Nhắc đến Trương Tam Phong hậu thế thường nghĩ đến người đã sáng lập ra Võ Đang phái, một võ phái cùng với Thiếu Lâm được coi như Bắc Đẩu của võ học Trung Hoa. Ông cũng là người sáng tạo ra Thái cực quyền và Thái cực kiếm còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo. Tương truyền ông sinh năm 1247 tại Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây vào thời Nguyên mạt. Theo truyền thuyết thì ông là người có dung mạo đẹp đẽ, mắt sáng, tai to, râu hùm, dáng đi như hạc.
Ông đã từng thi đỗ Mậu Tài và làm quan ở Trung Sơn và Bác Lăng, tuy nhiên sau đó ông từ quan rồi đi chu du thiên hạ. Ông cũng đã từng nghiên cứu võ học tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự trên dưới 10 năm. Sau này, khi đi ngang qua núi Võ Đang, ông thấy phong cảnh vô cùng thanh nhã nên đã lập am cỏ và tu luyện ở đây.
|
Tượng Trương Tam Phong trên Võ Đang sơn. |
Với tâm ý muốn tạo ra một trường phái võ đối lập với đường lối luyện võ mang tính dương cương của Thiếu Lâm, Trương Tam Phong đã sáng tạo ra Thái cực quyền với tính chất âm nhu rõ rệt. Ông cũng là người phát triển các cách điểm huyệt dựa vào kiến thức về hệ kinh lạc và huyệt vị của hai danh y thời cổ đại là Biển Thước và Hoa Đà.
Đạo giáo bắt đầu từ đời Kim và Nguyên, dần dần chia ra làm hai nhánh lớn là Chính Nhất giáo và Toàn Chân giáo, một ở phương Nam, một ở phương Bắc, lấy vùng Nam Bắc sông Giang - sông Hoài làm ranh giới. Chính Nhất giáo là tên gọi tắt các phái sùng bái quỷ thần, vẽ bùa niệm chú, đuổi ma trừ tà; còn Toàn Chân giáo chú trọng vào đạo đức và tu dưỡng hành công. Võ Đang phái sau đó đã thành một phái võ danh trấn võ lâm, sánh ngang với Thiếu Lâm.
"Thái cực Quyền kinh" và "Thái cực Kiếm pháp" đã trở thành bảo vật của Võ Đang phái. Cũng bởi tính âm nhu mềm mại và dễ tập nên Thái cực quyền và Thái cực kiếm pháp giờ đã được phổ biến rộng rãi và có hàng triệu người đang ngày ngày luyện môn võ này
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương rất hâm mộ ông, sai người đi tìm nhưng không gặp bởi ông thường chu du vào núi sâu tìm thuốc luyện đan theo thuyết trường sinh. Sau này Minh Thành Tổ Chu Đệ cũng đã nhiều lần sai người đi tìm nhưng đều không gặp.
Tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1404), Minh Thành Tổ Chu Đệ gửi cho Trương Tam Phong bức thư: “Hoàng Đế kính dâng thư lên chân tiên Trương Tam Phong: Trẫm ngưỡng mộ chân tiên đã lâu, mong cầu được thân đón bậc nghi phàm, từng sai sứ bầy hương án viết thi đi tìm hết danh sơn để mời đón. Tài chất của Trẫm kém cỏi, đức hạnh mỏng manh, mà chỉ có lòng chí thành mong gặp, suốt đêm ngày không quên. Lại kính cẩn sai sứ dâng thư cẩn mời, mong chờ xe mây giá lâm để thỏa lòng kính mộ mong mỏi của Trẫm”. Sau này Minh Thành tổ Chu Đệ phong cho Trương Tam Phong là “Lão Sư”, “chân tiên”. Trương Tam Phong rất được người đời tôn sùng. Trước tượng của Trương Tam Phong ở Chân Tiên điện trên Võ Đang sơn, viên gạch xanh ở dưới đất bị lõm sâu xuống bởi người ta dập đầu bái lạy.
Sinh hoạt vật chất của Trương Tam Phong thấp đến tột cùng, một năm bốn mùa ông chỉ có một áo nạp, một nón mê, mặc không đủ ấm, ăn không đủ no, bẩn thỉu như một "tiên sinh ăn mày". Trong con mắt người đời, Trương như vậy là khổ lắm, nhưng trong lòng ông cảm thấy vô cùng khoái hoạt, vô cùng tự tại, và nhờ vậy vô cùng trường thọ!. Trương Tam Phong chủ trương cuộc đời là sống theo ý thích của mình, không bị câu thúc bởi bất kỳ cái gì.
Võ Đang phái của Trương Tam Phong có nhiều điểm khác biệt. Một là thờ bái Chân Võ Đại Đế là tổ sư. Hai là coi trọng tu luyện "nội đan". Phái Võ Đang thuộc phái thanh tu, coi trọng tu luyện nội đan, đối lập với "ngoại đan". Ngoại đan là điều chế dược thảo bằng lô đỉnh để chế tạo thành thuốc "trường sinh bất tử" (tức kim đan). Sau các đạo sỹ dùng phương thuật ấy phát triển thêm, đem thân thể chính mình ra làm "lô đỉnh" (lò nấu), dùng thể chất "tinh" và "khí" của mình làm dược liệu, họ gọi là khiến cho "tinh, khí, thần" ngưng tụ kết thành "Thánh Thai", đó gọi là "Nội đan". Ba là tập luyện kỹ thuật Nội Gia quyền của Võ Đang. Bốn là chủ trương tam giáo hợp nhất.
Cũng giống như Thiếu Lâm quyền, Nội gia quyền Võ Đang không truyền cho người ngoài môn phái, đến nay truyền thống ấy vẫn còn. Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập, sau này dần dần được sát nhập vào Toàn Chân giáo, người đời sau thu thập các tác phẩm của ông thành bộ "Trương Tam Phong toàn tập".
Trên thực tế, Thái cực quyền cũng có một lịch sử phát triển khá phức tạp. Tương truyền ông sáng tạo ra Thái cực quyền khi nhìn thấy một con rắn đánh nhau với chim đại bàng. Con rắn với những động tác uyển chuyển đầy linh hoạt sau đó đã cắn chết chim đại bàng. Chính vậy nên Thái cực quyền là tập hợp của những đòn thế gồm hàng loạt những động tác võ thuậtuyển chuyển như múa.
Cái tên Thái cực quyền được bao gồm bởi chữ Thái (lớn lao) và Cực (trạng thái ban sơ). Thái cực là nhân tố đầu tiên Kinh Dịch đề cập đến (Thái cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái…). Thái cực đồ sau này được Chu Đôn Di vẽ ra đã cho thấy một quan niệm "trong Âm có Dương, trong Dương có Âm" của Thái cực.
Cũng ảnh hưởng từ Thái cực đồ (hình tròn) mà những động tác của Thái cực quyền đều đi theo đường tròn và trong đó có cả động-tĩnh, hư-thực, cương-nhu… Bởi mang tính chất của đạo Lão nên Thái cực quyền mang một tư tưởng Vô vi rất cao.