Con người là một tuyệt tác của tạo hóa, 5 giác quan của con người lại là những món quà đầy bất ngờ, thú vị. Tuy nhiên, chúng ta lại biết rất ít về những giới hạn của chính cơ thể mình.
Nhìn xa 2,6 triệu năm ánh sáng
PGS.TS Phạm Thị Khánh Vân, Viện Mắt T.Ư cho biết: Ông cha ta đúc rút “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” và nhiều người cho rằng thị giác là giác quan quan trọng nhất. Điều này rất đúng bởi con người cần đến 1/4 các nơron thần kinh não bộ để tiếp nhận và xử lý các thông tin hình ảnh. Trong đó, giới hạn về góc nhìn được y học nghiên cứu và phân tích rất tỉ mỉ.
Với mắt của người khoẻ mạnh, tổng góc nhìn hai mắt là 200o theo phương ngang. Trong đó, khoảng 120o là góc nhìn chung của cả hai mắt và 135o theo phương thẳng đứng. Các góc độ này có thể thay đổi, dựa vào vị trí của mắt trên khuôn mặt của mỗi người.
Trong tự nhiên, những loài vật săn mồi, trong đó có loài người với cấu tạo hai mắt nằm phía trước khuôn mặt, trong khi những loài vật phía dưới chuỗi thức ăn có mắt nằm ở hai bên đầu, như mắt của chim bồ câu.
Với cấu tạo mắt như vậy, những “con mồi” có được một góc nhìn rộng hơn, nhưng bù lại chất lượng hình ảnh tiếp nhận được là rất thấp. Tuy nhiên, nếu xét về việc có thể bị ăn thịt bất kỳ lúc nào thì đây là một sự đánh đổi vô cùng hợp lý.
|
Chúng ta có thể nhìn thấy thiên hà Andromeda cách Trái Đất 2,6 triệu năm ánh sáng. |
Mắt người bao gồm rất nhiều tế bào tiếp nhận ánh sáng. Các tế bào này sẽ tiếp nhận và chuyển các thông tin hình ảnh đến não thông qua các dây thần kinh thị giác.
Và vấn đề duy nhất là các dây thần kinh thị giác phải đi xuyên qua lớp các tế bào thụ quang phía sau nhãn cầu, khiến điểm này không có dây thần kinh đón nhận ánh sáng, tức là không thể tiếp nhận ánh sáng và gọi là điểm mù.
Thông thường, điểm mù sẽ không phải là vấn đề to tát khi chúng ta có hai mắt, cùng với một tầm nhìn phải nói là thực sự tốt, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin từ cả hai mắt để bù đắp cho khiếm khuyết của từng mắt riêng biệt. Nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh buộc phải dùng một mắt thì điểm mù sẽ gây khá nhiều phiền toái, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu đang di chuyển với tốc độ cao.
Tầm nhìn của mắt người có thể mở rộng tới tận phía xa nơi chân trời. Chúng ta còn có khả năng để thấy một ngọn lửa bập bùng với khoảng cách lên tới 48km. Mắt người nhìn được bao xa phụ thuộc vào việc có bao nhiêu hạt ánh sáng hay photon mà đối tượng phát ra, càng nhiều thì càng dễ kích thích võng mạc ở mắt.Vật thể xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường là thiên hà Andromeda, thật đáng kinh ngạc vì nó nằm cách Trái đất 2,6 triệu năm ánh sáng.
|
Cấu tạo giải phẫu học mắt người. |
Kẻ giết người không tiếng động
Bác sĩ cao cấp, Chuyên khoa 2 Huỳnh Bá Tân, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam cho hay, thính giác là một giác quan vô cùng quan trọng, thậm chí nhiều lúc có thể vượt thị giác khi có thể giúp con người tránh được rủi ro.
Chúng ta đều biết rằng, phía sâu trong tai có một lớp màng chắn được gọi là màng nhĩ. Khi tiếng động bên ngoài truyền vào tai gặp màng nhĩ, màng nhĩ sẽ dao động. Sóng âm của dao động này sẽ tiếp tục qua các xương nhỏ truyền vào tai trong, rồi chuyển thành tín hiệu thần kinh đến bộ não. Khi đó, ta sẽ cảm nhận và nghe được âm thanh.
Một người khoẻ mạnh có thể nghe được âm thanh trong dải tần số từ 20 - 20.000Hz. Ngưỡng nghe tối đa giảm dần theo độ tuổi. Ngưỡng nghe tối thiểu là thuật ngữ chỉ cường độ âm thanh nhỏ nhất tai người có thể nghe khi không có bất kỳ âm thanh nào gây xáo trộn. Ngưỡng nghe của từng người khác nhau, thay đổi theo độ tuổi, và đặc biệt phụ thuộc vào tần số của âm thanh đó.
|
Mô tả giới hạn ngưỡng nghe của con người. |
Người bình thường có ngưỡng nghe tối thiểu từ 0 - 5 decibels (như tiếng lá rơi xuống đất, tiếng nước nhỏ giọt từ vòi xuống bồn), nhưng theo thống kê, cường độ âm tối thiểu con người có thể nghe thậm chí xuống đến -5 decibels. Khả năng người nghe được ở ngưỡng này này là khá hiếm, tỷ lệ này là khoảng 1/10 người.
Vì thế, hạ âm còn được gọi là “kẻ giết người không tiếng động”. Có một tàu nọ đi trên biển thì gặp bão, không còn ai sống sót, sau này người ta biết rằng cơn bão đã tạo ra một luồng sóng hạ âm, làm chết người. Khi sóng hạ âm có cùng tần số với tần số của các bộ phận trong cơ thể người thì tim sẽ ngừng đập.
Sóng hạ âm có tính xuyên thấu rất mạnh, chúng có thể dễ dàng đi qua các bức tường bê tông dày, đi qua các vật mà âm thanh bình thường không thể đi qua, kể cả loại mũ đặc biệt của các phi hành gia cũng không thể chắn được. Vì thế nên khoa học gọi nó là “kẻ giết người không tiếng động”.
Độ lớn của âm thanh được đo bằng đơn vị dB. Âm thanh lớn nhất mà chúng ta có thể nghe có độ lớn khoảng 160dB, nếu âm thanh có độ lớn vượt quá ngưỡng này có thể khiến màng nhĩ bị rách. Khi âm thanh có độ lớn 200dB, các sóng âm thanh có áp lực lớn thậm chí có thể làm vỡ phổi, đẩy không khí vào các mạch máu gây ra tắc nghẽn và dẫn tới tử vong.
|
Mũi con người có thể ngửi tối đa được 1.000 tỷ mùi. |
Gây sốc với khả năng ngửi 1.000 tỷ mùi
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư thì vị giác và khứu giác chịu sự chi phối của hai cơ quan thụ cảm khác nhau, tức lưỡi và mũi. Tuy nhiên, hai giác quan này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu bị ngạt mũi thì hương vị của thức ăn sẽ giảm đi đáng kể.
Vị giác được các nhà khoa học xác định là giác quan yếu nhất trong 5 giác quan của con người. Vì ngay cả hương vị được cảm nhận bởi lưỡi cũng có thể sai lệch hoàn toàn nếu có tác động của mùi hay thậm chí là màu.
Một nhà nghiên cứu đã chứng minh khi mời 57 chuyên gia về rượu nếm hai ly rượu vang đỏ và trắng nhưng thực chất chúng là một. Tuy nhiên, không một ai có thể phát hiện ra màu đỏ của rượu là màu thực phẩm và họ miêu tả hương vị ly rượu đỏ giống mùi vị của các loại vang đỏ khác.
Thế nhưng, con người vẫn có những cá biệt như những người “siêu nếm”. Họ là người có vị giác đặc biệt nhạy cảm với 4 vị cơ bản như đắng, ngọt, chua, mặn. Lưỡi của những người siêu nếm có nhiều gai hình nấm hơn, điều này cho phản ứng mạnh mẽ với các vị khác nhau.
Còn nếu phải đưa ra đáp án rằng mũi của con người có thể tối đa ngửi được bao nhiêu mùi, thì kết quả mà các nhà khoa học Mỹ đã kết luận là 1.000 tỷ mùi. Đó là nghiên cứu mới nhất và gây sốc nhất về khứu giác của con người.
Xúc giác: Theo các nhà khoa học, nghiên cứu về xúc giác phức tạp nhất, vì nó liên quan đến sự cảm nhận về áp lực, nhiệt độ, thậm chí cảm giác ngứa ngáy. Hầu hết những cảm giác và cơ chế hình thành đều chưa được nắm rõ, tuy nhiên các dây thần kinh dưới da được cho là nguyên nhân.