Hồ Natron là một trong những hồ nước thanh bình nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, đây cũng là nơi sản sinh ra một loạt hình ảnh giống như ảo ảnh nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Đó là những bức ảnh chụp những động vật còn sống nhanh chóng hóa đá sau khi sà xuống hồ nước.
Chính vì hiện tượng ma quái, kỳ lạ đó, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra độ kiềm trong nước hồ Natron. Kết quả cho thấy, hồ nước này có nồng độ pH rất cao, lên đến 10,5. Nồng độ pH này tương đương với độ kiềm của amoniac. Đây là môi trường chết chóc đối với động vật bởi lẽ nó có thể đốt cháy da và mắt của động vật nếu chẳng may tiếp xúc với nguồn nước tại đây. Độ kiềm của nước hồ Natron có hàm lượng cao như vậy là do chất natri cacbonat và các khoáng sản khác từ các ngọn đồi xung quanh thấm vào nguồn nước các con sông rồi đổ về hồ. Chất natri cacbonat từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng trong thuật ướp xác. Đây là một nguyên liệu tuyệt vời dùng để làm chất bảo quản xác những con động vật không may bị chết trong hồ Natron.
|
Bức ảnh chụp chú chim hồng hạc bị hóa đá khi bơi ở hồ Natron của nhiếp ảnh gia Brandt.
|
Mặt nước hồ Natron còn mang một màu đỏ tươi như máu, vô cùng tĩnh lặng, phản chiếu mọi cảnh vật khiến cho quang cảnh trở nên rất ấn tượng nhưng cũng mang một vẻ ma mị, ám ảnh con người. Nguyên nhân của màu nước đặc biệt này là do một loại vi khuẩn phát triển rất mạnh dưới đáy hồ.
Một số báo cáo cho hay, bên cạnh nhiều loài động vật bị hóa đá và chết sau khi tiếp xúc với nước hồ thì đây còn là môi trường sống lý tưởng của một số loài khác. Trên thực tế, độ kiềm lớn của hồ Natron vẫn là nơi ở của những động vật sống vùng đầm lầy ngập mặn như chim hồng hạc, cá rô phi, tảo...
Chính cảnh tượng kỳ bí, ma quái ở hồ Natron đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiếp ảnh gia Nick Brandt thực hiện bộ sưu tập hình ảnh toát lên vẻ ám ảnh của hồ nước cũng như những xác chết của động vật hóa đá. Ông Brandt đã giới thiệu những bức ảnh đặc biệt đó trong cuốn sách có tựa đề "Across the Ravaged Land" (tạm dịch là "Qua vùng đất bị tàn phá").
Nhiếp ảnh gia Brandt đã nhìn thấy những chú chim hồng hạc và các động vật khác với bụi phấn natri cacbonat phủ khắp cơ thể sau khi bị hóa đá.
"Tôi rất bất ngờ khi phát hiện những sinh vật bị hóa đá nằm ngổn ngang bên hồ bao gồm các loài chim và dơi. Không ai biết chắc chắn, chính xác những động vật đó chết như thế nào. Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng nước hồ Natron có nồng độ natri cacbonat và hàm lượng muối quá cao. Nó có thể khiến các cuộn phim Kodak của tôi “chết” trong vòng vài giây”, ông Brandt đã viết trong cuốn sách Qua vùng đất bị tàn phá.
Ông đã lựa chọn những "xác ướp" nguyên vẹn và sinh động nhất rồi sắp xếp chúng theo những tư thế như khi còn sống. Từ đó, nhiếp ảnh gia này tạo nên những bức tượng kỳ lạ, vô cùng ấn tượng.
Trong mùa sinh sản, ít nhất hơn 2 triệu con chim hồng hạc ở châu Phi sử dụng các hồ nước khá nông để làm nơi sinh sản chính. Tổ của chúng được xây dựng trên hòn đảo nhỏ được hình thành ngay trong lòng hồ vào mùa khô.
Loài chim hồng hạc rất phát triển trong môi trường ở đây. Chúng tìm ăn các loại vi khuẩn trong lòng hồ nhờ đôi chân dài và vỏ sừng dày. Tuy nhiên, việc kiếm ăn và làm tổ của chúng ở hồ nước có độ pH cao như vậy là một canh bạc mạo hiểm, có thể phải đánh đổi cả mạng sống.
Hồ Natron nằm trong thung lũng Rift. Đây là một khu vực hoang vắng nằm ở phía Bắc đất nước Tanzania, châu Phi. Đồng thời, đây cũng là địa điểm nổi tiếng vì là nơi cư trú của một số loài cò và hạc cực hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Thêm vào đó, hồ Natron và Bahi là hai hồ nước kiềm ở khu vực Đông Phi. Cả hai hồ đều không có hệ thống thoát nước ra sông hay biển. Nguồn nước của hai hồ đến từ những suối nước nóng và các con sông nhỏ. Khi bước vào mùa cạn, nhiệt độ hồ nước tăng cao, có thể lên đến 106 độ F (41 độ C). Do đó, đây thực sự là môi trường sống khắc nghiệt đối với nhiều loài động vật.