Là thành phố của tình yêu và nỗi nhớ, Đà Lạt nổi tiếng với những câu chuyện mê tín dị đoan về "ngôi nhà ma" hay chiếc bàn hiểu được tiếng người. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi phát hiện rất nhiều điều phi thực tế do một số “cò” du lịch bịa đặt để hút khách.
Đêm ở "Ngôi nhà ma"
Phố hoa có nhiều biệt thự xây từ thời Pháp do nhiều nguyên nhân nên bỏ hoang. Lợi dụng điều này nên một số người đồn thổi là biệt thự có ma. Trên đường vào trung tâm thành phố, mọi người đều phải đi qua đèo Prenn. Một số tài xế đường dài bịa ra câu chuyện hồn ma trinh nữ chuyên xuất hiện trên đỉnh đèo. Ở đây còn có hai ngôi biệt thự được mệnh danh là “ngôi nhà ma”. Cuối năm vừa qua, một căn biệt thự đã được giải mã, làm dư luận rất đồng tình.
|
Toàn cảnh “ngôi nhà ma” cuối cùng ở Đà Lạt. |
Để trục lợi, ông bảo vệ của căn nhà này cho đắp hai cái mộ đất giả, hằng ngày giới thiệu với du khách, truyền bá thông tin nhảm nhí. Nhờ kiểm lâm phát hiện, chính quyền của thành phố Đà Lạt vào cuộc, khi khai quật mộ lên thì không thấy gì trong đó. Hiện nay căn nhà do một doanh nghiệp mua lại, được đóng cửa im ỉm, người phao tin đồn nhảm thì đã bị xử phạt. Thế nhưng, sau khi sự thật được phơi bày, một số tài xế taxi vẫn bịa chuyện. Đêm đến, theo lời một bác tài xế thì “muốn xem cứ bẻ khóa đi vào trong sẽ thấy ma”. Tuy nhiên, suốt nhiều đêm túc trực tại ngôi nhà này, thực chất thì không có ma quái gì, chỉ có sương mù giăng mờ và lá thông rơi xào xạc khi xuất hiện cơn gió đưa.
Rời “ngôi nhà ma” đầu tiên, chúng tôi tiếp tục tới “căn nhà ma” cuối cùng. Buổi sáng, một tài xế rỉ tai chúng tôi: “Nơi này có tới… 17 thiếu nữ tự vẫn, vào đó xem phải cẩn thận, chụp hình là bị hư máy đó. Có người bảo là đêm tối luôn có tiếng khóc la của thiếu nữ”. Không tin vào những lời đồn thổi, lúc 12h đêm, chúng tôi bước lên khoảng 15 bậc thềm thì trông thấy một biệt thự bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Vị trí ngôi nhà rất đẹp, do nằm trên độ cao nên dễ dàng nhìn thẳng xuống đồi Prenn. Phía sau căn nhà thắp đầy nhang. Qua lớp cửa kính, chúng tôi trông thấy bên trong chia làm ba phòng, ngổn ngang đồ vứt đi. Quan sát kỹ tầng hầm, chúng tôi thấy có những lỗ thông gió. Thấy chúng tôi ngó nghiêng, một du khách từ TP HCM “dính” mê tín tuôn một tràng: “Nơi nhiều cô gái yên nghỉ thì cậu đừng “quậy” nữa, kẻo bị ma ám".
Phía trước nhà, cạnh một gốc thông là một cái giếng bỏ hoang, được đồn thổi là có cô gái gieo mình tự vẫn. Thế nhưng, giữa đêm tối mịt mù, chúng tôi chẳng trông thấy điều gì cả. Một đôi tình nhân đang tâm sự gần đó chép miệng: “Người Đà Lạt không bao giờ thấy ma, chỉ có một số du khách do thần hồn át thần tính nên thêm thắt vào các tình tiết hoang đường mà thôi”.
|
Mặt sau “biệt thự ma” trên đèo Prenn. |
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Đà Lạt không hề có ngôi nhà ma, nếu có chỉ là chuyện bịa đặt”. Theo điều tra của chúng tôi, một số tài xế taxi hay xe ôm muốn “câu” tiền của khách phương xa, cố tình thêu dệt để chở khách đến xem và thoải mái tính tiền công.
Chiếc bàn tâm linh?
Ngoài bịa đặt về những biệt thự ma, nhiều người còn bịa chuyện phố hoa có bốn cái bàn biết nghe tiếng người: một cái ở đường Khe Sanh, một cái ở chùa Tàu và hai cái ở khu du lịch Thung lũng Tình yêu.
Tại số nhà 30A đường Khe Sanh, P.10, ông Lưu Xuân Hưởng, 64 tuổi – chủ nhân chiếc bàn xoay cho biết, quê ông ở Nam Định, nghe một người bạn nói là ở đất Võ có một chiếc bàn kỳ lạ nên ông tức tốc vào xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn (Bình Định) để mua lại. Chiếc bàn làm từ gỗ trắc có hơn 100 tuổi, được các cụ ông nói là dùng để uống trà nhưng thấy… quay. Năm 1993, ông “di lý” chiếc bàn đến Đà Lạt để làm du lịch. Gia đình ông ở đường Trần Hưng Đạo nên phải thuê một ngôi nhà ở đường Khe Sanh, gần chùa Tàu để đặt chiếc bàn phục vụ du khách mà không bán vé, hoạt động suốt ngày. Theo ông Hưởng, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng (đã mất)… từng đến đây nghiên cứu. Ông Hưởng nói rằng sẽ mở cửa phục vụ du khách đến khi nào không còn sức khỏe nữa.
Trước mắt chúng tôi, ông mang chiếc bàn ra úp xuống đất hoặc đặt trên ghế nhựa để biểu diễn rồi mời lần lượt du khách đến “điều khiển”. Khách chỉ cần đặt (hoặc ngửa) hai bàn tay xuống bàn, cúi người một xíu, chờ đến khi bàn chuyển động thì hô khẩu lệnh: “sang phải”, “trái”, “nhanh”, “dừng lại” thì chiếc bàn sẽ ngoan ngoãn làm theo. Tuy nhiên, có người lại không làm được. Cách đó không xa là chùa Tàu cũng có một chiếc bàn xoay giống như bàn của ông Hưởng. Tuy nhiên, một số du khách tới đây nhận xét là “điều khiển” bằng miệng rất khó khăn và chậm chạp. Tại Thung lũng Tình yêu cũng có một chiếc bàn tương tự.
Để tìm lời giải đáp, Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đã lập một đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu bản chất của hiện tượng này. Theo nhận định của UIA, mâm quay được khi có lực tác động, tạo ra mô-men quay. Các nguyên nhân tạo ra mômen gồm: Tác động của từ trường, lực sinh học, lực cơ học…
Thực chất thì việc đặt chiếc mâm trên một trục để quay vốn là trò chơi dân gian xuất hiện nhiều tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn mạng, nhiều người thiếu hiểu biết đã “thêm mắm, thêm muối” thành những câu chuyện ly kỳ quanh chiếc bàn xoay.