Khám phá phố quan tài giữa đất Hà thành

Google News

(Kiến Thức) - Phố Lò Sũ (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) trước đây thường được người dân gọi là phố quan tài. Gọi vậy bởi nơi đây từng rất nổi tiếng với việc đóng và bán quan tài.

Hà Nội nổi tiếng với nhiều con phố độc đáo. Mỗi con phố đều có những đặc trưng riêng. Phố Lò Sũ (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) trước đây thường được người dân gọi là phố quan tài. Gọi vậy bởi nơi đây từng rất nổi tiếng với việc đóng và bán quan tài. Xưa kia phố có ngôi đình thờ tổ nghề mộc và rèn, nhưng sau đó đã bị phá đi để làm trụ sở phường Lý Thái Tổ.

Gỗ quan tài đóng cổng chào mừng giải phóng


Cụ Đàm Văn Nhuận, 87 tuổi ở phố Lò Sũ cho biết: "Ngày xưa khu phố này vắng lắm, xộc xệch. Chỉ mấy nhà địa chủ có nhà cao cửa rộng, còn toàn làm nhà cửa tạm bợ. Sau giải phóng, những gia đình địa chủ bị tịch thu nhà cửa, chỉ để lại một phần cho họ đủ để ở. Tôi được nghe bố tôi kể, ngày đó đóng quan tài là nghề kiếm sống của người dân trong phố. Trước đây tôi làm nghề lái tàu điện, đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào nhiều người làm nghề đóng quan tài như phố tôi. Ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, những gia đình trong phố lấy gỗ đóng quan tài để làm cổng chào ăn mừng".

Theo cụ Nhuận cũng không biết nghề đóng quan tài của phố Lò Sũ có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể có hàng trăm năm trước. Xưa kia phố Lò Sũ gần bờ đê sông Hồng, tàu bè đi lại thuận lợi vận chuyển gỗ từ nơi khác đến. Tạo điều kiện cho người dân nơi đây đóng quan tài để bán.

Lò Sũ nổi tiếng với những cỗ quan tài đẹp, rẻ nên mỗi khi gia đình nào có việc hiếu họ lại đến mua. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà sau khi giải phóng Thủ đô một thời gian, phố Lò Sũ thưa dần người làm nghề đóng quan tài. Cả khu phố chỉ còn hai gia đình làm nghề. Sau này họ chuyển về phố Đồng Nhân gần khu vực chợ trời để làm nghề.

Phố quan tài giờ là "phố" khách sạn. 

Phá đình bị điên?

Chúng tôi đi khắp khu phố, gặp các cụ cao tuổi còn sống để hỏi về nghề đóng quan tài. Cụ bà Nguyễn Thị Văn năm nay 93 tuổi cho biết: "Xưa kia phố chúng tôi nổi tiếng về nghề đóng và bán quan tài. Phố có cả đình thờ ông tổ nghề mộc làm quan tài, nhưng đã bị phá dỡ từ lâu rồi. Tất cả giờ chỉ còn trong hoài niệm mà thôi".

Ngày nhỏ cụ Nhuận thường đến chơi ở ngôi đình này, trước ngôi đình có hai pho tượng ông Thiện, ông Ác được làm bằng đất rất đẹp. Trẻ con trong vùng mỗi khi đi qua đều ngắm nhìn, sờ vào tượng. Điện bên trong đình có kiến trúc cổ rất đẹp.

Nói về ngôi đình, cụ Nhuận thở dài tiếc nuối: "Khoảng năm 1979, 1980 chính quyền quyết định phá đình làm trụ sở phường. Ngôi đình sừng sững, lung linh chỉ vài ngày đã thành đống đổ nát. Nhưng ngôi đình linh thiêng lắm, khi mới phá xong, những người thợ làm lều ngủ lại, nhưng không tài nào ngủ được. Cứ thiu thiu ngủ lại giật mình tỉnh giấc. Những người ra lệnh phá đình sau này gặp nhiều chuyện tai ương. Có người đi đường bị gãy tay, gãy chân. Đặc biệt người đứng đầu ra lệnh phá đình sau này bị điên, hằng ngày vác bị đi khắp phố ăn xin". 

Cụ Nhuận: Đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào nhiều người làm nghề
đóng quan tài như phố tôi. 

Nói về những người phá đình bị "quả báo" chính bà Trần Thị Tố Nga, Phó Chủ tịch Phường Lý Thái Tổ cũng xác nhận: "Tôi cũng biết chuyện người ra lệnh phá đình Lò Sũ, sau này đi hành khất khắp nơi mà không biết tại sao. Giờ bác ấy mất rồi".

Khi tìm hiểu viết bài này, tôi tình cờ gặp một người Pháp gốc Việt về phố Lò Sũ hỏi thăm ngôi đình. Trên tay người đàn ông đó cầm một cuốn gia phả nói rằng ngôi đình Lò Sũ có liên quan đến dòng tộc của mình. Lần này anh ta về quê mang theo ước nguyện sẽ tu sửa ngôi đình. Nhưng khi biết ngôi đình đã không còn nữa, anh ta rất thất vọng.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Đại Cát

Bình luận(0)