Người thì cho rằng, đó là "cột mốc" đánh dấu lãnh địa của người H'Mông, có người lại nói những hình khắc đó ẩn chứa ký ức khủng khiếp về dịch thổ tả, đậu mùa khiến người còn sống phải bỏ làng đi biệt xứ...
“Bản đồ” đánh dấu lãnh địa
Những ngày trèo đèo, vượt núi khám phá mảnh đất kỳ bí Lao Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái, chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe về câu chuyện truyền miệng mà cha ông bao đời để lại.
Theo câu chuyện từ thuở hồng hoang của người H'Mông, có một tộc người H'Mông Hoa di cư đến những vùng núi cao chót vót thuộc đất Lao Chải. Khi mới đặt chân đến đây, họ thấy mảnh đất này màu mỡ, suối ngàn róc rách vòng quanh ngọn núi thuận lợi cho việc san núi vỡ ruộng, trồng ngô, lúa... Liền sau đó, những cánh rừng thâm u được khai phá, thay vào đó là những khoảnh ruộng bậc thang, những con đường và nhà mới được mọc lên, cuộc sống no đủ, êm ấm.
Trong quá trình canh tác, người H'Mông đã khắc lên đá tấm "bản đồ" đánh dấu lãnh địa của riêng mình. Khi những hộ dân trong làng hoặc giữa tộc người H'Mông với những bộ tộc khác có tranh chấp về lãnh thổ thì chỉ cần đến những phiến đá in khắc bản đồ đó mà soi xét. Căn cứ vào bản đồ phân định lãnh thổ này, các tộc trưởng sẽ có quyết định bên thắng - thua trong tranh chấp...
|
Ông Vàng Súa Lử kể lại những câu chuyện xung quanh hình khắc lạ. |
Ông Vàng Súa Lử, một người dân sống cạnh những phiến đá có hình khắc lạ lùng tại xã Lao Chải kể rằng: "Ngoài chuyện đánh dấu lãnh địa ra, ngày còn bé tôi còn được nghe bố, mẹ kể về những hình khắc trên đá. Bố tôi bảo, đó là hình ruộng của người H'Mông. Vào những đêm trăng sáng, thanh niên trong bản thường đến những mỏm đá hoang vắng này tán nhau. Họ thổi khèn lá, hát cho nhau nghe, rồi nên nghĩa vợ chồng".
Ông Lử cho biết thêm: "Mảnh đất Lao Chải trước đây là lãnh thổ của người H'Mông Hoa. Khi tộc người này chuyển đi nơi khác thì người H'Mông Đen đến ở. Từ đó tới nay, đây là địa bàn của người H'Mông đen...".
Ký ức khủng khiếp về dịch bệnh
Theo lời những người cao tuổi ở cao nguyên Lao Chải thì những hình khắc lạ trên đá, ngoài ý nghĩa về phân định "lãnh thổ" ra còn ẩn chứa ký ức khủng khiếp về bệnh dịch đậu mùa, dịch tả khiến dân làng chết gần hết.
Ông Vàng Súa Lử tiết lộ: "Cách đây vài năm, tôi làm một chiếc chòi nhỏ ngay cạnh hòn đá có khắc hình lạ. Thấy vậy, nhiều người già trong làng bảo nên làm chòi đi chỗ khác, vì chỗ này trước đây đã từng là nơi chôn xác người chết do dịch thổ tả, đậu mùa. Nếu làm chòi, rồi sinh sống ở đây nhiều thì có thể sẽ bị dính bệnh như người đi trước. Thế nhưng, tôi ở đây mấy năm trời mà vẫn thấy khoẻ mạnh, bình thường không thấy dịch bệnh nào cả, cũng chẳng có con ma rừng nào đến phá".
Mặc dù chuyện của ông Lử kể về dịch bệnh không ai nhớ rõ nguồn gốc xuất phát từ thời gian cụ thể nào. Nhưng trong câu chuyện của những bậc cao niên ở các bản sống quanh các dãy núi Lao Chải, Chế Cu Nha đều có nhắc đến.
|
Những hình khắc kỳ lạ được người dân cho là mô phỏng hình ảnh ruộng bậc thang. |
Ông Nguyễn Văn Trúc, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải nhận định: "Trước đây, khu vực có các hình khắc trên đá thuộc địa bàn của người H'Mông Hoa. Họ đến đây khai hoang mở ruộng, trồng ngô, lúa. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuộc sống của người dân trở nên khấm khá, thậm chí là giầu có. Biểu hiện cho việc này đó là dấu tích về 2 ngôi nhà bằng đá phiến xuất hiện trong phạm vi khu vực có hình khắc lạ.
Theo những người già trước đây còn sống kể lại thì chỉ có những gia đình giầu có mới làm được ngôi nhà đá, đẹp đến thế. Chỉ tiếc là hai ngôi nhà này đã biến mất cách đây một vài năm vì người dân đập phá để lấy chỗ trồng ngô, lúa. Cuộc sống cộng đồng người H'Mông Hoa này đang trên đà thịnh đạt thì bỗng gặp phải dịch thổ tả và đậu mùa. Bệnh dịch kinh khủng đến mức, hơn một nửa người H'Mông Hoa bị chết khiến những người còn sống hoang mang khôn siết. Rồi họ rời bỏ mảnh đất này đi đến nơi khác làm ăn.
Nhưng trước khi gồng gánh bỏ làng, họ đã kịp khắc lên những phiến đá hình khắc dị thường, nhằm để lại dấu hiệu cho con cháu của họ sau này biết đây là vùng đất độc nên tránh. Cộng đồng người H'Mông Hoa này về sau di cư về phương nào, có còn ai sống sót hay không thì không ai biết hoặc nhớ đến".
|
Ông Nguyễn Văn Trúc thường tìm hiểu những chuyện truyền miệng của người H'Mông xunh quanh những hình khắc lạ lùng. |
Về độ tuổi của những hình khắc kỳ dị trên đá, ông Trúc cho rằng, chỉ có những nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa mới tìm ra được lời giải. Bởi với những gì mà ông nhìn thấy và qua việc lắp ghép các câu chuyện truyền miệng của các thế hệ người H'Mông, ông chỉ có thể tóm gọn lại trong lời kể mạch lạc để mọi người hiểu hơn về mảnh đất Lao Chải huyền bí.
Ông Trúc cho biết: "Mặc dù những hình khắc lạ có sự phân bố không tập trung, thậm chí cách nhau hàng chục cây số. Nhưng câu chuyện, nỗi ám ảnh về dịch thổ tả, đậu mùa thì nơi nào cũng có và được truyền miệng cho đến ngày nay. Vì thế tôi cho rằng, ý nghĩa của những hình khắc lạ lùng trên đá nói về dịch bệnh là có cơ sở. Tuy vậy, vẫn cần phải có sự vào cuộc của các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu mới có được câu trả lời chính xác".
"Một số phiến đá có hình khắc lạ lùng này nằm trên đường mòn dẫn lên đỉnh núi, là nơi người dân thường chăn thả gia súc, vì thế một số phiến đá đã bị trẻ con và cả gia súc phá phách. Một phiến đá nằm gần xã Lao Chải còn bị trẻ con dùng dao đẽo gọt, đục lỗ khiến những nét khắc bị mòn gần hết".
Ông Vàng Súa Lử