Việt Nam và Campuchia từ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có tình đoàn kết chiến đấu. Tuy nhiên, khi kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc, tập đoàn Khmer đỏ liền phản bội. Chúng đã đưa quân đánh sang biên giới Việt Nam gây xung đột rồi phát triển thành chiến tranh tổng lực. Xuất phát từ đâu mà Pol Pot trở mặt như vậy?
|
Dưới bàn tay tàn ác của chế độ Pol Pot, hàng triệu người dân Campuchia đã bị thiệt mạng. Ảnh tư liệu.
|
Chúng ta hãy đọc bản nghị quyết ra hồi tháng 6/1977 của tập đoàn Pol Pot: “Duôl (An Nam) sau chiến tranh còn gặp nhiều khó khăn chồng chất, kinh tế kiệt quệ, chính trị thì nội bộ mâu thuẫn, ở miền Nam chính quyền chưa vững, tàn quân và tổ chức chính trị chống đối của Thiệu còn nhiều, đang hoạt động phá hoại…
Về quân sự, Duôl có quân đội mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị phương tiện nhiều, song sau khi thống nhất thì tinh thần quân đội sút kém…. Tuy mạnh về quân sự nhưng yếu về chính trị, đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ sức mạnh đánh lại chúng ta…Về chiến lược thì bị kiềm chế, không dám tấn công sâu qua đất nước Kampuchia…”
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ trong thiên ký sự Đường vào Phnom Penh kể rằng, ông đã đọc được bản nghị quyết của tập đoàn Pol Pot. Ông có nó từ một sĩ quan Campuchia.
Từ năm 1975, Pol Pot đã cho quân tấn công các đảo Thổ Chu, Phú Quốc hòng chiếm đảo. Sang các năm 1976, 1977,1978 chúng lại liên tiếp tấn công suốt một dải biên giới của ta với quy mô trung đoàn, sư đoàn. Đây rõ ràng là một cuộc chiến tranh tổng lực của địch chứ không phải là xung đột biên giới.
|
Bộ đội Việt Nam trên đường phố Phnom Penh. Ảnh tư liệu.
|
Trong khi quân Khmer đỏ mặc sức tung hoành ở biên giới thì xuất phát từ thiện chí hòa bình, Nhà nước ta trong các năm 1976, 1977 vẫn kiên trì giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Trong chỉ đạo bộ đội, cấp trên cũng chỉ thị cho các đơn vị ở tuyến trước chỉ đánh địch trên đất ta và cố gắng bắt sống, giết ít thôi. Nói về giai đoạn này, tướng Bùi Cát Vũ trong tập ký sự Đường vào Phnom Penh đã ví von một hình ảnh rất hay đó là “Ta mới chỉ được phép đánh địch bằng cánh tay trái thôi”.
Nhưng ta càng thiện chí hòa bình thì địch càng lấn tới. Thiện chí của ta làm địch càng tin vào nhận định của chúng trong nghị quyết nói trên. Từ đây chúng đi thêm một bước nữa, quyết tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao trường kỳ với ta.
Theo Wikipedia, ngày 1 tháng 2 năm 1978, Trung ương Đảng Cộng sản của Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Trong nghị quyết của họ có ghi: "Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam".
Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên sư đoàn trưởng sư đoàn 309 trong chiến tranh biên giới Tây Nam đã đọc vị âm mưu thâm độc của tập đoàn Pol Pot trong cuốn hồi ký Cuộc chiến tranh bắt buộc: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nền an ninh của Việt Nam luôn bị đe dọa. Những tưởng sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, không có một tên xâm lược dám đụng đến Việt Nam.
Song, sau khi Đế quốc Mỹ rút khỏi nước ta, bè lũ tay sai thất bại hoàn toàn, thì kẻ thù mới lại xuất hiện. Đó là tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri-Khieu Xamphon. Chúng là đội quân xung kích, tay sai của một số nước trong khu vực, tiến hành xâm lấn biên giới và lãnh thổ nước ta. Mục đích của chúng là tìm mọi cách hạn chế sự lớn mạnh của một nước Việt Nam thống nhất; bằng cách là tiêu hao tiền của, sinh lực của chúng ta.
|
Bộ đội Việt Nam rút về nước sau khi đã giúp nước bạn xây dựng chính quyền và quân đội vững mạnh. Ảnh tư liệu.
|
Gây ra cuộc chiến tranh biên giới, chúng thừa biết là sẽ không đánh bại được Việt Nam, nhưng chúng buộc chúng ta phải duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu, từ đó không còn khả năng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Bọn tay sai đã từng tính toán rằng: nếu lực lượng quân sự của Việt Nam duy trì quân số khoảng trên 2 triệu người, trải ra khắp đất nước, mỗi ngày, mỗi người lính tiêu thụ khoảng 20 USD (bao gồm cả súng đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, quân dụng), thì nước Việt Nam sẽ kiệt sức hoàn toàn sau vài năm chiến tranh. Đây là con số tính toán thấp nhất, theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm. Người Mỹ trước đây cũng đã từng tính toán như thế và họ đã thất bại hoàn toàn”.
Kết quả là khi những người cách mạng chân chính của Campuchia nhận rõ bộ mặt tàn ác của tập đoàn Pol Pot, họ đã lãnh đạo dân chúng nổi dậy và kêu gọi sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam. Trên tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, ngày 22/12/1978, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch phản công lớn đánh sang tận sào huyệt của kẻ địch. Chỉ trong 2 tuần, quân ta đã đánh tan phần lớn lực lượng Pol Pot và tiến vào giải phóng Phnom Penh. Ngày nay kỷ niệm 35 năm “Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979)”, chúng ta tự hào vì đã giúp nhân dân Campuchia vượt qua một giai đoạn lịch sử đen tối.