Từ những cuộc “trò chuyện” của ông Dương Đình Thanh, thủ từ đền Trần, Tràng An, những bí ẩn linh vật ở Di sản Tràng An về cây thị quả vuông, tròn, huyền tích chim phượng, rắn có mào, những cây si nghìn năm tuổi ở Tràng An đã dần hé lộ.
|
Hang Bói hay còn gọi động Người Xưa xuất hiện rắn có mào. Ảnh: Đức Hoàng |
Hé lộ nguồn gốc cây si nghìn tuổi
Trên chiếc thuyền “lá tre”, sau 3 giờ len lỏi qua nhiều ngõ ngách sông nước của “Hạ Long” trên cạn, chúng tôi mới đến khu vực đền Trần. Những tưởng câu chuyện về những cây si có tuổi thọ trên 1.000 năm tuổi vươn rễ vươn lá cành ra 54 ha chỉ là… chuyện bịa, thế nhưng sự thật về cây si này đã dần được hé lộ sau các cuộc “trò chuyện” giữa ông Dương Đình Thanh, thủ từ đền Trần với… người tiền sử từ 30.000 năm trước.
Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Dương Đình Thanh cho biết ông sinh ra và lớn lên tại khu vực Tràng An, thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình nên không chuyện gì ông không biết. Thuở nhỏ ngày nào cũng đi chăn trâu mò cua mò ốc, nên ông thuộc nằm lòng mọi ngõ ngách, mọi vách đá hang động ở Tràng An. Đến năm 2002, ông chính thức nhận nhiệm vụ trông coi đền Trần.
Ông Thanh kể, hồi bé hay được nghe ông bà, bố mẹ kể về chuyện vua Đinh Tiên Hoàng thời niên thiếu thường cưỡi trâu giương cờ lau tập trận. Bây giờ, ông Thanh vẫn giữ cuốn sách “Ngọn cờ lau lịch sử” đã xuất bản từ ngót trăm năm nay và coi đó như một báu vật. Ông Thanh cho biết, cuốn sách hé lộ nhiều thông tin thú vị, quan trọng về Tràng An. Cứ mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại lùng sục từng ngõ ngách ở Tràng An để so sánh những địa điểm từ thực tế với mô tả trong sách vở. Ông cho biết, những giấc mơ trò chuyện với người tiền sử của ông rất khớp với thực tế.
Mỗi lần ông Thanh gặp một vật lạ trong khu vực Tràng An là y như rằng, đêm đó lại có những giấc mơ giao tiếp với những nhân vật lịch sử. Chính vì thế, ông Thanh tin rằng, vùng đất này chính xác là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh dựng nghiệp. Ông Thanh kể: Vào một ngày trung tuần tháng 8/2002, cũng là đêm đầu tiên ngủ tại đền Trần, tôi “chứng kiến” một trận binh đao kinh hoàng, những tiếng kêu ai oán văng vẳng bên tai, nhưng giật mình tỉnh giấc thì chẳng thấy một ai. Điều khiến ông Thanh bất ngờ là cả một đám lau sậy bị đổ nát, nhưng nhiều ngày truy tìm vẫn không thấy một con vật nào to lớn có khả năng quật đổ một đám lau, sậy rộng lớn như thế.
Xâu chuỗi lại câu chuyện các cụ kể khi xưa, ông Thanh thấy khá trùng khớp với chuyện ghi trong lịch sử: Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lấy lau làm cờ, lấy trâu làm ngựa, thu nạp binh sĩ tập trận tại khu Tràng An.
Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng Tràng An để cầm cự khi Lê Hoàn chiếm ngôi nhà Đinh. Tướng Hổ đã chọn một thung lũng kín đáo, bốn bề là nước và cây rừng bao bọc để làm căn cứ luyện quân, khôi phục binh mã, chờ thời cơ giành lại quyền binh cho nhà Đinh. Sau đó, Lê Hoàn đã đưa quân vây ráp 4 mặt đông, tây, nam, bắc và tại thung lũng đó đã xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ và 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Nhiều quân tướng đã cùng uống thuốc độc tuẫn tiết để thể hiện sự trung thành với vua Đinh.
Máu chảy ngập cả vùng thung lũng rộng mênh mông và từ đó, vùng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Ngôi đền Hiềm được đổi tên thành đền Thắm. Sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si. Những cây si nhanh chóng mọc lan rộng ra khắp cánh rừng, đan quyện, dính chặt vào nhau thành một khối liền như mạng nhện.
Bây giờ, những cây si trồng trên 1.000 nấm mồ đã trở thành một rừng si, rễ đan chằng chịt, không ai có thể phân biệt được đâu là gốc si chính.
Bí ẩn rắn có mào
Trước đây, ông Thanh thường vào khu vực Tràng An thả đó bắt tép, bắt lươn hoặc săn bắn các loài động vật. Một ngày nọ, khi vào hang Bói, ông bất ngờ gặp 1 con rắn có mào. Tận mắt nhìn thấy con rắn mắt sáng quắc với cái mào ngạo nghễ trên đầu, ông Thanh rụng rời chân tay. Khi ngẫm lại, ông thấy câu chuyện này khá trùng khớp với những câu chuyện về rắn có mào mà các cụ vẫn truyền tai nhau.
|
Bác Dương Đình Thanh giới thiệu khu vực đền Trần. |
Đến năm 2005, các chuyên gia của Trường Đại học Cambridge (Anh) đã cùng ông Dương Đình Thanh thực hiện chuyến thám hiểm các hang động để lấy tư liệu viết dự án giới thiệu sản phẩm du lịch. Lần đó, đoàn cũng gặp rắn có mào. Ông Thanh cho biết, khoảnh khắc ấy ông đã dựng tóc gáy, toát mồ hôi khi thấy trên tảng đá hình ngai vàng có 2 con rắn treo vắt vẻo. Một con màu đỏ, thân to, đầu có mào, con còn lại màu xanh, nhỏ hơn, nằm uốn mình đầu gối lên lưng con đỏ. Ông Thanh chợt nhớ lại lời các cụ kể, khi các cụ vào hang Bói khai thác gỗ sửa đền vua Đinh đã từng gặp rắn có mào. Lúc đó ông Từ Khấu, người phụ trách xẻ gỗ đặt chiếc mâm đồng và con rắn bò vào. Các cụ nghĩ “thần” về nên đưa rắn mào vào hậu cung làm lễ cúng bái. Cúng xong, rắn biến mất không dấu vết.
Ngay tại hang Bói cũng có nhiều điểm thú vị. Trong quá trình khảo sát, người ta phát hiện nơi đây có nhiều vỏ ốc, là dấu hiệu cho thấy có người xưa ở. Mới đây, các nhà khảo cổ đã đào hố thám sát tại hang Bói và phát hiện bộ xương người có khoảng 7.000 đến 30.000 ngàn năm tuổi.
|
Chuyện gia Paul Dingwall tại động Người Xưa. |
Trong cuộc trò chuyện với PV báo Tiền Phong, chuyên gia người New Zealand, Paul Dingwall (cố vấn xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới) nói: “Các hang động như hang Trống, hang Bói phát hiện nhiều vỏ sò, vỏ ốc của các cư dân người tiền sử. Có những dấu tích người tiền sử tồn tại 30.000 năm ở Tràng An”.
Không riêng gì ông Thanh mà cả ông Nguyễn Văn Son, anh họ ông Nguyễn Văn Trường (Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Xuân Trường), những người có công đưa Tràng An từ bãi đầm lầy thành di sản thế giới đã tận mắt chứng kiến rắn có mào. Trước đó, ông Son đã nghe nhiều về chuyện này nhưng không tin. Chỉ khi con rắn có mào hiển hiện trước mắt, ông Son mới tâm phục khẩu phục.
Khi gặp rắn có mào, ông Son đã tức tốc chèo thuyền về nhà lấy máy ghi hình. Điều khiến ông Son ngạc nhiên là khi quay lại chỗ cũ, con rắn có mào vẫn nằm ở hang Bói. Ông Son đã may mắn ghi được hình ảnh con rắn có mào trước khi nó trườn lên núi biến mất. Đến nay, người ta vẫn không thể giải thích rõ ràng về nguồn gốc hay tìm thấy bằng chứng cụ thể về rắn có mào. Nhưng những câu chuyện về nó cứ truyền từ người này sang người khác, khiến vùng danh thắng Tràng An càng thêm linh thiêng, huyền bí.
Tràng An nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình với diện tích 12 nghìn ha, chia thành 5 khu chức năng chính. Trong khu Tràng An, có 47 di tích lịch sử gắn liền với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần cùng nhiều hang động nối với nhau. Hiện Ninh Bình mới đưa 11 trong số 50 hang xuyên thủy vào khai thác. Năm 2015, Ninh Bình đón trên 6 triệu lượt khách trong đó có tới 90% khách đến khu danh thắng Tràng An.