Khi có khách đến nhà hay liên hoan, gặp mặt, giỗ chạp, không ít gia chủ thường nấu thật nhiều món, bày biện tú hụ để thể hiện sự hiếu khách. Thói quen này xuất phát từ tâm lý sĩ diện, thích phô trương, sợ bị chê keo kiệt, bủn xỉn, nên cứ phải làm ê chề mới thấy thoải mái, thấy mình hào phóng. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia dân tộc học, thói quen tưởng là tốt này lại cần được xóa bỏ trong cuộc sống hiện đại.
Thừa mới thoải mái
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt, sau mỗi lần giỗ chạp, hội họp, gặp gỡ giao lưu bạn bè, thức ăn thừa mứa ê hề là chuyện rất bình thường trong đời sống của người Việt. Điều đáng nói hơn là nhìn thức ăn thừa, có khi cả mâm cỗ chỉ mới ăn hết một nửa khiến những ngày sau đó phải è cổ ăn thức ăn thừa, thậm chí là ăn không được phải đổ đi, nhưng gia chủ không thấy buồn, ngược lại còn thấy vui sướng, hoan hỉ.
Cái tâm lý vui sướng, hớn hở khi thấy thức ăn thừa sau mỗi lần nhà có khách xuất phát từ thói sĩ diện cố hữu của người Việt. Chính vì tâm lý sĩ diện, nên khi có khách đến nhà chơi hay giỗ chạp, hội họp, gia chủ thường nơm nớp lo sợ làm ít, làm thiếu sẽ bị chê là keo kiệt, sẽ bị chê là không hiếu khách, không hào phóng... Vì thế, khi có khách, ai cũng tâm niệm “không lo thừa, chỉ sợ thiếu” và đã mời là phải “toái loái”, chứ làm ít, làm vừa đủ thì khó coi, mất thể diện.
Không ít trường hợp, chủ nhà chỉ mời có 3 khách, nhưng mâm cỗ cũng phải 8 món, 10 món, mà món nào cũng tú hụ, biết là thừa nhưng vì sĩ diện nên vẫn làm dôi dù sau bữa ăn có phải ăn lại hay đổ đi. Rõ ràng, với người Việt, khi có khách, làm nhiều thức ăn là cách thể hiện lòng hiếu khách, là tiêu chí để đánh giá sự hào phóng, sự hãnh diện của bản thân mà không hề nghĩ tới câu chuyện lãng phí, tốn kém. Đặc biệt, nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy rằng, nếu chủ nhà là đại diện một cơ quan nào đó thì việc tiếp đón khách với mâm cao, cỗ đầy còn bị chi phối bởi tâm lý “của chùa” nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Không ăn hết, vừa mất vui lại lãng phí
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể: Gần đây, vợ chồng ông đến thăm nhà một người bạn. Gia chủ tiếp đón ba cặp vợ chồng già với món chả cá Lã Vọng và sau đó là thêm mỗi người một bát bún nước. Mâm không cao, cỗ không đầy, không cầu kỳ, không quá nhiều món nhưng ai ăn cũng thấy ngon, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Khi ra về, từ gia chủ cho đến khách đến chơi nhà ai cũng cảm thấy vui vẻ, gia chủ không quá mệt vì phải “cắm mặt vào bếp núc” lại vừa có thời gian tiếp chuyện khách; khách ăn vừa bụng, vừa miệng cũng cảm thấy khoẻ khoắn.
“Tôi kể chuyện này là để mọi người thấy, chúng ta đang hiểu sai về sự hiếu khách. Hiếu khách ở đây không thể hiện ở sự ê hề của đồ ăn, của sự dư thừa, cầu kỳ trong các món được bày lên trên bàn ăn mà sự hiếu khách thể hiện ở sự tiếp đón. Phải lấy không khí tiếp đón để làm trọng chứ không phải lấy đồ ăn để thể hiện mình”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, trong các buổi gặp mặt, liên hoan, giỗ chạp, gia chủ chỉ nên làm đồ ăn vừa phải, ăn đến đâu làm đến đấy. Việc tính toán hợp lý cho bữa ăn khi nhà có khách không phải là điều khó vì chúng ta hằng ngày vẫn phải ăn, từ ngưỡng ăn của chính bản thân mình, sẽ tính được lượng thức ăn cho nhiều người. Hãy tùy vào hoàn cảnh để thiết kế bữa ăn hợp lý, nhiều món hay ít món không quan trọng, quan trọng là khối lượng vừa đủ (nếu nhiều món thì khối lượng phải bớt đi) và quan trọng hơn là ngon, hợp khẩu vị của khách và hợp với không khí của buổi gặp mặt. Đấy mới là điều quan trọng, chứ cỗ làm nhiều, bày ra ê hề mà ăn không hết thì vừa mất vui, vừa lãng phí.
Học tính thực dụng
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, trong xã hội văn minh như ở các nước Đức, Thụy Sỹ, Pháp hay gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều là những nước giàu mạnh, nhưng người dân vẫn duy trì văn hóa ăn uống tiết kiệm và không lãng phí. Khi ăn uống, họ cố gắng ăn hết những thứ bày trên bàn, trong đĩa còn thừa một chút nước sốt họ sẽ dùng bánh mỳ vét sạch chỗ nước sốt còn lại. Khi tiếp đón khách khứa, bạn bè họ bao giờ cũng tính toán để vừa đủ, ngon miệng mà hợp khẩu vị, thậm chí họ còn có thể thẳng thắn “thảo thuận” theo kiểu “mỗi người 1 miếng thịt thôi, không hơn không kém” mà không khí buổi tiệc vẫn rất sang trọng, vui vẻ.
Ở nước ta thì ngược lại, dù còn nghèo, thực phẩm cũng không hề rẻ, nhưng chúng ta ăn uống rất lãng phí. Hầu hết chúng ta đều được dạy rằng, là khách đến chơi, khi ăn phải bớt lại một chút để không bị nói là ăn tham, là chết đói và như thế mới là lịch sự, mới thể hiện mình là người có học; còn gia chủ thì phải làm thật nhiều, thức ăn phải thừa, thừa mới cảm thấy yên tâm bởi như thế mới chắc rằng khách đã ăn đủ và mình cũng không bị mang tiếng là keo kiệt, không hiếu khách.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, đã đến lúc chúng ta phải học tập văn hóa ăn uống tiết kiệm. Ngày xưa, chúng ta chê trách văn hóa ăn uống của người phương Tây, người Mỹ là thực dụng. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại cách nhìn này để thấy rằng đấy là một nếp sống lành mạnh, văn minh, không lãng phí và cần phải học tập.
“Điều đáng nói, nhiều người khi nhìn thấy thức ăn thừa phải bỏ đi, cũng thấy tiếc, nhưng vì sĩ diện, vì thích phô trương, vì sợ người khác nhìn vào nên cố tình gọi nhiều món, làm nhiều món. Trong xã hội văn minh, thói quen xấu, lãng phí này cần sớm thay đổi”.
Người Việt không chỉ lãng phí khi có khách đến chơi nhà mà trong thói quen ăn uống hằng ngày đều thể hiện sự thiếu tiết kiệm. Tại các quán ăn, nhiều người khi tiếp khách gọi quá nhiều món nhưng chỉ ăn hết 1/3 hoặc một nửa còn đâu là bỏ lại. Tại đám giỗ, tiệc cưới, người ta làm mâm cao, cỗ đầy trong khi hầu hết khách khứa chỉ ăn uống qua loa, mâm cỗ hầu như vẫn còn nguyên. Ngay cả khi đi ăn buffet, một thói quen khó bỏ của khá nhiều người là lấy thức ăn cho đầy mắt sau đó ăn thì bỏ thừa lại rất nhiều.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy