Một lính Mỹ đã được bác sĩ phát xít Đức cứu sống sau khi bị bắt làm tù binh chiến tranh. Cụ thể, binh nhì Bob Levine thuộc quân đội Mỹ đã đến Anh làm nhiệm vụ trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy vài ngày. Binh sĩ này đã tích cực tham gia kế hoạch cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử. Trong cuộc đổ bộ D-Day năm 1944, quân Đồng minh đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của phát xít Đức. Giao tranh dữ dội giữa hai bên kéo dài vài tuần.
Trong một cuộc giao tranh giữa quân đồng minh với phát xít Đức, binh nhì Levine trúng một quả lựu đạn của kẻ địch khi nó phát nổ gần vị trí chiến đấu của ông. Chân của binh nhì Levine bị thương nghiêm trọng do trúng lựu đạn. Sau đó, ông cùng nhiều lính Mỹ khác bị binh lính phát xít Đức bắt giữ.
|
Binh nhì Levine (ở giữa) ngồi tại một bệnh viện hồi Chiến tranh thế giới 2. |
Trên đường được đưa tới trại tù binh chiến tranh của Hitler, nhóm binh lính Đức dẫn giải binh sĩ Levine và nhiều tù binh khác trúng phải loạt đạn cối của quân đội Mỹ gần trại giam giữ tù binh chiến tranh. Vụ việc khiến nhiều binh lính tử vong. Mặc dù sống sót sau sự kiện đó nhưng chân của binh nhì Levine bị thương nghiêm trọng hơn và mất máu quá nhiều.
Điều tiếp theo binh nhì Levine nhớ khi đó là khuôn mặt của một bác sĩ Đức quốc xã kiểm tra vết thương của ông và biết rằng ông chắc chắn sẽ bị hành hình khi được dán nhãn H. Vào thời điểm đó, mỗi binh lính Mỹ theo những tôn giáo khác nhau được đánh dấu khác nhau: C dành cho người theo đạo Thiên chúa, P dành cho người đạo Tin lành và H dùng để chỉ người Do Thái.
Khi đó, binh nhì Levine bị thương nặng, rơi vào tay phát xít Đức cộng thêm là người Do Thái nên binh sĩ Mỹ nhận thấy rằng số phận của ông không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã xảy ra. Bác sĩ Đức quốc xã Edgar Woll đã điều trị vết thương cho binh nhì Levine.
Ngày 11/7/1944, khi binh nhì Levine tỉnh dậy sau khi bất tỉnh một thời gian, ông phát hiện ra rằng chân của ông đã được bác sĩ cắt bỏ. Binh lính Mỹ này cũng phát hiện nhãn H gắn trên người ông không còn. Thay vào đó, binh nhì Levine phát hiện có một mẩu giấy nhỏ nhét vào túi của ông. Vị bác sĩ Đức quốc xã đã viết lời nhắn cho ông Levine vào mặt sau tấm thẻ tuyên truyền của Đức Quốc xã có hình chữ thập ngoặc. Tuy nhiên, binh nhì Levine không hiểu nội dung lời nhắn đó vì nó được viết bằng tiếng Đức.
Sau đó, binh nhì Levine được đưa đến trại tù binh chiến tranh của phát xít Đức và ở đó cho đến khi quân đội Mỹ giải phóng nơi này. Cuối cùng, ông trở về quê nhà.
Thực tế, bác sĩ phát xít Đức đã bỏ nhãn H gắn trên người binh nhì Levine, nhờ vậy đã cứu sống một lính Mỹ. Sau này, ông mới hiểu được thông điệp mà bác sĩ phát xít Đức viết trên tấm thẻ ghi về lý do cắt bỏ chân và chi tiết cuộc phẫu thuật để binh nhì Levine nắm được. Nếu không có bác sĩ Đức quốc xã Edgar Woll thì có lẽ binh nhì Levine đã chết vì vết thương trên chiến trường hoặc tử vong do bị xử tử vì là người Do Thái hoặc vắt kiệt sức khi bị giam cầm trong các tù binh chiến tranh của Đức.
Năm 1981, binh nhì Levine đã trở lại Normandy để tìm gặp bác sĩ phát xít Đức đã cứu mạng mình năm xưa và gửi lời cảm ơn đến người này. Tuy nhiên, vị bác sĩ phát xít Đức ấy đã qua đời năm 1954.