Những câu chuyện thêu dệt từ lời nguyền của người dân thời trung cổ về sức mạnh khủng khiếp và độ tàn ác của ma cà rồng vẫn tiếp tục được lưu truyền, phổ biến, len lỏi vào những cơn ác mộng cho đến ngày hôm nay. Nhưng đây không phải lý do duy nhất khiến ma cà rồng “sống” cùng lịch sử loài người…
Không chỉ có nỗi ám ảnh ghê rợn
Có lẽ khi nhắc đến những “ma cà rồng” khét tiếng trong lịch sử, một số người sẽ nhớ ngay tới nữ bá tước Elizabeth - thuộc dòng họ quý tộc Báthory người Hungary, nổi tiếng là người có nhan sắc tuyệt trần và vô cùng tàn độc. Nữ bá tước bị cáo buộc đã gây ra cơn ác mộng kinh hoàng – cái chết của hàng trăm cô gái đồng trinh vô tội nhưng đã thoát án tử nhờ mang trong mình dòng máu hoàng tộc và công lao của chồng, tuy vậy Elizabeth bị giam cầm suốt đời tại chính tòa lâu đài bà gây ra tội ác.
Có truyền thuyết kể rằng, trong một lần tát hầu gái đến văng cả máu vì một lỗi nhỏ, Elizabeth bỗng dưng phát hiện, giọt máu bắn lên cánh tay khiến làn da bà trở nên mịn màng, rạng rỡ hơn hẳn. Phát hiện này thôi thúc nữ bá tước nghĩ ra độc chiêu tắm táp bằng máu của gái đồng trinh để giữ gìn nhan sắc. Kể từ đó, Elizabeth thực sự biến thành một con quỷ khát máu. Bà liên tục tìm kiếm những cô gái trẻ đồng trinh trong làng, bắt giữ và dùng nhục hình cho đến chết. Máu của các cô gái được nữ bá tước dùng để tắm. Elizabeth tin rằng chỉ có cách đó, bà mới có thể níu giữ nét xuân thì.
Hậu duệ tiếp theo của “bá tước Dracula” ngoài đời thực được ghi nhận vào những năm 1940 tại Anh quốc. Đó là Neville Heath, một người đàn ông 29 tuổi; từ một sĩ quan quân đội, hắn bắt đầu có những biểu hiện bệnh hoạn và gây ra tội ác gây chấn động giới truyền thông của đảo quốc sương mù. Cụ thể, Neville Heath đã lừa một cô gái trẻ vào khách sạn, hãm hiếp dã man và sát hại nạn nhân bằng những dụng cụ kim loại cùn. Trên thi thể nạn nhân, người ta còn phát hiện một số bộ phận cơ thể bị cắn đứt bằng răng.
Neville Heath đã trốn thoát và chỉ hai tuần sau đó, hắn lại tiếp tục gây án tương tự. Không lâu sau, y bị bắt và bị kết án tử hình. Giới truyền thông vào thời điểm đó còn gọi hắn bằng biệt danh “quý ông ma cà rồng".
|
Những câu chuyện về ma cà rồng luôn tạo ra nỗi khiếp sợ với con người. Ảnh minh họa: Internet. |
“Ma cà rồng” kế tiếp là một chàng trai trẻ Allan Menzies (22 tuổi). Allan có một người bạn thân tên là Thomas McKendrick, hai người thường xuyên cùng nhau xem phim và đều bị ám ảnh bởi hình tượng ma cà rồng. Riêng Allan, có những lúc cậu ta đã la hét, rên rỉ như ma cà rồng xuất hiện trong phim.
Đến ngày 11/12/2002, Thomas McKendrick bị phát hiện mất tích và nơi cuối cùng mà cậu ta tới được xác định là chỗ ở của Allan Menzies – kẻ sát nhân bị bắt sau nhiều biện pháp điều tra. Tại phiên tòa, Allan thừa nhận đã ăn một phần đầu và uống máu bạn mình. Người bạn độc ác cho biết anh ta thường xuyên nghe đi nghe lại ca khúc trong bộ phim yêu thích về ma cà rồng và mỗi lần nghe xong, Allan đều muốn ra ngoài hút máu.
Năm 2010, hai cậu bé người Anh George Cullen và Simon Cullen khi đó mới 11, 13 tuổi cũng gây sửng sốt với diện mạo giống với các ma cà rồng trong phim ảnh và truyền thuyết. Hàm răng của Simon và Geoger không bao giờ phát triển một bộ đầy đủ nhưng hai anh em lại có những chiếc răng nanh sắc nhọn. Ngoài ra hai bé đều chưa từng đổ mồ hôi và rất kị ánh sáng mặt trời; ngay từ khi còn bé, cậu anh Simon đã suýt chết vì bị cảm do cơ thể có nhiệt độ quá cao.
Tuy nhiên, vì không sở hữu bản tính “khát máu” như những trường hợp kể trên, cả hai “ma cà rồng nhí” đều nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo cộng đồng mạng. “Những người bạn của tôi thậm chí còn gọi tôi là Edward giống như tên nhân vật ma cà rồng trong bộ phim Twilight”, Simon từng chia sẻ với truyền thông.
Soi “ma cà rồng” dưới ánh sáng khoa học
Dễ thấy, hai đặc điểm nổi bật khiến một người bị gọi là ma cà rồng gồm có sở thích “khát máu” và cuộc sống rời xa ánh sáng mặt trời. Vậy điều gì đã đem một “sản phẩm” nổi tiếng của văn học dân gian, điện ảnh hay khoa học viễn tưởng ra ngoài đời thực?
TS. John Edgar Browning tại viện Công nghệ Georgia (Mỹ) đã điều tra một cộng đồng ma cà rồng vào năm 2015 rồi đưa ra kết luận rằng đây là một nhóm người “mắc một dạng thiếu chất, chủ yếu bắt đầu từ tuổi dậy thì, sau đó nhận ra mình sẽ ổn hơn nếu hấp thụ máu", theo Medical Daily. Cụ thể hơn, những người này tin rằng bản thân bị nhiễm chứng bệnh kỳ lạ, khiến họ trở nên yếu ớt, tê liệt, đau đầu hoặc đau dạ dày nặng khi thiếu máu.
Một trong những nguyên nhân sản sinh ra các “hậu duệ của “bá tước Dracula” từng được xác định là hội chứng Renfield – thuật ngữ để chỉ những người có sở thích uống máu hoặc bị ám ảnh quá lớn bởi văn hóa ma cà rồng. Hội chứng này xảy ra phần lớn và nghiêm trọng ở nam giới do giới này có xu hướng sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy cao.
Không chỉ vậy, người mắc hội chứng Renfield thường có niềm tin mãnh liệt vào việc uống máu, rằng điều này sẽ tăng cường sức mạnh và đem lại sự sống bất tử cho họ. Một phân tích dựa theo các tài liệu năm 2011 của The Huffington Post cũng chỉ ra rằng bệnh nhân mắc Renfield thường trải qua sự kiện gây phấn khích liên quan đến máu trong thời thơ ấu. Nó dần dần phát triển mạnh lên và gần như bùng nổ ở tuổi dậy thì, đem lại khoái cảm như quan hệ chăn gối vậy.
Bên cạnh đó, một nhóm các rối loạn máu di truyền có tên chung là porphyria và một số rối loạn hormon khác cũng được xem là nguyên nhân tạo ra các “sinh vật huyền bí” trong bóng tối. Nghiên cứu cho thấy căn bệnh hiếm gặp này khiến người bệnh rất sợ ánh sáng mặt trời bởi khi tiếp xúc với ánh nắng, da họ bị phồng rộp, hemoglobin trong máu bị phân hủy dưới tác động của tia tử ngoại khiến họ đau đớn về thể xác. Vì thế người mắc bệnh chỉ có thể ra ngoài vào ban đêm.
Xảy ra hiện tượng này, theo giải thích của BS. Nguyễn Minh Quang thì “porphyrin là một chất cần thiết để tạo hemoglobin trong máu. Cơ thể cần nhiều enzyme để tạo ra porphyrin, thành phần quan trọng sản sinh heme. Nếu một trong những enzyme này bị thiếu hụt, quá trình cấu tạo bị cản trở, porphyrin sẽ tích tụ độc tố trong người. Cơ thể bệnh nhân sẽ có những phát triển dị thường”.
PGS.TS. Trần Hậu Khang chia sẻ thêm rằng: “Theo tài liệu nghiên cứu của Anh, trung bình cứ 200.000 người thì có một người mắc porphyria. Đây là căn bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc dùng ma túy, chất kích thích như rượu, thuốc lá gây căng thẳng, mệt mỏi cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh phát sinh.
Hiện trên thế giới ngoài cách truyền máu hay biến đổi gene, chưa có phương pháp điều trị tận gốc porphyria. Bệnh không lây nhiễm nhưng rất dễ nhầm sang một số loại bệnh về da khác như ly thượng bì bọng nước bẩm sinh, rối loạn sắc tố dầm dề. Khi trên da có biểu hiện dị ứng với ánh nắng mặt trời bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời”.
Được biết các thầy thuốc từ xa xưa thường chữa căn bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi để cân bằng sự thiếu máu trong cơ thể. Và có lẽ bởi vậy mà câu chuyện về những ma cà rồng lại một lần nữa được “thêm mắm dặm muối” và lưu truyền từ đời này sang đời khác.