Rất nhiều người Mỹ cho rằng, Trayvon Martin bị bắn chết chỉ vì em là người gốc Phi và điều đó có nghĩa là hàng triệu người gốc Phi khác đều có thể bị tấn công và bắn chết bất kỳ lúc nào. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra yêu cầu nhà chức trách Mỹ bắt giữ kẻ giết người. Nhưng sau thời gian dài xem xét, bồi thẩm đoàn hôm 13/7 vừa qua đã phán quyết trả tự do cho kẻ đã giết Martin với lý do anh ta đã bắn Martin là để "tự vệ" .
Hai lưỡi dao trong đạo luật “Hãy tự vệ”
Đêm 26/2/2013, Trayvon Martin ra khỏi nhà để mua một chai trà lạnh và kẹo tại hiệu tạp hóa ở góc phố. Chàng thanh niên học giỏi và ham thích thể thao này định sẽ quay về nhà để xem trận bóng rổ như anh nói với cô bạn gái qua điện thoại. Nhưng khi anh đi trong khu Twin Lakes, nơi anh sống cùng cha mẹ, chiếc mũ trùm đầu được kéo lên vì trời bắt đầu đổ mưa, Trayvon nhận thấy người “có nhiệm vụ gìn giữ” đang đuổi theo anh.
Người này là George Zimmerman, 28 tuổi, con của một quân nhân da trắng và một phụ nữ Peru, tự cho mình là người “có nhiệm vụ gìn giữ” an ninh trong khu vực thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp. Sở thích làm cảnh sát của anh ta đã rõ ràng: trong 14 tháng, anh đã gọi điện cho 911 (giống như 113 ở Việt Nam) đến 46 lần thông báo về các cửa sổ để mở và những kẻ "tình nghi".
Ngày 26/2 đó, anh ta cũng đã gọi 911 và thông báo về Trayvon, cho rằng "có điều gì đó không ổn" rồi nói thêm rằng, "bọn khốn kiếp đó luôn luôn thoát được". "Ông không cần quan tâm đến chuyện đó" - nhân viên trực nói. Nhưng Zimmerman vẫn tiếp tục cuộc "theo dõi".
Lúc 19h12', Trayvon Martin nói với cô bạn gái: "Có một gã cứ đi theo anh". Cô ta bảo anh nên chạy đi nhưng anh không chịu nghe theo. "Tại sao ông theo dõi tôi?" - cô ta nghe anh nói và một giọng đàn ông đáp lại: "Mày làm gì trong khu này?". Sau đó là những tiếng la hét, và đến 19 giờ 16 phút điện thoại bị ngắt.
Cô gái hoảng sợ gọi lại nhưng điện thoại chỉ reo mà không có trả lời. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ nhìn thấy Trayvon nằm chết trên vỉa hè và Zimmerman đứng bên cạnh. Anh ta khẳng định, mình đã bắn để tự vệ đúng theo luật "Stand your ground" (Hãy tự vệ) được ban hành năm 2005 bao gồm cả những hành vi xâm phạm tư gia. Tin lời anh ta nên cảnh sát không bắt giữ mà để cho Zimmerman đi khỏi cùng với khẩu súng. Các cảnh sát này lại lập tức xét nghiệm tìm ma túy hay rượu trên thi thể của chàng trai bị bắn.
|
Thi thể của Trayvon Martin. |
Sau nhiều tháng giận dữ câm lặng, những ngày gần đây, bi kịch đó đã nung nóng bang Florida và cả nước Mỹ, nhiều cuộc biểu tình diễn ra quy tụ hàng ngàn người mặc áo lạnh có mũ trùm đầu đòi hỏi "công lý cho Trayvon". Một triệu chữ ký đã được gom góp để yêu cầu bắt giữ thủ phạm, viên cảnh sát trưởng địa phương Bill Lee phải từ chức để làm dịu lòng cộng đồng người da đen đã chỉ trích cuộc điều tra có định kiến. Bộ Tư pháp, ngài biện lý quận và Cơ quan FBI đã mở cuộc điều tra riêng biệt. Một bồi thẩm đoàn đã được thành lập vào ngày 10/4 để xem xét liệu đã đủ chứng cứ để truy tố Zimmerman không.
Ngày 22/3, Tổng thống Obama, vốn không thích lên tiếng về những vụ việc có âm hưởng kỳ thị chủng tộc, đã tuyên bố: "Nếu tôi có một người con trai, nó sẽ giống như Trayvon. Tôi không thể tưởng tượng được cha mẹ của cậu ấy phải trải qua những gì. Chúng ta cần phải điều tra về mọi khía cạnh của vụ việc, phải tự vấn lương tâm để hiểu vì sao một việc như thế có thể xảy ra. Điều này có nghĩa là phải xem xét các đạo luật và bối cảnh".
Bối cảnh ở đây gợi nhắc đến bóng ma kỳ thị chủng tộc, một chủ đề luôn chia rẽ xã hội Mỹ như một vết thương khó lành, bất chấp những tiến bộ trong các thập niên qua. Trong những cuộc biểu tình, người dân Mỹ gốc Phi nhắc đến hồi ức của thời xa xưa, lúc mà việc treo cổ người da đen còn được chấp nhận tại các bang miền Nam và sự can thiệp của cảnh sát liên bang bị xem như là một sự vi phạm không thể tha thứ. Trên tờ Irish Times, nữ phóng viên Lara Marlowe thắc mắc: "Nếu Trayvon là người da trắng thì có bị giết không? Hay nếu Zimmerman là người da đen thì có bị bắt không?".
Một chủ đề gây tranh cãi khác là đạo luật "Stand your ground", luật này đưa ra một quyền tự do đáng sợ cho bất kể người nào có vũ khí được bắn vào một người khác nếu cảm thấy "đang gặp nguy hiểm". Đạo luật này dựa vào niềm tin đã ăn sâu tại Mỹ, theo đó một công dân có thể tự bảo vệ chính mình. Số vụ giết người "được bênh vực" đã tăng gấp 3 lần tại bang Florida sau khi đạo luật được ban hành. Những kẻ chống lại đạo luật nói đến quyền "bắn trước, thắc mắc sau".
Tối 10/4, bà biện lý Angela Corey đã ra quyết định truy tố Zimmerman về tội danh giết người không dự mưu. Tin này là một chiến thắng đối với gia đình Trayvon, họ đã đấu tranh suốt nhiều tuần để đòi hỏi điều này. Và cũng sẽ trấn an cộng đồng da đen vì họ cho đó là một trắc nghiệm quan trọng đối với hệ thống tư pháp và cảnh sát mà họ tố giác là có định kiến, kỳ thị.
Gia đình nạn nhân đã bày tỏ: "Chúng tôi muốn cám ơn Thượng đế. Chúng tôi chỉ muốn có một sự bắt giữ, không hơn không kém. Và chúng tôi đã có” - bà mẹ Sybrina Fulton tuyên bố trong cuộc họp báo tại Washington cùng với các luật sư của gia đình.
Ông bố Tracy Martin nói với giới báo chí: "Chúng tôi tiếp tục đoàn kết trong vụ việc này, người da đen, da trắng và gốc Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến bước và tiến bước cho đến khi một quyết định đúng đắn được đưa ra". Ông muốn nhắc đến rất nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức để tưởng nhớ Trayvon Martin.
Kẻ thực thi công lý quá nhiệt tình
Quyết định gây chấn động đó ban ra trong khi Zimmerman đang có những dấu hiệu lo sợ. Từ sau ngày 26/2, người anh Robert Junior và ông bố Robert đã mô tả với báo chí về một thanh niên không hề quan tâm đến bất kỳ lý tưởng kỳ thị nào.
Trong bức thư gửi cho giới truyền thông ở Florida, ông bố kể rằng, con trai ông "gốc Tây Ban Nha và đã trưởng thành trong một gia đình đa sắc tộc, và sẽ khó phạm tội do kỳ thị". Trả lời phỏng vấn của Đài CNN, người anh Robert Jr. kể rằng Zimmerman "đã bị Trayvon tấn công".
|
George Zimmerman với vết thương ở đầu. |
George Zimmerman có phải là một tên sát nhân kỳ thị sắc tộc, tin rằng một gã da đen trùm đầu hẳn phải có ý đồ xấu không? Hay là một kẻ thực thi công lý quá nhiệt tình, thích đóng vai cảnh sát với khẩu Kel-Tec, theo dõi Trayvon trong khi nhân viên trực ở 911 đã khuyên anh không cần làm thế? Hay là nạn nhân của một vụ xô xát mà anh không còn sự lựa chọn nào khác là nổ súng để bảo vệ chính mình? Đó là lời khai của anh ta với cảnh sát.
Trong cuộc sống của Zimmerman, có một điều chắc chắn là anh ta đã trưởng thành với ý thức mạnh mẽ về bổn phận và điều tốt điều xấu. Cha là quan tòa, mẹ là thừa phát lại, và Zimmerman muốn trở thành quan tòa hoặc cảnh sát. Anh ta làm việc cho một công ty bảo an và khi những vụ trộm cắp diễn ra thường xuyên trong khu phố, nghiễm nhiên anh ta trở thành "bảo vệ" nhưng vẫn biết rằng mình không có quyền sử dụng súng. Nhiều nhân chứng khai rằng, anh ta sống thoải mái trong một môi trường đa văn hóa, sẵn sàng giúp đỡ cho một người láng giềng bị tự kỷ, những đứa trẻ trong khu phố bị bạn bè chế nhạo.
Tuy nhiên, anh ta lại có vấn đề về hành vi. Đã kết hôn với một nữ sinh viên sắp trở thành điều dưỡng, trong quá khứ, anh ta từng xung đột với một cô bạn gái cũ và bị bắt vào năm 2005 về tội tấn công một cảnh sát. Dường như Zimmerman rất kiên định trong việc bảo vệ lý tưởng của mình. Anh ta đã lập một trang trên mạng và than vãn rằng mình là nạn nhân của giới truyền thông. Các luật sư kể rằng, anh ta bị stress hậu thương tổn. "Do giới truyền thông nói quá nhiều về vụ việc, tôi buộc phải rời khỏi nhà, gia đình, trường học, công việc làm và cuộc sống trước đây" - Zimmerman viết.
Trên nền quốc kỳ Mỹ, anh ta nhắc đến những triết lý và yêu cầu công chúng ủng hộ, kể cả về tài chính, cho việc biện hộ. Nhưng trong một đất nước rất mê thích những phiên tòa gây đình đám, cơ hội để đại diện cho Zimmerman trước tòa là hứa hẹn vinh quang trước truyền hình. Chính Mark O'Mara, một luật sư nhiều kinh nghiệm ở Florida và là bình luận viên pháp luật cho đài truyền hình địa phương, giờ đây sẽ là luật sư của anh.
Phiên tòa xử Zimmerman diễn ra trong những ngày đầu tháng 7, được Đài CNN truyền trực tiếp. Bên công tố cho rằng, đây là một trường hợp rõ ràng giữa một người da đen không có vũ khí và một bảo vệ da trắng quá nhiệt tình đã tấn công anh ta do... màu da. Nhưng càng kéo dài, phía biện hộ có vẻ thắng thế. Chuyên gia pháp y Vincent DiMayo cho rằng, các vết thương trên đầu Zimmerman đã xác nhận lời khai của anh ta.
"Rõ ràng là mũi của bị cáo đã bị gãy và anh bị đánh vào đầu" - DiMayo khẳng định và nói thêm rằng, đường đạn cho thấy Trayvon đã bị bắn khi đang nằm dài trên người Zimmerman, còn anh này đang nằm dưới đất.
Cuối cùng, sau 16 giờ thảo luận, bồi thẩm đoàn đã theo ý kiến của bên biện hộ cho rằng Zimmerman đã nổ súng trong tình trạng tự vệ - một khái niệm được luật pháp Florida bênh vực. "Vô tội!". George Zimmerman bình thản nghe phán quyết của 6 vị bồi thẩm ngày 13/7. Đa số các luật sư khi được hỏi ý kiến đã cho rằng, họ không ngạc nhiên về phán quyết này. Phía công tố đã không chứng minh được rằng Zimmerman đã không bắn Trayvon trong tình trạng tự vệ.
George Zimmerman rời khỏi tòa án trong khi những người biểu tình kêu gọi trả thù, thể hiện mức độ căng thẳng sắc tộc vẫn còn sâu sắc tại Mỹ. Phán quyết của tòa án đã tạo nên một làn sóng bất mãn trong khắp cả nước. Người anh Robert Zimmerman, tiếng nói của gia đình trong suốt thời gian vừa qua, đã cho rằng "cả gia đình chúng tôi rất nhẹ lòng, nhưng đây không phải là một ngày để ăn mừng vì vẫn còn đó một bi kịch, Trayvon Martin đã chết. Đây không phải là một án mạng, nhưng dù sao vẫn là một bi kịch".
Anh cũng kêu gọi mọi người nên "chấp nhận phán quyết của công lý vì chúng ta đang sống trong một đất nước luật pháp. George Zimmerman sẽ phải nhìn sau lưng suốt đời vì có rất nhiều người muốn thực thi công lý và giết nó. Hơn lúc nào hết, nó có lý do để lo sợ cho tính mạng của mình".
Nhiều nhà quan sát cho rằng, có quá nhiều yếu tố trong đêm định mệnh vẫn còn rất mơ hồ. Việc Zimmerman được tuyên vô tội không có nghĩa là anh ta không có tội, nhưng vì phía công tố không có đủ bằng chứng để chứng minh anh có tội.
Ngay sau khi tòa tuyên án, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại các thành phố lớn. Tổng thống Obama một lần nữa lên tiếng kêu gọi mọi người kiềm chế và chấp nhận phán quyết: "Chúng ta là một quốc gia có luật pháp và bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết", "Tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ tôn trọng lời kêu gọi bình tĩnh suy nghĩ của hai người làm cha mẹ đã mất đứa con của mình".
Tổ chức NAACP, tổ chức hành động nhân quyền lớn nhất tại Mỹ đã kêu gọi mọi người ký thư kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Eric Holder khởi tố vụ án dân sự với Zimmerman. Thư có đoạn: "Quyền dân sự cơ bản nhất - quyền được sống - đã bị xâm phạm trong đêm Zimmerman truy đuổi và cướp đi sinh mạng của Trayvon" và "Chúng tôi yêu cầu Bộ Tư pháp khởi tố vụ án dân sự với Zimmerman về sự xâm phạm quá mức này".
Chưa biết những hành động trên của những người biểu tình sẽ đưa vụ án đi đến đâu nhưng sự quan tâm của cộng đồng người Mỹ đối với vụ án này cho thấy, những nghi ngờ về nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn dai dẳng trong tâm trí người Mỹ, và một khi nhà chức trách Mỹ chưa trả lời thỏa đáng được các nghi ngờ này thì sự việc sẽ chưa có hồi kết thật sự.