Con gái trở nên xinh đẹp sau khi dùng nước giếng?
Tương truyền, giếng tiên hay còn gọi là giếng Phu Huệ là nơi tu họp, sum vầy của nhân dân Yên Nội (xã Cổ Đôi xưa) nay là làng Phu Huệ (xã Hoàng Giang) vào mỗi dịp lễ, tết. Nước giếng nơi đây trong xanh và không bao giờ cạn. Các bậc cao niên trong làng khẳng định, nước của giếng được dẫn từ mạch nguồn của dãy Ngàn Nưa (cách gần 10km) - nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa. Chúng tôi thắc mắc, cách dãy Ngàn Nưa tới gần 10km vì sao lại có sự khẳng định trên thì được ông Lê Khắc Liêm - trưởng làng - lý giải rằng: Theo lời kể của các cao niên nơi đây, sau những trận hoả hoạn trên rừng lau, rừng lách ở dãy Ngàn Nưa cuồng cháy là đến những trận mưa dầm, khi đó người dân Yên Nội phát hiện nước giếng tiên có những tàn tro, mang nước về dùng có mùi của khói cháy, mùi của than củi… Từ đó mới có sự khẳng định trên.
|
Con gái xinh đẹp hơn khi dùng nước giếng tiên. |
Còn việc nước giếng tiên không bao giờ cạn được ông Liêm chứng minh bằng việc, người dân Phu Huệ đã từng thử bơm cạn giếng nhưng bơm mãi nước vẫn không chạm đáy. Ngược lại, nước trong mạch nguồn cứ thế tuôn ra, không lâu sau khi bơm thì lại đầy ăm ắp như lúc ban đầu. Mỗi khi mùa hạn đến, dù tất cả các giếng khơi khác của người dân Phu Huệ bị kiệt nước thì giếng tiên của làng cũng không hề thay đổi. Gia đình bà Lê Thị Hạnh (nhà cận kề với giếng tiên) cho biết: Bây giờ, gia đình bà vẫn dẫn nước từ giếng tiên về sử dụng. Việc giếng tiên này không bao giờ cạn nước, theo bà lý giải, là nhờ các thành hoàng làng - những vị khai thôn lập ấp xưa kia, với tài trí của mình họ đã phát hiện ra mạch nguồn của nước, dẫn chảy từ dãy Ngàn Nưa về làng nên đã đào giếng ngay tại vị trí không bao giờ hết nước. Không chỉ gia đình bà Hạnh lấy nước từ giếng về dùng mà nhiều hộ dân khác khu vực xung quanh giếng cũng mắc nước về dùng. Theo các hộ dân, họ đã nhiều đào giếng cho gia đình dùng nhưng nước giếng họ đào không ngọt như nước ở giếng tiên.
Vào mùa kiệt, giếng người dân đào đều bị cạn, còn giếng tiên thì không không bao giờ hết nước, dân các xã bên thường xuyên đánh những cỗ xe bò, xe trâu, quẩy gánh sang làng Phu Huệ làm thủ tục xin nước về dùng. Điều đặc biệt là dù dùng nước giếng quanh năm nhưng mỗi khi giếng tiên “biến sắc” - thay màu (nước đục) - thì dân trong làng không ai dám lấy về sử dụng, bởi lúc đó là lúc làng có biến, có họa (người ốm đau bệnh tật, phải đi viện, đám ma, tai nạn, hoả hoạn cháy nhà…).
Xoay quanh những điều kỳ bí về giếng tiên, người dân Phu Huệ còn kể câu chuyện rằng, nhiều người dân quẩy gánh ra múc nước giếng về dùng có khi lại vớt được những vốc tiền xu cổ (tiền kim loại, ở giữa có lỗ vuông). Bà Lê Thị Dần là một trong những người hiện vẫn còn lưu giữ được số tiền xu đó. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ mà bao đời nay người làng Yên Nội không thể lý giải là chuyện con gái tứ phương, dù xấu xí thế nào nhưng khi về làm dâu Phu Huệ, ăn uống, tắm rửa bằng nước giếng tiên, sau một thời gian đều thay da, đổi thịt, trở nên xinh đẹp, sắc nét lạ thường. Hiện tượng kỳ lạ này không chỉ người dân Phu Huệ biết mà nó được lan truyền đi khắp một vùng rộng lớn. Song, bí kíp làm đẹp trên, theo trưởng làng Liêm, chỉ phát huy tác dụng với con gái từ nơi khác về làm dâu Phu Huệ còn người khác thì không có hiệu quả.
Sinh ra những người tài
Bên cạnh những câu chuyện linh thiêng về nguồn nước từ dãy Ngàn Nưa tụ lại nơi giếng tiên có hình nhật nguyệt này còn phải kể tới “cái ân” trời ban cho người trong làng có được sự thông minh, sáng suốt, hanh thông đường khoa bảng. Trong đó nổi lên và lừng danh một thuở là dòng họ Lê Sỹ với hàng chục tiến sĩ làng. Hiện tại, nhà thờ họ Lê Sỹ - cách giếng tiên khoảng chừng 50m - còn lưu giữ đôi câu đối chữ Nôm: “Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt/ Công hầu một họ ánh trời Nam” - đôi câu đối do vua ngự ban cho 3 người trong một gia đình gồm ông, cha và con cùng đỗ tiến sĩ, gồm: Lê Sĩ Cẩm (đỗ Tiến sĩ năm 1680), Lê Sĩ Hãng (đỗ Tiến sĩ năm 1705), Lê Sĩ Hoành (đỗ Tiến sĩ năm 1751), hiện được treo hai bên tả, hữu của tấm bia đá cổ bốn mặt, đang được lưu giữ tại nhà thờ.
Theo ông Liêm, không chỉ ngày xưa con dân Phu Huệ học hành đỗ cao mà từ bấy tới nay, Phu Huệ luôn được xem là vùng đất học. Tỉ lệ học sinh của làng đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn nằm trong top đầu của cả huyện. Những người có học vị thạc sỹ, tiến sĩ số lượng cũng không ngừng tăng lên, tới nay nếu tính riêng dòng họ Lê Sỹ đã có tới vài chục người. Lý giải chuyện làng trở thành đất học, ông Liêm cho rằng, đó là nhờ vào thứ nước kỳ lạ dẫn từ cái giếng có nguồn ở dãy Ngàn Nưa. Không chỉ làng Yên Nội, xã Cổ Đôi (nay là làng Phu Huệ, xã Hoàng Giang) được xem là làng tiến sĩ, là vùng đất học mà ngay ở chân dãy Ngàn Nưa còn có xã Cổ Định xưa (nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) cũng được thụ hưởng từ nguồn nước này với danh hiệu “làng tiến sĩ”, “làng khoa bảng”…
Từ những chuyện kỳ lạ khó lý giải về giếng tiên, về thứ nước được dẫn chảy từ dãy Ngàn Nưa, nhân dân Cổ Đôi bao đời nay vẫn luôn gìn giữ, bảo vệ giếng tiên, bảo vệ nguồn nước với những quy định khắt khe. Hễ là những thứ gì không hợp vệ sinh như đi làm đồng về, chân tay bùn đất lấm lem là không được xuống giếng để tắm rửa, chỉ được múc nước mang về chay sạch; không được vứt bỏ lợn, gà, ngan, vịt chết xuống giếng…, nếu để làng bắt được thì phạt vạ rất nặng.
Ông Lê Đăng Quang - Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Giang - cho biết: Giếng tiên của làng Phu Huệ được cho là đã tồn tại 600 năm, do đã xuống cấp nên nhân dân tự đóng góp xin chủ trương trùng tu, tôn tạo đầu năm 2015. Cùng với đền thờ tiến sĩ 3 đời họ Lê, giếng tiên là một trong những nét văn hoá, tâm linh của của nhân dân trong xã.
Chia tay vùng đất Cổ Đôi với những câu chuyện ly kỳ vào một sáng se lạnh, vẵng đâu đó tiếng chim kêu, tiếng chuông chùa Vĩnh Thái vọng lại, ở vùng đất Cổ Đôi này còn chứa đựng biết bao điều kỳ bí, khó hiểu, cần được giới nghiên cứu, lý giải…
Mời quý độc giả xem video: