Huyền quan táng hay còn gọi là tục treo quan tài trên vách núi cheo leo, được xem là cách mai táng tương đối đặc biệt từ thời cổ đại. Những áo quan lạ lùng này chủ yếu phân bố tại các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Phúc Kiến…của Trung Quốc.
Có ba cách treo quan tài phổ biến. Một là dùng cọc gỗ. Tận dụng những khe kín gió trên vách núi dựng đứng, họ đục lỗ rồi cắm cọc làm giá đỡ quan tài. Hai là đục vách núi. Sau khi cất công đục vách núi thành hang động, người ta đặt quan tài vào trong. Ba là để quan tài trong hang động tự nhiên. Người dân sẽ tận dụng những khe hổng tự nhiên trên vách núi hoặc các hang động làm nơi yên giấc ngàn thu cho người quá cố.
|
Những quan tài gỗ trên vách núi cheo leo.
|
Hiện nay, những chiếc huyền quan được táng theo hai cách đầu tập trung chủ yếu tại huyện Cũng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với hơn 250 chiếc "hiện diện" trên vách núi. Riêng những quan tài gỗ được đặt trong hang động tự nhiên tập trung nhiều tại thôn Đào Hoa của huyện Bình Bá và gần sông Cách Đột, huyện Tử Vân, thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu. Có nơi còn lưu giữ hơn 600 chiếc trong các hang động. Huyền quan thường treo trên vách núi dựng đứng, cách mặt đất từ 26 – 50 mét, thậm chí cao hơn 100 mét. Những quan tài treo gần bờ sông Cách Đột (Getu) gồm hai loại: dùng cọc gỗ và để trong hang động tự nhiên.
|
Những huyền quan này vẫn là dấu hỏi lớn với giới khoa học Trung Quốc. |
Trưởng phòng Du lịch huyện Tử Vân, tỉnh Quý Châu, ông Dịch Hoa đã dành nhiều năm nghiên cứu về những chiếc quan tài bí ẩn này tại khu vực sông Cách Đột (Getu). Theo ông Dịch, cho tới 10 năm về trước, người tộc Miêu vẫn duy trì tập tục mai táng kỳ bí này bằng cách đục vách núi treo quan tài. Riêng hình thức thứ ba, tức để huyền quan trong hang động tự nhiên hiện vẫn lưu giữ.
|
Quan tài treo trong hang động.
|
Tại vùng đất xa xôi khép kín bên sông Cách Đột (Getu), nơi người Miêu tập trung sinh sống, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc quan tài treo kỳ bí xuất hiện ở nhiều nơi. Vào năm 1988, trên vách núi bên phải của một hang động cao hơn 100 m, rộng hơn 40 m đoạn trung lưu sông Cách Đột (Getu) có tới 240 chiếc quan tài bằng gỗ. Theo ông Dịch Hoa, khi khảo sát quan tài treo ở vùng này, ông được một người già thuộc tộc Miêu tiết lộ, một xác chết trong quan tài treo là tổ tiên của họ. Người quá cố này đã mất hơn 80 năm nay. Hiện tại, họ không còn mai táng người chết theo cách thức này. Trong khi đó, người Miêu tại thôn Đào Hoa, huyện Bình Bá, thành phố An Thuận tới nay vẫn để huyền quan trong hang động tự nhiên.
Từ thời xa xưa, vì bại trận khi giao chiến, tổ tiên của người Miêu đã phải rời bỏ vùng trung, hạ lưu sông Trường Giang tới khu vực sông Cách Đột (Getu), Tử Vân, tỉnh Quý Châu để sinh sống.
Tuy hiện nay, người Miêu ở đây không còn duy trì tục lệ treo quan tài, nhưng trong tang lễ vẫn có một nghi thức cúng tế vô cùng thú vị và long trọng. Nhà nào có tang, sẽ phải giết một con “chiến mã” khỏe mạnh, tinh nhanh để hiến tặng cho người chết. Con ngựa này phải có bốn phụ kiện đi kèm: một là yên ngựa, hai là chiến đao, ba là cung tên, bốn là nón.
Người Miêu luôn quan niệm, nguyên nhân khiến họ thất bại khi giao chiến là do tuấn mã chạy quá chậm. Vì vậy, họ trút mọi giận hờn lên ngựa. Đó cũng là lý do khiến họ giết “chiến mã” để tế người chết mỗi khi gặp chuyện tang tóc trong nhà.
Vì sao người Miêu có tục mai táng lạ lùng này? Có câu: “Lá rụng về cội”. Người Miêu luôn cho rằng, sẽ có ngày, họ trở về đất tổ, trở về mảnh đất nguồn cội của mình tại Trường Giang. Vì thế, khi ông cha họ qua đời, những thế hệ con cháu đã không chôn quan tài dưới đất, mà treo trên vách núi, hang động, vừa là để tránh kẻ thù phá hoại, vừa ngăn dã thú tấn công và bảo quản thi thể lâu bền. Tựu chung lại, treo quan tài cốt đợi ngày hồi hương là mục đích lớn nhất của tộc người Miêu, Trung Quốc.
Được biết, cách đặt quan tài trong hang động tự nhiên không quá khó khăn. Dù treo trên cao, nhưng chỉ cần có đường đi là nghi thức mai táng lạ lùng này sẽ “đầu xuôi đuôi lọt”. Riêng phương thức cắm cọc gỗ và đục vách núi treo quan tài lại đòi hỏi kỹ thuật tài tình của người Miêu. Một cỗ quan tài nặng vài chục kg, treo vững chãi trên vách núi cách mặt đất chừng 50, 60 mét, hoặc hơn 100 mét. Thậm chí, có những chiếc quan tài được treo trên vách núi có độ dốc trên dưới 90 độ.
Những huyền quan được táng theo hai hình thức này đa phần ở nơi nước chảy siết và trên những vách đá hiểm yếu khó leo. Chưa nói tới chuyện vác quan tài trên vai, ngay cả tay không leo lên những vách đá dựng đứng ấy cũng là điều không tưởng…
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU