13 năm (1962 – 1975). Ông có mặt ở nhiều trận đánh, sự kiện chính trị lớn ở miền Nam Việt Nam. Từ trận Ấp Bắc tới thung lũng Ia drang. Cho đến cả sự kiện 30/4/1975, khi hầu hết người nước ngoài đã di tản khỏi Sài Gòn, ông vẫn ở lại để chứng kiến ngày kết thúc cuộc chiến mà ông theo dõi suốt 13 năm.
 
Nhà báo Peter Arnett (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội năm 1995. Ảnh: Thanh Niên.

Mặc dù không có những bức ảnh nổi tiếng nhưng Arnett lại được giải thưởng Pulitzer từ năm 1966 cho những bài báo khách quan của ông về cuộc chiến Việt Nam. Một trong những bài báo nổi tiếng của Arnett là bài viết về việc quân Mỹ thí nghiệm sử dụng khí gas để tấn công đối phương.

Vào ngày 20/3/1965, sau một thời gian tìm hiểu và đã nắm được bằng chứng xác thực, Peter Arnett công bố bài viết về việc quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng khí gas và các biến thể gas với tác dụng gây nôn mửa, ngất xỉu, ngạt… để tấn công đối phương. Cho đến lúc ấy, Peter là phóng viên đầu tiên phanh phui việc quân Mỹ sử dụng vũ khí hóa học. Peter cũng đưa ra một nhận định mang tính hồi tưởng làm tăng thêm giá trị kích thích dư luận rằng: “Mặc dù những chất sử dụng ở đây không gây sát thương và không có ảnh hưởng lâu nhưng ý tưởng đó mang lại sự hồi tưởng về Chiến tranh thế giới thứ nhất và việc sử dụng hơi độc i-pê-rit”.

Bài báo của Peter ngay lập tức tạo nên một làn sóng dư luận và những cuộc tranh cãi chính thức trên chính trường. Như chính ông kể lại trong cuốn tự truyện Từ chiến trường khốc liệt: “Câu chuyện có ảnh hưởng hơn những gì tôi viết.  Đó là tin sốt dẻo được chứng nhận đầu tiên của tôi.  Đã nổ ra tranh luận từ Matxcơva tới Tokyo.  Đó cũng là vấn đề được tranh cãi ở Quốc hội Anh và dấy lên phong trào phản đối chiến tranh ở bán đảo Scandinavia. Những nhà bình luận này tỏ mối nghi ngại ở Hoa Kỳ”.

Trong con mắt các đồng nghiệp đương thời, ông là một nhà báo có sức làm việc phi thường. Có lần một nữ phóng viên từ Mỹ sang phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn để tìm hiểu về diễn biến Việt Nam thời Diệm. Vốn tính trào lộng, ông Ẩn nói: “Chạy theo tin tức quá mất thưởng thức cái đẹp thiên nhiên xung quanh mình. Lúc nào cũng tưởng ngày mai trời sập. Làm đến nỗi mặt trời mọc hay lặn không thèm để ý. Phụ nữ làm một giai đoạn thôi, chứ tất cả thành Peter Arnett … thì chết”. Mặc dù là câu nói đùa song cũng cho thấy hình ảnh Peter Arnett trong con mắt đồng nghiệp như thế nào.

Kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, Arnett được báo giới coi là một trong những người am hiểu nhất về cuộc chiến tranh này. Kịch bản bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam Cuộc chiến 10 ngàn ngày chính là sản phẩm của Peter Arnett. Từ kinh nghiệm ở Việt Nam, Arnett tiếp tục có mặt tại những điểm nóng của thế giới như chiến tranh vùng vịnh, Afghanistan… và được đánh giá là một trong những phóng viên chiến trường lành nghề, kỳ cựu của thế giới.

Nữ phóng viên gan dạ

Chiến thắng 30/4 ngày nay được biểu tượng bằng hình ảnh xe tăng quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, ít người biết, bức ảnh đó là của một nữ phóng viên gan dạ chụp được. Bà là Francoise Demulder, được các đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật là Fifi. Sau khi học triết học tại Paris, Fifi đã cầm máy sang Việt Nam làm một nhà nhiếp ảnh tự do.

 Nữ phóng viên Francoise Demulder và bức ảnh ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Những bức ảnh về cái chết, sự tàn phá và nỗi khủng khiếp của chiến tranh của bà được đăng trên tạp chí Time đã cho người Mỹ thấy được sự thực của cuộc chiến cách xa họ hàng vạn dặm. Robert Stevens, người từng biên tập các bức ảnh của bà ở tạp chí Time nói rằng: Cùng với một số rất ít nhà nhiếp ảnh tự do khác, qua những bức ảnh của mình, bà Francoise Demulder đã góp phần mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trong sự nghiệp cầm máy của Fifi có nhiều bức ảnh nổi tiếng như trên đã nói nhưng đối với người Việt Nam thì tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là bức hình chụp xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4. Khi bà chụp bức hình này, trong Dinh còn một số phóng viên nước ngoài nhưng chỉ mình bà chụp được ảnh. Một phóng viên truyền hình ngồi cạnh bà nhưng không dám đưa máy lên quay vì sợ rằng những người lính từ xa không phân biệt được đó là máy quay phim hay là súng chống tăng.

Năm 1995, Fifi quay trở lại Việt Nam để tìm những người lính xe tăng trong bức hình của mình. Cũng nhờ đó, một nhầm lẫn lịch sử đã được sáng tỏ. Theo đó, chiếc xe húc đổ cổng Dinh là xe 390 chứ không phải xe 843 như trước đây người ta vẫn nói.

Tác giả bức ảnh rung chuyển thế giới

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong chiến tranh Việt Nam là bức hình tướng cảnh sát Sài Gòn – Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Lém ngay trên đường phố. Tác giả bức ảnh đó là Eddie Adams, một phóng viên chiến trường và nhà báo ảnh xuất sắc đã có mặt tại 13 cuộc chiến, từ Triều Tiên, Việt Nam đến chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
 
 Chân dung Eddie Adams.

Bức ảnh chụp ngày 1/2/1968 trong bối cảnh cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 khi cảnh sát Sài Gòn bắt được một chiến sĩ biệt động bị thương. Người tù binh được giải tới trước mặt tướng cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan và đã bị ông này dí súng vào đầu rồi bóp cò, hành quyết ngay tại trận. Khoảnh khắc đó đã được Eddie Adams ghi vào ống kính và chuyển ngay về hãng AP. Kế tiếp AP, nhiều cơ quan báo chí khác cũng đăng lại bức ảnh này làm bùng lên làn sóng dư luận công kích viên cảnh sát đã giết tù binh chiến tranh.

 Bức ảnh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Eddie Adams.

Bên cạnh đó, nó còn tác động mạnh vào tâm lý người dân Mỹ, làm thay đổi quan điểm của nhiều người. Có những người trước đây lừng chừng nay cũng bộc lộ quan điểm phản đối cuộc chiến sau khi họ được xem bức ảnh này trên báo. Bức ảnh này đã mang lại cho Adams hai giải thưởng lớn là giải thưởng Ảnh báo chí thế giới năm 1968 và giải thưởng Pulitzer danh giá năm 1969 ở nội dung ảnh sự kiện.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)