Góc nhìn độc về chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà báo Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Nhà báo Mỹ Lady Borton đã có cái nhìn sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 sau khi dịch sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lady Borton không chỉ là nhà văn, nhà báo Mỹ mà còn là dịch giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới. Bà đã dành nhiều năm nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam đồng thời có những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp gây được tiếng vang lớn. Trong số những tài liệu mà bà Borton nghiên cứu, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có dấu ấn mạnh mẽ đối với bà.
Đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, bà là nhà văn Mỹ duy nhất có mặt ở cả hai miền Nam - Bắc khi đất nước Việt Nam xảy ra chiến tranh ác liệt. Khi đó, bà làm việc cho một tổ chức vì hòa bình của Mỹ, lúc đó bà đã tự học Tiếng Việt để có thể giao tiếp với dân địa phương. Sau đó, bà sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1978 với vai trò là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà hoạt động từ thiện. Trong thời gian ở Việt Nam, bà Borton đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải kể đến như: Phía sau nỗi buồn (kể về số phận những phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc kháng chiến), Hồ Chí Minh - một chân dung (viết chung với C.David Thomas)... Trong đó, bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" gây được ấn tượng sâu sắc với độc giả.
Goc nhin doc ve chien thang Dien Bien Phu cua nha bao My
Bà Borton (bên trái ảnh) biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ lần đầu khi 12 tuổi. 
Cụ thể, năm 2004, bà Borton hoàn tất bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số rất nhiều những tác phẩm Việt Nam đã được nữ dịch giả Lady Borton dịch sang tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.
Nói về cuốn hồi ức dịch sang tiếng Anh "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của mình, bà Borton chia sẻ: "Cuốn sách xuất bản năm 2000 từ đó đến bây giờ có rất nhiều câu chuyện về Điện Biên Phủ rõ hơn, ví dụ như vai trò của tình báo và câu chuyện về ông Giáp. Tôi rất là xúc động nhất là khi xem lại những cuốn sách của ông Giáp".
Để đưa cuốn hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra với bạn bè quốc tế, bà Borton đã dành nhiều năm nghiên cứu cũng như gặp gỡ nhiều nhân chứng, trong đó nổi bật nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 để bổ sung thêm nhiều chú thích, tư liệu, bản đồ nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ gây chấn động thế giới năm xưa.
“Với cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ, tôi trẻ quá, lúc đó chỉ có 12 tuổi. Tôi lại là phụ nữ nước ngoài, không hiểu gì về quân sự. Nếu tôi không hiểu tức là thế hệ trẻ của Việt Nam không hiểu được, người nước ngoài không hiểu được. Tôi phải tìm gặp người bạn đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử để chú thích thông tin về những người có tên trong cuốn sách, tìm ra quê hương họ ở đâu và nếu còn sống sau chiến dịch Điện Biên Phủ họ làm gì”, nữ dịch giả Borton tâm sự.
Bà Borton cũng từng chia sẻ có ấn tượng sâu sắc khi lần đầu tiên nghe đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo đó, bà biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ khi nó kết thúc vào năm 1954. Khi đó, bà mới 12 tuổi. Tờ báo của trẻ con ở Mỹ lúc đó có đăng tải thông tin sự kiện trên với một hình minh họa và kèm theo những lời hù dọa: cộng sản sẽ ăn cắp thế giới. Lúc đó, bà khá sợ Việt Nam, sợ cả Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi dần trưởng thành, bà ngày càng hiểu hơn về Việt Nam thông qua việc đọc sách, tài liệu và nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề đó.
Video xe đạp thồ - vũ khí đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (nguồn: VTV1):
Tâm Anh (tổng hợp)

Bình luận(0)