Những chuyện lạ lùng kỳ bí nhất về khỉ trong sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Những câu chuyện truyền kì, hư có thực có về loài khỉ không phải là xa lạ và hiếm ít trong lịch sử văn hóa Việt Nam. 

Là một trong 12 con giáp làm chủ vận số của năm, cũng là con vật khá quen thuộc với mọi người, loài khỉ đã đi vào kho tàng văn hóa dân gian người Việt từ rất sớm.
Những câu chuyện truyền kì, hư có thực có về loài khỉ không phải là xa lạ và hiếm ít trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Dưới đây chỉ là một phần trong muôn vàn những câu chuyện ấy.
Nhung chuyen la lung huyen bi nhat ve khi trong su Viet
 Khỉ là con vật quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Ảnh: Internet. 
Gốc tích tướng mạo xấu xí của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi người Hải Dương, đỗ trạng nguyên năm 1304 đời vua Trần Anh Tông. Ông là danh thần triều Trần, một chính khách và nhà văn hóa nổi danh trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, trạng mạo của ông lại không xứng với tài năng. Sử sách đều cho hay ông là người thấp bé, xấu xí. Vì tướng mạo ấy ông đã suýt bị đánh trượt ngôi vị trạng nguyên. Quý mến nhân cách của ông, khâm phục chân tài của ông, các tác giả dân gian đã tìm cách lí giải nguyên nhân khiến ông không được “đường đường một đấng anh hào” như bao người. Họ giải thích bằng câu chuyện đầy hư ảo và được sách "Công dư tiệp kí tục biên" ghi lại như sau.
“Tương truyền làng ông (chỉ Mạc Đĩnh Chi) có một cái gò lớn, cây cối um tùm, có nhiều khỉ vượn. Một hôm mẹ ông lên gò kiếm củi, bị một con khỉ đực hiếp. Bà về nói chuyện với bố ông. Bố ông liền mặc quần áo đàn bà và giắt một con dao sắc lên gò. Khỉ quen thói cứ chực hiếp dâm, thì bị bố ông lấy dao chém chết. Sáng hôm sau ra xem thì thấy mối đã đắp đất lên xác khỉ thành một cái mộ lớn, bố ông cho là một sự kì dị. Từ đó mẹ ông thụ thai, đến 12 tháng thì sinh ra ông. Ông thấp bé xấu xí, người ta cho là giống khỉ". 
Bát canh khỉ chan chứa lòng thành của vợ chồng già
Đầu thế kỉ XV, giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta. Bấy giờ ở đất Lam Sơn (Thanh Hóa) có ông Lê Lợi nổi lên chống lại chúng. Buổi đầu, do yếu hơn giặc về mọi mặt, nghĩa quân Lê Lợi lắm phen bị quân thù đánh cho tơi tả, quân tướng mỗi người chạy một phương.
Đời truyền rằng, trong một lần bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi chạy qua cánh đồng và gặp một vợ chồng già đang lom khom bắt cá. Lê Lợi xưng tên tuổi rồi xin ông bà nghĩ cách giúp mình thoát thân. Ông lão bảo Lê Lợi cởi áo, trát bùn lên người rồi xuống bắt cá cùng ông. Quân Minh đuổi đến, gọi ông lão hỏi thăm, ông lão khéo đối đáp khiến chúng không ngờ gì, một chốc rồi bỏ đi. Vợ chồng ông lão kính cẩn mời Lê Lợi về nhà ăn cơm và ngủ lại một đêm. Lê Lợi đồng ý. Nhưng nhà ông lão nghèo quá, ngoài mấy con cá bắt được trong ngày thì chẳng còn gì khác để đãi khách. Ông bà không có con, từ lâu nuôi một con khỉ làm bầu bạn và xem nó như ruột thịt. Muốn tiếp đãi vị chủ tướng nghĩa quân được chu đáo, ông lão bàn với vợ làm thịt con khỉ. Bà chấp nhận rồi ông bà nuốt nước mắt giết thịt con khỉ bấy lâu mình yêu thương. Bữa cơm tối hôm đó chỉ có hai món cá nướng và canh khỉ nhưng chứa chan sự ân cần và lòng thành của vợ chồng ông lão với người quyết diệt giặc cứu nước cứu dân. Cảm tấm lòng ấy, Lê Lợi hứa sau này chiến thắng nhất định sẽ quay lại hậu báo cho ông bà.
Sau ngày chiến thắng, Lê Lợi lên ngôi vua và sai người đến nhà ông lão. Nhưng vợ chồng ông đều đã qua đời. Lê Lợi rất thương xót, sai lập đền thờ cho ông bà, hàng năm cúng tế đầy đủ. Vì không biết ông bà tên gì nên Lê Lợi gọi hai người là Ông Hầu Bà Hầu. Trong các món cúng giỗ nhất thiết phải có hai món canh khỉ và cá nướng để tưởng nhớ bữa cơm thân tình năm xưa.
Nhung chuyen la lung huyen bi nhat ve khi trong su Viet-Hinh-2
 Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có nhiều chuyện đặc sắc về loài khỉ. Ảnh: Internet. 
Khỉ nói tiếng người
Ở vùng rừng núi nọ có một giống khỉ tên gọi là dã nữ. Người đi rừng thường bắt chúng đem về nuôi, dạy cho nói vài câu tiếng người và sai chúng làm một số việc lặt vặt.
Hồi ấy ở kinh thành Thăng Long tụ tập rất đông thương nhân với hàng quán, hiệu buôn buôn bán vô cùng sầm uất. Một hôm, tại một cửa hiệu lớn chuyên bán vải vóc gấm lụa, khi người chủ đang mải mê tính toán sổ sách thì có một chiếc kiệu sơn thếp đẹp đẽ, rèm mành sáo trúc, đông đủ gia nhân theo hầu dừng trước cửa hiệu. Một tên gia nhân gọi ông chủ rồi nói người trong kiệu là phu nhân quan lớn muốn mua hàng của ông. Hắn nói phu nhân trong người không khỏe không tiện xuống kiệu, bảo ông có món hàng nào quý đẹp cứ đưa hắn trình bà xem xét. Chủ hiệu đem những thứ gấm lụa quý giá cho hắn. Hắn vén rèm trình phu nhân. Người chủ hiệu nghe phu nhân nói vọng ra “được được, tốt tốt” thì rất mừng. Đoạn tên gia nhân nói rằng: phu nhân sẽ lấy những thứ này, ông chủ còn gì cứ đem ra, giá cả không thành vấn đề. Chủ hiệu gặp khách sộp, liền đem hết các loại vải lụa hảo hạng ra. Thứ nào phu nhân cũng khen “được, tốt” và mua hết khiến ông như mở cờ trong bụng.
Mua hàng xong, đám gia nhân bảo ông chủ đi theo kiệu về phủ lấy tiền. Đến dinh thự ở mãi ngoại thành, mấy phu khiêng kiệu đặt kiệu xuống trước cổng, một tên định vén rèm mời phu nhân ra thì tên gia nhân ngăn lại, bảo rằng phu nhân đang ngủ chớ nên kinh động. Hắn bảo đám phu khiêng đợi ở cổng cho đến khi phu nhân dậy. Hắn cũng bảo ông chủ hiệu vải đứng đợi ở ngoài, chờ hắn đem hàng vào trình quan lớn rồi sẽ mang tiền ra.
Xong, hắn cùng mấy tên gia nhân khác ôm hàng vào nhà. Chủ buôn đứng đợi. Lúc sau, thấy bọn phu khiêng dần tản đi hết, sau cùng chỉ còn lại ông với chiếc kiệu. Ông sốt ruột quá, lại gần kiệu và gọi, chỉ nghe tiếng ngáy đều đều. Ông đánh bạo vén rèm lên và giật mình kinh hãi khi trong kiệu không phải người mà là một con dã nữ mặc quần áo phụ nữ bị trói chặt vào kiệu. Nghe tiếng ông hét, con dã nữ tỉnh giấc, thấy người nó vội thốt lên mấy tiếng “tốt tốt, được được”. Ông chủ hiệu vải như chết điếng. Ông đã bị bọn vô lại lừa một vố quá nặng nhưng không thể làm gì vì chúng đã xa chạy cao bay. Ông liền lôi con dã nữ về, rao bán nó mong gỡ lại chút tiền nhưng mãi chẳng có ai mua. Những người biết chuyện ai cũng bất bình thay ông và dặn nhau phải cẩn thận kẻo lại bị lừa như thế. 
Khỉ lấy người
Chuyện kể rằng ở huyện Lục Ngạn (thuộc tỉnh Bắc Giang) khi xưa có một cô gái vào rừng hái củi. Cô mải kiếm củi rồi đi lạc vào rừng sâu quên mất lối ra. Đang loay hoay thì có vài mươi con khỉ từ đâu lao đến vây lấy cô, bắt cô đem về một cái hang trên đỉnh núi. Đến nơi chúng thả cô xuống. Cô nhìn quanh thấy hang rất lớn, có đầy hoa trái, trong hang có một chiếc giường và trên giường có một con khỉ già, dáng to lớn, đang ngồi. Con khỉ thấy cô, nhảy xuống, đến kéo cô vào giường. Cô sợ nó ăn thịt nên đi theo. Con khỉ lấy hoa quả cho cô ăn và đòi ngủ chung với cô. Cô gái bất đắc dĩ phải nghe lời. Từ đó cô thành vợ của khỉ già.
Cô gái ăn quả rừng mãi thì xót ruột không chịu nổi, liền kêu đói với con khỉ. Nó không nói được nhưng hiểu tiếng người, bèn dẫn cô đến một cái hốc trong hang. Cô nhìn thì thấy trong hốc có đầy gạo. Nhưng không có nồi niêu, mắm muối để nấu. Cô nói với khỉ. Khỉ sai bọn khỉ con xuống làng lấy trộm của dân. Chúng còn lấy quần áo cho cô mặc. Dân làng bị lũ khỉ quấy nhiễu rất phiền phức.
Cô gái ở với khỉ già được một thời gian thì nhớ nhà quá, năm lần bảy lượt muốn trốn mà không được. Hơn một năm sau, cô sinh ra một con khỉ con. Khỉ già mừng lắm, từ đó cũng nơi lỏng việc quản thúc. Cô mới lựa lời ngọt nhạt xin khỉ cho về thăm nhà. Khỉ già thấy cô xin mãi đành miễn cưỡng nhận lời, sai hơn mười con khỉ đưa cô về. Nhà cô gái tưởng cô bị hổ ăn mất xác, nay thấy con về vô cùng mừng rỡ. Biết cô bị khỉ già ép làm vợ, bố mẹ cô họp họ hàng bàn cách diệt khỉ. Đoạn họ tiếp đãi đám khỉ tử tế rồi bảo chúng về mời khỉ chúa xuống ra mắt nhà vợ, dẫu khác loài nhưng đã là người thân thì không nên e ngại làm gì.
Lũ khỉ con về báo, khỉ già rất hí hửng. Nó sai đám khỉ lâu la khiêng xuống nhà vợ. Gia đình cô gái niềm nở tiếp đón. Họ ngầm trộn thuốc mê vào cơm rượu rồi đem ra mời chúng. Từ khỉ già đến khỉ con thi nhau ăn uống hò hét, lúc sau ngấm thuốc chúng ngã lănra. Người nhà cô gái bắt trói tất cả rồi đem giết hết. Dân làng từ đấy không bị bọn khỉ quấy phá nữa.
Nguyễn Thanh Tuyền

Bình luận(0)