Phụ nữ thường... nhớ dai hơn nam giới, thích mua sắm; nam giới thành công về khoa học tự nhiên hơn nữ giới; đàn ông được coi là phái mạnh nhưng lại bị thu phục bởi chính người phụ nữ được cho là phái yếu... là những nét thú vị được các nhà khoa học chỉ ra. Thế nhưng, lý giải những điều đó như thế nào là điều không ít người quan tâm. Các chuyên gia sẽ dần hé mở cùng độc giả.
Vì sao phụ nữ thường... nhớ dai hơn nam giới?
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng phòng Con người và Văn hóa, Viện Nghiên cứu Con người cho rằng, sở dĩ có sự khác biệt giữa nam và nữ trước hết là do bộ nhiễm sắc thể (NST) giới tính được cung cấp từ sự kết hợp giữa bộ gen của cha và mẹ quy định. Theo đó, khi nhiễm sắc thể X kết hợp với NST Y sẽ cho ra con đực XY (trong một số loài lại mang cặp NST XO), còn con cái được tạo nên từ sự kết hợp giữa hai NST XX. Chính sự kết hợp NST này quy định sự khác biệt giữa các sinh thể.
Chẳng hạn, với cặp NTS XX thì đồng loạt có khả năng sinh sản, thường có khung xương nhỏ nhắn hơn, nhanh nhẹn hơn; đối với con người thì ngay khi mới sinh ra, bé gái có tiếng khóc thanh hơn, giọng nói sau này đanh hơn. Còn với cặp NST XY sẽ không có khả năng sinh con nhưng vẫn có bộ phận sinh dục để kết hợp với bộ phận sinh dục của giống cái nhằm tạo nên cá thể mới, có hình khung xương lớn hơn, thô kệch hơn, cấu trúc của cơ thể cũng khác khi vai rộng hơn, hộp sọ cũng to hơn 10 - 12% so với nữ giới.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cũng cho biết thêm, các nhà khoa học đã từng đo đạc bằng cách quét bộ não của hai giới. Kết quả, không chỉ khối lượng hộp sọ của nam giới to hơn mà khối lượng các cầu não cũng như sự liên kết cấu trúc trong cầu não giữa hai giới cũng có sự khác biệt. Cụ thể, với nữ thì bán cầu não trái và bán cầu não phải rất phát triển.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian; còn bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, phân biệt hình vẽ, màu sắc, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước. Do đó, họ thường có khuynh hướng chú ý đến tiểu tiết, màu sắc, khuôn mặt... Đồng thời, "cũng vì sự liên kết giữa hai bán cầu não này rất tốt nên nhiều khi họ rất cân bằng. Họ có khả năng nhớ rất lâu và dĩ nhiên giận cũng rất lâu", bà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của nhà khoa học nữ này thì ở nam giới, bán cầu não trước và sau lại phát triển hơn, đồng thời liên kết cũng chặt chẽ hơn. Đó chính là lý do để đàn ông thường chú ý tới những cái tổng quát, không chú ý những cái nhỏ, xác định không gian và kích thước rất chuẩn. Do vậy, nhìn chung, nam giới sẽ có ưu thế trong việc học tập, nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên hơn so với nữ giới.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, não bộ con người có một bộ phận chuyên trách khả năng toán học (inferior-parietal lobule). Bộ phận này ở nam giới thường có kích thước lớn hơn so với ở nữ giới, do đó nam giới thường có ưu thế hơn trong khả năng học các môn tự nhiên.
|
Ảnh minh họa. |
Đàn ông "nông nổi giếng khơi"?
Dân gian vẫn có câu "Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Theo PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc thì điều đó hoàn toàn đúng trên phương diện nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Bà phân tích: Chính sự phát triển của các bán cầu não đã chi phối điều này, khiến phụ nữ thường có tâm lý nhìn nhận sự việc theo tiểu tiết, trong khi đàn ông lại hướng tới những cái to tát, mang tính khái quát, vĩ mô.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tự nhiên thì yếu tố xã hội cũng làm cho nhận định trên thêm cơ sở tồn tại. "Chức năng xã hội của phụ nữ là việc sinh con, chăm con, nuôi dạy con. Muốn vậy, họ phải thường xuyên cọ xát với cuộc sống bằng việc hằng ngày họ phải đi chợ, biết được sự biến động của giá cả, thời tiết, khí hậu, phải lo tính toán nhiều thứ để đảm bảo cuộc sống gia đình...
Lâu dần, người ta mặc định rằng công việc của phụ nữ là ở trong nhà, trong góc bếp; còn đàn ông là người trụ cột gia đình, lo hướng ngoại, mở rộng các mối quan hệ để tăng cơ hội cải thiện cuộc sống gia đình. Do đó nó chi phối góc nhìn của hai giới. Phụ nữ sẽ nhìn rõ được vấn đề của gia đình mình, chẳng hạn thấy rằng liệu trong tháng đó họ có đủ lương thực để ăn; còn nam giới sẽ nhìn vấn đề xa hơn là làm sao trong vụ tới họ phải tăng được năng suất cây trồng...
Cũng chính góc nhìn có sự khác biệt như thế nên trong nhiều trường hợp, phụ nữ sẽ xử lý vấn đề tốt hơn, mang tính thực tiễn cao hơn. Trong khi đó, nam giới nhìn được vấn đề tổng quát song chưa chắc họ đã đưa ra được giải pháp phù hợp, bởi nhiều khi giữa thực tiễn với khoa học có một độ chênh nhất định.
Phụ nữ chịu đựng tốt hơn nam giới
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, chính yếu tố di truyền học khiến phụ nữ thường có khả năng chịu đựng tốt hơn nam giới. Bà phân tích: Về mặt di truyền học, sự kết hợp giữa hai NST X và Y với nhau (nam giới) sẽ không tạo nên khả năng miễn dịch với các ti thể ADN như khi kết hợp hai NST XX (nữ giới). Do đó, nam giới thường dễ mắc các bệnh thông thường chứ chưa kể đến dịch bệnh so với nữ giới. Khoa học cũng đã chứng minh tuổi thọ trung bình của nam giới thường thấp hơn phụ nữ. Vì vậy, có thể khẳng định sức chịu đựng của nữ giới tốt hơn nam giới.
Trên thực tế, nam giới thường chú ý tới những cái tổng thể, khái quát mà không được rèn luyện trong tiểu tiết, không phải trải nghiệm những thăng trầm nhiều như nữ giới nên sức chịu đựng của họ cũng sẽ kém hơn. Chẳng hạn, trong cùng một vấn đề, đàn ông có thể cứng rắn không khóc nhưng sau đó lại bị suy sụp, song với đàn bà thì ngay lúc ấy có thể họ khóc nhưng rồi họ lại kiên cường vượt lên. Thực tế đã chứng minh rằng, nhiều phụ nữ biết vượt lên hoàn cảnh với sức chịu đựng tốt hơn nam giới, bởi ở họ còn có sự nhẫn nhịn, sự hy sinh mà những cái này lại do chức năng xã hội của họ chi phối.
(còn nữa)
"Nhiều khi nam giới cứ bảo phụ nữ hay chấp nhặt, nhỏ mọn, chú ý đến những cái không đáng. Thế nhưng, điều đó cũng có những tích cực khi giúp phụ nữ thực tế hơn trong nhiều trường hợp, họ đưa ra quyết định sẽ có tác động tới nhiều đối tượng hơn. Với nam giới, họ thường có tâm lý để ý những cái lớn lao mà quên đi cái nhỏ, cái thiết thực. Vậy nên mới có tâm lý coi "chuyện của đàn bà", "việc nhà là của đàn bà". Tư duy đó cần phải được thay đổi và thực tế nó đang dần thay đổi theo tiến trình phát triển của xã hội".
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc