Bác Hồ và tướng Chenault
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình
chiến tranh thế giới hiện rõ kết quả quân Đồng Minh sắp thắng lợi. Cũng vào lúc này, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh đang ra sức chuẩn bị để giành độc lập cho nước nhà.
Cũng thời điểm ấy, quân Đồng minh hướng sự chú ý tới
Đông Dương vì đây là một đầu cầu quan trọng mà quân Nhật đang nắm giữ. Mỹ đã phái các sĩ quan OSS (một tổ chức tình báo tiền thân của CIA) đến phía nam Trung Quốc hoạt động nhằm tìm hiểu tình hình Đông Dương, phục vụ cho cuộc tấn công quân Nhật sau này. Để phục vụ công tác, Archimedes Patti – viên sĩ quan OSS được giao nhiệm vụ, đã tìm cách liên lạc với lực lượng Việt Minh và được gặp Bác Hồ tại một ngôi làng nhỏ trên đất Trung Quốc. Bác Hồ tỏ ra rất thiện chí giúp đỡ công việc của OSS.
Vào thời gian này, máy bay của quân Đồng Minh đã bắt đầu những trận không kích vào vị trí của quân Nhật trên đất Đông Dương, mà chủ yếu là ở Việt Nam. Một số máy bay đã bị quân Nhật bắn rơi. Người Mỹ rất quan tâm đến số phận những phi công bị bắn rơi này. Một trong những phi công Mỹ bị bắn rơi tên là R.Shaw đã được Việt Minh cứu thoát.
R.Shaw chẳng những được Việt Minh giúp đỡ thoát khỏi nanh vuốt quân Nhật, mà còn được đưa sang tận Côn Minh để trở về với đơn vị. Để cảm ơn Việt Minh, ngày 29/3/1945, tướng Chennault – tư lệnh quân đoàn Không quân số 14 của Mỹ đã gặp Bác Hồ.
|
Bác Hồ và tướng Giáp chụp ảnh cùng toán Con nai của OSS tháng 8/1945. Ảnh: Thanh niên.
|
Cuộc gặp gỡ giữa Bác và tướng Chennault được Archimedes Patti – chỉ huy OSS phụ trách nhiệm vụ về Đông Dương kể lại trong cuốn
Tại sao Việt Nam: “Ngày 29/3, Fenn, Bernard và Hồ Chí Minh được đưa đến cơ quan và giới thiệu với tướng Chenault. Fenn kể lại: “Chennault rất cảm ơn ông Hồ về việc người phi công được cứu thoát. Ông Hồ đáp lại bao giờ ông cũng sung sướng được giúp đỡ người Mỹ và đặc biệt giúp tướng Chennault mà ông ta hết mực ca tụng. Họ chuyện trò về đội Hổ bay. Chennault tỏ ra hài lòng về những câu chuyện mà ông Hồ biết chung quanh vấn đề này. Họ bàn chuyện cứu các phi công bị nạn. Không ai nói gì đến người Pháp hoặc nói chuyện chính trị. Tôi thở phào khi mọi người sắp từ biệt nhau. Lúc đó, ông Hồ nói rằng ông muốn xin một vật kỷ niệm nhỏ. Và tất cả cái mà ông muốn chỉ là một cái ảnh của tướng Chennault. Đúng lúc, một tập ảnh 8x10 được đưa ra. “Hãy chọn lấy”, Chennault nói. Ông Hồ cầm lấy một chiếc ảnh và hỏi tướng Chennault có vui lòng cho xin chữ ký? Chennault liền viết ở dưới “Bạn chân thành của tôi. Claire L. Chennault”.
Theo một số nguồn tài liệu khác, ngoài bức ảnh, tướng Chenault còn tặng cho Bác Hồ 6 khẩu súng ngắn mới của Mỹ để làm trang bị cho lực lượng Việt Minh. Những ảnh và súng của Chenault là những kỷ vật đầu tiên đánh dấu sự hợp tác Việt – Mỹ trong cuộc chiến chống Phát xít của nhân loại.
Những người khách OSS trong CM tháng 8
Có một điều ít được nhắc tới là trong cuộc Cách mạng tháng 8, Việt Minh có những vị khách ngoại quốc luôn đi cùng từ chiến khu về tới Ba Đình. Họ chính là những nhân viên OSS trong toán của thiếu tá Thomas đã đến Tân Trào trước khi nổ ra khởi nghĩa vài tuần.
Vào ngày 16/8, khi đại hội quốc dân được tổ chức tại Tân Trào thì các thành viên OSS cũng có mặt ở đây. Thêm nữa, trước đó họ đã giúp đỡ huấn luyện cho hơn 200 du kích của tướng Giáp và tướng Chu Văn Tấn. Do vậy, khi các đại biểu về Tân Trào dự họp, đã rất phấn khởi thấy Việt Minh có lực lượng trang bị tốt bằng vũ khí Mỹ, cùng cỡ cùng kiểu và rất có kỷ luật.
Thêm vào đó, sự hiện diện của các nhân viên Mỹ, dù không ai nói ra nhưng mọi người đều cảm giác như Việt Minh được Đồng minh ủng hộ. Niềm tin đó theo các đại biểu sẽ lan ra khắp nơi. Trong một chừng mực nào đó có thể tác dụng thêm vào tinh thần quân Nhật vốn đã rệu rã sau khi Nhật hoàng đầu hàng.
Patti kể lại trong cuốn Tại sao Việt Nam về điều đó: “Vì Đại hội họp ở Tân Trào nên các đại biểu cũng loáng thoáng thấy được một cách kín đáo một số bộ đội mặc đồng phục, được trang bị tốt và rất có kỷ luật đi qua lại trong khu vực hội họp. Người ta đã nhận ra ngay đó là những người Việt Nam và là đội viên của Giải phóng quân. Trang bị và vũ khí Mỹ của họ còn mới, cùng một kiểu và cỡ thống nhất…. Với bức ảnh có kèm theo chữ ký của Chennault trong lều của ông Hồ cùng với những du kích quân trang bị tốt như thế, dư luận lan truyền là Việt Minh và đặc biệt là “Cụ Hồ” đã được Đồng Minh “bí mật ủng hộ”.
Trong vai trò quan sát, nhóm OSS của Thomas đã đi cùng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ Tân Trào về đến Hà Nội. Và trong ngày nước Việt Nam tuyên bố nền độc lập với thế giới, những nhân viên OSS Mỹ cũng là một trong những người nước ngoài chứng kiến.
Trước toán của thiếu tá Thomas, Patti đã tới Hà Nội từ 22/8. Trong ngày độc lập lịch sử của người Việt Nam, Patti cùng những nhân viên đã hòa vào dòng người đổ về Ba Đình. Ông ta còn nhớ như in khung cảnh: “Cho đến tận trưa, cả toán OSS chúng tôi lăn lộn ở ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoan nghênh Đồng minh”, “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”…Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”. Ở đó còn có các đơn vị “tự vệ”, dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn, từ súng kíp, gươm, dao rùa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động”.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác nói rằng “một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy mươi năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập…”. Những tư liệu nói trên đã minh chứng cho lời nói của Bác Hồ, đồng thời phần nào xác nhận người Mỹ và người Việt từng đứng cùng một chiến tuyến chống chủ nghĩa phát xít.