Trở thành Đệ nhất giang hồ
Sự dung túng của hệ thống chính quyền chế độ cũ trong thời điểm đó cũng là một cơ hội để Đại Cathay bành trướng thế lực. Lực lượng cảnh sát thời điểm đó đáng lẽ ra phải thanh trừng triệt để thế lực của Đại thì lại bao che, và im hơi lặng tiếng để nhận những khoản lót tay hậu hĩnh. Được thể, Đại càng ngông cuồng và chẳng ngán ngại một ai.
Đầu những năm 1960, Đại Cathay mới hơn 20 tuổi và đã trở thành một ông trùm khét tiếng. Hắn nhận bảo kê và còn có thêm các khoản bồi dưỡng của rất nhiều các đại gia Sài Gòn khi đó. Gần như hầu hết nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận 2 đều chịu sự bảo kê của Đại. Đại Cathay và đàn em không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào cho việc ăn chơi, trác táng. Tất cả những nơi hắn đến đều coi sự hiện diện của hắn là một vinh dự lớn lao.
|
Đại Cathay và vợ. |
Đại Cathay và đám đàn em bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến Hoàng Sayonara, người sau đó đã trở thành quân sư chiến lược của Đại. Nghe lời các quân sư, Đại Cathay đứng ra cùng với Bảy Si (người này là một giang hồ khét tiếng, là anh vợ và từng là đàn anh của Năm Cam thuở thiếu thời) mở nhiều sòng bài để thu tiền xâu.
Nhưng khi ấy, Sài Gòn còn có ba ông trùm khác. Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế hoàn toàn không hài lòng với sự bành trướng của Đại Cathay. Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định hạ bệ Đại. Một lần hẹn gặp Tỳ và Thế cùng 3 tên đàn em, do không đề phòng, Đại Cathay đã bị phục kích. Năm tên giang hồ đồng loạt rút dao xông vào chém. Đại Cathay may mắn không chết. Không kịp lành vết thương, Đại một mình một dao, lần lượt tìm các tên đã chém mình để rửa hận. Tất cả đều bị chém trọng thương. Sau cuộc thanh toán đẫm máu ấy, Đại Cathay trở thành nhân vật số một trong “Tứ đại thiên vương” của giang hồ Sài Gòn: Đại - Tỳ - Cái - Thế. Thật sự thì sau này, ngoài bộ tứ trên, giang hồ lừng danh còn có thêm Lâm "chín ngón", một đàn em thân tín của Đại.
Trở lại với Đại Cathay, cuộc đụng độ dữ dội nhất trong cuộc đời giang hồ đầy tội lỗi của Đại là với Tín Mã Nàm, trùm giang hồ người Hoa nổi tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn. Tín Mã Nàm vốn là người có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật... Trên thực tế thì Tín Mã Nàm chưa bao giờ chịu đứng dưới Đại Cathay. Tín Mã Nàm tên thật là Trần Hà Tư, vốn là một tay Thầu Dậu (Đầu Gà), lấy biệt hiệu là Tín Mã Nàm với ý nghĩa là con ngựa điên.
Được coi là một tên tuổi giữ vai trò Hồng Trượng, một bậc đàn anh lớn trong giới giang hồ Hoa Kiều, đại diện Hội Tam Hoàng thuộc chi nhánh Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuộc đụng độ giữa băng nhóm của Đại Cathay và Tín Mã Nàm diễn ra nhiều năm liền. Bắt đầu bằng những cuộc tập kích của phe Đại. Nhận thấy mối nguy hại từ những cuộc tập kích ấy nhưng Tín Mã Nàm không sao xử trí được. Đầu năm 1964, Đại dẫn theo Ba Thế và Lâm “chín ngón” đột ngột tấn công vào băng nhóm của Tín Mã Nàm tại một quán nước. Và, Đại Cathay thất bại.
Tuy nhiên, cuộc tập kích quá liều lĩnh ấy khiến Tín Mã Nàm phải mời Đại Cathay đến gặp để điều đình. Tay không, một mình chui vào hang cọp, Đại khiến Tín Mã Nàm rất kính nể. Đại được Tín nhường cho một phần địa bàn và Đại cũng cam kết không xâm phạm vào những khu vực được coi là đặc quyền của Tín. Khoảng giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đại Cathay đã trở thành đệ nhất giang hồ.
Vuốt oai hùm và cái chết nhiều bí ẩn
Đại Cathay có thù riêng với viên thiếu tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ . Trong một lần gặp nhau trên sàn nhảy, Đại Cathay bị Nguyễn Cao Kỳ (thời gian đấy, Kỳ mới đeo lon Trung tá) nhắc nhở. Ngay lập tức, ông Kỳ râu kẽm bị giáng ngay một quả đấm giữa bụng. Đại Cathay mãi mãi không biết được rằng mình đã chính tay ký vào bản án tử hình đúng ngày hôm đó. Từng có giai thoại kể rằng: Tướng Kỳ từng chiêu dụ Đại về làm vệ sỹ cho ông ta, nhưng Đại thẳng thừng từ chối với lý do: "Tôi đi đâu cũng có người hộ tống, nếu tôi hộ tống ngài, các vệ sỹ của tôi sẽ thất nghiệp".
Thiếu tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan thời ấy còn là Chuẩn tướng, giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành đầy tai tiếng với vụ xử bắn tù nhân tàn nhẫn ngay tại đường phố Sài Gòn. Ông Loan là người quyết liệt nhất trong việc bài trừ du đãng thời điểm ấy. Ông ta lập ra Biệt đội hình cảnh nhằm tiêu diệt giang hồ, và cử người thân cận của mình là đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng. Nhưng nếu xét về thời điểm loạn lạc ấy, thì những cố gắng của ông Loan như muối bỏ bể. Ông Loan đã ra sức chiêu dụ Đại.
- Anh sẽ có lon đại úy, chức danh phó ty Cảnh sát một quận nếu anh chịu giúp chúng tôi trong việc thanh trừng các thế lực giang hồ ở Sài Gòn.
- Xin lỗi, tôi không thể hầu Chuẩn tướng được. Tôi làm thế, sao còn có thể sống mà ngẩng mặt nhìn ai ở đời này.
Đại Cathay không sợ hãi trước công quyền, cũng bởi một lẽ trên đời không có gì làm hắn phục. Trong một cuộc đọ súng vì giành gái tai tiếng vào khoảng năm 1966 giữa băng nhóm Đại với một số viên thuộc cấp của tướng Nguyễn Ngọc Loan, dù Đại Cathay bị bắn trọng thương nhưng hắn đã nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Một loạt các thành viên trong băng nhóm bị bắt, bị tống giam và bản thân Đại Cathay cũng nằm trong vòng nguy hiểm. Cuộc điều đình với viên đại úy hình cảnh Trần Kim Chi trong việc trả tự do cho các đàn em bất thành. Băng nhóm của Đại bắt đầu nhận về sự trừng phạt triệt để.
Cái chết của đại úy Trần Kim Chi là một cái chết không minh bạch. Chiếc xe tải chở gỗ đã tông thẳng vào xe của ông ta khiến ông ta thiệt mạng, nhưng những lời đồn đại về một vụ mưu sát do Đại Cathay cầm đầu đã khiến tướng Nguyễn Ngọc Loan tức giận. Đại Cathay bị tống giam và cuối tháng 11/1966, Đại cùng một loạt đệ tử của mình được đưa lên một máy bay vận tải và ném thẳng vào nhà giam tại đảo Phú Quốc. Chính Đại là người đã đặt tên cho Trung tâm hướng nghiệp Phú Quốc ấy trở thành trại Cửu Sừng. Trong một lần chơi mạt chược cùng đám du đãng, Đại chán ngán bốc lên con bài Cửu Sừng và quyết định lấy tên con bài đặt cho tên trại. Tất cả những tay giang hồ nằm trại thời điểm này, về sau, đều trở thành những tay anh chị khét tiếng nhất Sài Gòn.
Là một tay giang hồ vốn quen tự do, Đại không thể sống quá lâu trong tù túng. Kế hoạch vượt ngục được hắn vạch ra. Tiền và vàng từ ngoài đất liền được vợ và đàn em chu cấp. Đại quyết định trốn khỏi trại Cửu Sừng với lời hứa giúp đỡ của một vài viên sĩ quan bảo an trong trại.
Rạng sáng ngày 7/1/1967, Đại Cathay gọi Lâm chín ngón vào ngồi cạnh. Đại nhắn nhủ: Anh đi phen này lành ít, dữ nhiều. Mày ở lại, phải bỏ ma túy đi. Mày còn nhỏ, tính còn nông nổi, cố gắng ở lại, rồi lúc về được anh sẽ lo cho mày ra khỏi trại.
Chích xong cho Lâm mũi thuốc cuối cùng, Đại và các đàn em khác tiến hành trốn trại. Tốp trốn trại được chia đôi thành hai đường. Đại đã không gặp may. Tốp thứ nhất chạy trốn để nghi binh đã nhanh chóng bị tóm lại. Đại Cathay và đàn em thân tín nhất của mình, Hải Súng, biết không còn cách nào khác phải đổi đường chạy ngược lên phía núi Tượng thuộc đảo Phú Quốc. Kể từ đó, không ai còn được thấy Đại Cathay và Hải Súng đâu nữa.
Báo chí Sài Gòn thời điểm đó không nói gì thêm về cuộc mất tích bí ẩn này. Nhưng theo nhiều người kể lại: Ngay trong đêm 7/1/1967, một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại Cathay và Hải Súng, và được lệnh bắn hạ. Toán biệt kích giả trang làm quân Cách Mạng và sử dụng súng AK47 để tiêu diệt hai tên này. Thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng: Chính tay ông ta đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.
Với mối thâm thù của Đại Cathay và hai viên tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan cùng với sự lộng hành của Đại thì giai thoại về cái chết của hắn hoàn toàn có cơ sở. Một cuộc đời tội lỗi, dù lẫy lừng đến mấy thì cũng chỉ kết thúc trong tội lỗi mà thôi.