Quai 3.000 nhát búa liên tiếp để mở đường
Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong suốt 9 năm chống Pháp. Lần đầu tiên quân đội ta tập trung nhiều đại đoàn với quân số hơn 50.000 người tham gia một chiến dịch dài ngày. Thêm vào đó, lần đầu tiên ta có pháo cao xạ và pháo mặt đất 105mm. Những đặc điểm đó đặt ra yêu cầu về hậu cần cũng cao hơn các chiến dịch trước rất nhiều.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), Kiến Thức xin gửi tới độc giả loạt bài viết về sự kiện này với những thông tin phong phú, giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ ngày 4/5/2014- 8/5/2014. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc.
Trước hết phải mở các con đường cơ giới lên Điện Biên để vận chuyển pháo. Theo tài liệu Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ của Nxb Quân đội nhân dân, để chuẩn bị tấn công Điện Biên, ta đã sửa chữa và mở hàng trăm km đường.
Cụ thể, sửa chữa đường 41 từ Hòa Bình lên Suối Rút và từ Suối Rút lên Sơn La với tổng chiều dài trên 200 km. Củng cố 300 km đường từ Yên Bái đến Sơn La (theo trục đường 13). Làm mới 89 km đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ngoài ra còn mở các đường phụ từ Thanh Hóa lên Điện Biên và các đường kéo pháo, đường cơ giới vào sở chỉ huy, vào kho và trận địa…
Việc mở đường vượt qua địa hình đồi núi trong điều kiện quân và dân ta chỉ dựa vào sức người với các phương tiện thô sơ, khó khăn nhất là khi bạt núi làm đường ta lại có ít thuốc nổ. Bộ đội và dân công đã áp dụng những kinh nghiệm cổ truyền để phá đá theo công thức: “Lấy củi mà đốt liền hơi, tức thì đá nóng như sôi, lấy nước mà giội đá thời khắc tan”.
Đương đầu với khó khăn, những người lính, người dân công Việt Nam vẫn kiên trì và lạc quan để sáng tạo ra những câu ca đúc kết ngay chính công việc của mình. Ví dụ như câu ca nêu kinh nghiệm các loại đá: “Thớ vàng thớ trắng ngon xơi, Thớ đen thớ xám thì hơi khó nhằn…”
Trong chiến dịch mở đường dần xuất hiện phong trào thi đua lao động. Trong thời gian đó, có người đã quai liên tục được 3.000 nhát búa liền hơi không nghỉ. Cuốn sách Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè cho biết: “Anh em làm việc liên tục 12 – 13 giờ trong một ngày. Kỷ lục quai búa tạ từ 1.700 nhát lúc đầu, cuối cùng có người đạt tới 3.000 búa liền một hơi. Một sức khoẻ kỳ lạ”.
Mở đường đã khó nhưng giữ cho con đường tồn tại còn khó hơn. Trong vấn đề này có hai khó khăn lớn là thiên tai và nhân họa. Thiên tai là mưa lũ còn nhân họa là máy bay Pháp ngày đêm săm soi tìm đường mới mở để đánh phá.
Khắc phục máy bay Pháp, quân dân ta đã sáng tạo nhiều biện pháp ngụy trang kín đáo. Ở những trọng điểm không ngụy trang được thì tổ chức những đội túc trực san lấp hố bom để đảm bảo cho đường không bị tắc.
Mưa lũ làm cho những con đường đất mới mở trở nên lầy lội, nếu không có biện pháp khắc phục thì đường cũng thành vô dụng vì xe không chạy được. Để chống lầy lội, ta đã sử dụng hàng loạt biện pháp: xây kè, làm rãnh thoát nước và rải đá mặt đường. Có những chỗ quá xa nơi lấy đá thì phải dùng gỗ làm rông đanh. Thêm vào đó, lực lượng tu sửa được rải ra khắp nơi để ngày đêm chiến đấu với mưa lũ.
Chỉ tính riêng một đoạn Tuần Giáo – Điện Biên dài 89 km, bộ đội và dân công đã lấy dưới suối và chuyển lên mặt đường 18.053 m3 đá sỏi cộng với chặt mang về 92 m3 gỗ để rải 69,6 km đường vệt bánh xe. Khối lượng gỗ đá khổng lồ đó cho thấy công tác chống lầy gian nan như thế nào.
Kéo pháo vượt đỉnh cao ngàn mét
Sau thất bại Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh và học giả Pháp cho rằng yếu tố
Việt Minh có trọng pháo là một trong những bất ngờ lớn nhất của quân Pháp ở Điện Biên. Thực ra nói cho chính xác thì người Pháp không hề bất ngờ về việc Việt Minh có pháo. Cái mà họ bất ngờ là Việt Minh có thể đưa được pháo lên những dãy núi cao để bắn họ.
Thật vậy, theo cuốn Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ thì xung quanh thung lũng Mường Thanh có hai dãy núi. Dãy Pú Hồng Mèo (mặt trời mọc) ở phía đông và dãy Pú Tà Cọ (mặt trời lặn) ở phía tây. Hai dãy núi có những ngọn cao trên dưới 700m bọc lấy cánh đồng Mường Thanh. Để đảm bảo pháo bắn chính xác, ta chủ trương mở đường kéo pháo trên hai dãy núi ấy.
Cuốn Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè nói chi tiết về việc này: “Pháo được xe kéo dừng lại ở km 69, đường 41. Từ đó, phải mở một con đường vượt qua một hệ thống núi dài 15km, từ phía Đông Bắc sang phía Tây Bắc Điện Biên Phủ. Chỗ cao nhất phải vượt qua là đỉnh Pú Pha Sỏng 1.150m. Chỗ thấp nhất là vực Nậm Kho Hu, ở độ cao 600m so với mặt biển. Đường kéo pháo lại trong tầm pháo địch. Đoàn cán bộ đi tỉnh sát địa hình, lập phương án làm đường kéo pháo và chọn trận địa pháo phải qua những nơi chưa có dấu chân người. Trong tay không có một tấm bản đồ chi tiết, không một khí tài đo ngắm hiện đại.
|
Quân ta kéo pháo vào trận địa. Ảnh: Vnmilitaryhistory.net.
|
Sau khi mạng đường đã được xác định trên sơ đồ, yêu cầu đặt ra với hai trung đoàn của đại đoàn 308 là trong một ngày đêm phải mở xong con đường trên 10km để kéo pháo vào trận địa. Cán bộ công binh tính toán và lo ngại. Trong 24 giờ, phải hàng vạn dân công mới làm kịp. Nếu chỉ có hai trung đoàn, ít nhất phải tăng thời gian lên gấp 5 lần.
Vậy mà quân ta đã đạt được một kết quả không hề lường trước: Chỉ sau 20 giờ lao động khẩn trương và chỉ với cuốc xẻng, dao, choòng và mìn phá đá, 5.000 chiến sĩ đại đoàn 308 đã hoàn thành tuyến đường vượt kế họach của Bộ tham mưu mặt trận. Thêm một thành tích nổi bật, tô thắm truyền thống mở đường thắng lợi của quân đội ta”.
Sau thành tích mở đường kéo pháo thì đến việc kéo pháo vào trận địa cũng là một kỳ tích. Đưa những khẩu pháo nặng trên 2 tấn vượt qua những đoạn dốc có khi đến 60 độ mà chỉ dùng sức người là một điều không tưởng. Ấy vậy, bằng ý chí quyết tâm và tinh thần khắc phục khó khăn, bộ đội ta đã đưa được pháo vào trận địa đặt trên sườn núi để dội bão lửa xuống lòng chảo Mường Thanh tiêu diệt quân Pháp.
Ngoài ra, phải kể đến một kỳ tích nữa là việc đảm bảo lương thực cho đội quân gồm mấy đại đoàn của ta. Trong chiến dịch này, Chính phủ đã huy động gần 30 vạn dân công đi phục vụ chiến dịch. Tuy vậy, chiến trường Điện Biên cách các vùng tự do của ta trung bình 400 đến 500 km nên việc tiếp tế lương thực rất khó khăn.
|
Dân công tải gạo bằng xe đạp thồ lên Điện Biên. Ảnh: Internet. |
Mỗi dân công gánh được khoảng 20-30kg gạo nhưng đường xa nên số gạo phải dùng cho cả người gánh. Bởi vậy khi đến đích chẳng còn là bao. Trong hoàn cảnh đó, một phương tiện tuy không hiện đại nhưng rất đắc dụng đã xuất hiện. Đó là xe đạp thồ. Hàng ngàn xe đạp thồ đã được sử dụng để tải gạo lên Điện Biên.
Trung bình mỗi xe đạp thồ chở được 150 đến 200 kg mà chỉ cần 2 người. Và cũng như ở mặt trận mở đường, trên mặt trận thồ hàng, các dân công lại thi đua với nhau và Kỷ lục thồ hàng thời Điện Biên thuộc về anh Cao Văn Tý và Ma Văn Thắng. Hai anh đã thồ được 325 kg – gấp 13 lần dân công gánh.