2 năm nội chiến đẫm máu ở đất nước Syria đã khiến 100.000 người thiệt mạng, 1,6 triệu phải đi sống tị nạn ở các nước láng giềng và hàng triệu người khác sống vơ vất, lay lắt, không nhà, không cửa ở ngay chính quê hương của mình.
Từ cuộc nội chiến đơn thuần, cuộc khủng hoảng Syria đang nhanh chóng biến thành một cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Trung Đông, có nguy cơ nhấn chìm toàn bộ khu vực vào một cuộc chiến tranh tàn khốc, chết chóc giữa hai hệ tư tưởng Hồi giáo: dòng Sunni và Shia; và hai xu hướng chính trị: thân Mỹ và chống Mỹ.
Nguy hiểm hơn, cuộc chiến ở Syria còn lôi kéo sự can dự của những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Điều đó khiến giới quan sát quốc tế lo ngại một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ được châm ngòi từ đốm lửa nguy hiểm ở Syria.
Vậy, dự đoán này có thành hiện thực hay không thì chưa rõ. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, Kiến Thức điểm lại những thời điểm mấp mé Chiến tranh thế giới thứ 3... tương tự như "chảo lửa" Syria hiện nay:
Churchill lên kế hoạch gây Chiến tranh thế giới thứ 3
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, thế giới đã nhiều lần đối diện với một cuộc chiến tranh mới mà cái giá phải trả có thể là sự sống của toàn nhân loại.
Trong những ngày cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã phác thảo kế hoạch phát động Chiến tranh thế giới thứ 3.
Theo kế hoạch, liên minh Anh-Mỹ sẽ tấn công nhằm đánh bại Liên Xô. Thủ tướng Churchill đảm bảo với các tướng lĩnh cao cấp Anh rằng, cuộc xâm lược Liên Xô sẽ do Mỹ dẫn đầu và sẽ có sự hỗ trợ của quân đội Đức.
|
Winston Churchill. |
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các tướng lĩnh đã dựng lên một kế hoạch và có mã là “Chiến dịch không thể tưởng tượng”, đề xuất quân đội phương Tây tấn công Liên Xô trên một mặt trận kéo dài từ Hamburg ở Đức đến Trieste ở Italia.
Nội các chiến tranh của Anh nhận định rằng, kế hoạch đó vượt quá khả năng của 103 sư đoàn quân Đồng minh ở châu Âu, sẽ sa lầy và thất bại giống như quân đội Napoleon và Hitler.
Trước thái độ hiếu chiến kiên trì của Churchill, các tướng lĩnh của Anh đến Mỹ gặp Tổng thống Harry Truman và mang về câu trả lời là Washington sẽ không giúp Anh trong kế hoạch đó, hãy tự làm một mình. Do đó, chiến dịch mà Thủ tướng Anh vẽ ra đã phải khép lại.
Cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez
Khủng hoảng Kênh đào Suez là một cuộc chiến tranh giữa một bên là liên quân giữa Vương quốc Anh, Pháp, Israel và một bên là Ai Cập bắt đầu từ ngày 29/10/1956.
Cuộc tấn công diễn ra sau quyết định của Ai Cập về việc quốc hữu hóa kênh đào Suez, sau việc Anh và Mỹ rút khỏi dự án tài trợ xây dựng đập Aswan, một động thái đáp trả việc Ai Cập công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Liên minh giữa ba quốc gia, đặc biệt là Israel, đã khá thành công trong việc đạt được các mục tiêu quân sự trước mắt, nhưng áp lực từ Mỹ và Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc và nhiều nơi đã buộc liên minh này phải rút lui.
Trong cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Liên bang Xô viết Nikolai Bulganin đã gửi một công hàm cho Thủ tướng Anh Anthony Eden cảnh báo rằng "Nếu cuộc chiến này không dừng lại, nó sẽ mang nguy cơ biến thành một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba".
Trong cuộc chiến này, Anh và Pháp hoàn toàn thất bại với mục tiêu chính trị và chiến lược trong việc kiểm soát kênh đào. Israel đã đạt được vài mục tiêu, trong đó có việc giành được quyền tự do lưu thông hàng hải qua eo biển Tiran và làm lắng dịu tranh chấp biên giới Ai Cập - Israel.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962
Tháng 10/1962, việc Mỹ phát hiện tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đẩy thế giới đến rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc.
Trước đó, từ năm 1958, Mỹ đã triển khai hàng loạt tên lửa trên đất Anh, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng có hơn 100 tên lửa do Mỹ chế tạo có khả năng đánh trúng Moskva. Để đáp trả, từ tháng 9/1962, chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu của nước Mỹ.
|
Nếu đặt tại Cuba, tên lửa Liên Xô có khả năng tấn công phần lớn lãnh thổ nước Mỹ.
|
Ngày 14/10/1962, phi cơ do thám U-2 của Mỹ chụp được những bằng chứng không ảnh cho thấy các căn cứ tên lửa của Liên Xô đang được xây dựng tại Cuba, dẫn đến việc Mỹ tiến hành "cách ly" Cuba bằng quân sự và lên kế hoạch tấn công Cuba bằng không lực và hải lực.
Mỹ thông báo rằng họ sẽ không cho phép vũ khí tấn công được gửi đến Cuba và đòi hỏi Liên Xô phải tháo bỏ các căn cứ tên lửa đang được xây hay đã xây dựng xong tại Cuba.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev viết một lá thư gửi cho Kennedy, nói rằng việc Kennedy ra lệnh phong tỏa "giao thông trong vùng biển và không phận quốc tế là một hành động gây hấn đưa con người vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh bằng tên lửa hạt nhân toàn cầu".
Ngoài mặt, cả Liên Xô lẫn Mỹ đều tỏ ra không nhân nhượng, nhưng tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường họ đưa ra một đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 28/10/1962 dưới sự trung gian của Liên Hiệp Quốc, hai bên đã đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng bằng việc Liên Xô tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa chúng trở về nước để đổi lấy việc Mỹ đồng ý sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và sẽ rút các tên lửa của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Cuộc chiến tranh Yom Kippur
Cuộc chiến tranh Yom Kippur, còn gọi là chiến tranh A Rập - Israel 1973 hay Chiến tranh A Rập - Israel thứ tư, là cuộc chiến diễn ra từ cuối tháng 6 đến tháng 10/1973 bởi giữa liên minh các quốc gia A Rập dẫn đầu bởi Ai Cập và Syria chống lại Israel.
Cuộc chiến khởi phát khi quân Ai Cập và Syria bất ngờ đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur của người Do thái. Trong 2 ngày đầu, nhờ nắm được yếu tố bất ngờ, Ai Cập và Syria vượt qua tuyến ngưng bắn tại bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan, vốn bị Israel chiếm năm 1967 trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, gây ra cho Israel những tổn thất không thể tưởng tượng nổi.
Trước tình thế khốn cùng, Thủ tướng Israel là bà Golda Meir tuyên bố trước Bộ Quốc phòng: "Không đầu hàng. Chúng ta sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và phá hủy Cairo và Damascus". Vào thời điểm đó, trong tay Israel đã có 18 quả bom hạt nhân. Toàn bộ được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Trước tình hình trên, Liên Xô đã quyết định can thiệp. Một chiếc máy bay chiến đấu MiG-25 được điều tới vùng trời thủ đô Tel Aviv Israel, lượn nhiều vòng quanh thành phố trước sự bất lực của hệ thống phòng không nước này. Thông điệp của Liên Xô rất rõ ràng: Tel Aviv sẽ bị xóa sổ nếu dùng vũ khí hạt nhân tấn công Syria và Ai Cập.
Israel buộc phải điều chỉnh chiến lược, dẹp bỏ ý định tấn công hạt nhân và yêu cầu Mỹ tăng viện trợ quân sự bổ sung. Kết quả, một “cầu hàng không” giữa Mỹ và Tel Aviv đã được thiết lập ngay lập tức. Nhờ vậy, Israel nhanh chóng có các thiết bị quân sự mới nhất, gồm máy bay, xe tăng, tên lửa và xoay chuyển tình hình chiến trường... Thế giới thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân với những hậu quả không thể lường được.