Quyền thuyền (đấu võ trên thuyền) với lịch sử lâu đời lưu truyền suốt một dải Ngô Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa). Theo sách "Ngô Hưng tùng thư" chép rằng: "Vốn xưa phủ của tơ lụa, quê của gạo cá, chính là Ngô Hưng của Chiết Giang. Ngày Thanh Minh chèo thuyền trên khe nước, múa quyền vui chơi...". Tương truyền, quyền thuyền xuất hiện từ khi Việt vương Câu Tiễn (trị vì 496-465 trước Công nguyên) tập thủy chiến.
|
Biểu diễn quyền thuyền tại Hàng Châu (Chiết Giang). Nguồn: Shutterstock.com. |
Đời Minh, có Lục Bính làm quan trên kinh đô cáo lão về quê, căn cứ vào những yếu tố còn lưu truyền trong dân gian, bèn phát động dân chúng đánh quyền, luyện võ trên thuyền nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ quê nhà. Từ đó
phong trào quyền thuyền phát triển cho tới nay.
Xem clip biểu diễn quyền thuyền
Vùng này do đặc trưng địa thế thấp nên có bến cảng chằng chịt, đầm hồ chi chít nên người dân dùng thuyền làm chỗ tập luyện quyền thuật, thời chiến phục vụ cho quân sự, thời bình thì vui chơi ngày lễ Tết.
Quyền thuyền Ngô Hưng dùng hai thuyền nông dân buộc vào với nhau, đầu thuyền dùng ván gỗ kết lại làm đài đấu quyền, chiều vuông một trượng đủ để võ sĩ đánh quyền đá cước, múa thương vung côn. Khoang thuyền kết lầu, treo "ngư quá long môn" (cá vượt cửa rồng), trái phải treo "lưỡng long tranh châu" (hai rồng giỡn ngọc), nóc sào có treo cờ, hai bên kê ghế cho hai viên "kiêu tướng" cắm sào ngồi ở đó đề phòng thuyền mắc cạn hay va phải thuyền khác.
Trong khoang giữa có câu đối "Quyền đánh mãnh hổ núi Nam, Cước đá giao long biển Bắc", hai bên bày các loại binh khí. Khi thuyền đi thì trong thuyền nổi trống, kèn, thanh la để trợ oai cho các võ sĩ giao đấu.
Quyền thuyền Ngô Hưng lấy võ Nam Thiếu Lâm làm chủ. Đặc điểm phong cách là: "Cương kình mạnh mẽ, thần hình hợp nhất, bộ thế vững mạnh, né tránh linh hoạt". Khi tiến công thì ra chiêu lanh lẹ, thu chiêu thì mau chóng. Khi phòng ngự thì lấy tay làm chủ, như mở như đóng, lấy thân làm trục, chuyển động nguyên tại chỗ do đặc thù không gian rất nhỏ hẹp, bềnh bồng.
Phương pháp luyện công là lúc bình thường tập luyện trên đất do các quyền sư già miệng nói, tự mình biểu diễn, truyền dạy. Công phu chủ yếu phải tập luyện kỹ là công phu chân, tay và lưng. Các bài quyền của quyền thuyền chú trọng mã bộ phải vững khỏe, coi trọng sức lực của tay, yêu cầu khớp vai phải lỏng nhưng cơ bắp luôn trong trạng thái căng cứng, lưng làm chủ để phát kình lực.
Người tập phải cố luyện thành công bộ tấn như tam giác bộ, mã bộ, đà bộ (đà là kéo), mã bộ chuyển sang cung bộ và ngược lại. Yêu cầu tiến lùi linh hoạt trong phạm vi nhỏ hẹp, tiến là phản công, lùi là tránh né. Quyền thuyền lúc khai diễn thông thường dùng quyền Ngũ hổ để mở màn.
Bài bản quyền thuyền có Yến Thanh quyền, Lục hợp quyền, Võ Tòng thoát khảo (cùm) quyền, Tiểu Hồng quyền, Đại Hồng quyền, Phi Hùng (gấu) quyền, Tiểu La Hán quyền, Đại La Hán quyền, Hầu quyền, Túy đả sơn môn quyền (say đánh cổng chùa), Bản đăng quyền, Tiểu bát quái quyền, Hạ tứ châu quyền...
Về bài bản binh khí có: Đại đao khai tứ môn (mở 4 cửa), Lục hợp đao, La Hán đao, Tứ môn côn, Mai hoa thương, Song chủy thủ, Tam tiết côn (côn 3 khúc), Cửu tiết tiên (roi mềm 9 đốt), Lang nha vát (chày răng sói), Song giản, Lưu tinh chùy, Phao đồng xoa (xoa đồng ném), Vũ thạch tỏa (khóa múa), Song kiếm, Đơn kiếm...