Bí mật ngôi mộ cổ và tiếng hát ru con của thiếu phụ áo trắng

Google News

Người dân kể rằng, vào những đêm trăng tròn, họ thường thấy một chiếc tàu cổ xuất hiện trên mặt biển gần khu vực ngôi mộ bà Lớn Tướng.

Đã thành thông lệ từ lâu, trước mỗi chuyến đi biển dài ngày ngư dân ở xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thường đến thăm viếng một ngôi mộ bà Lớn Tướng ở cửa sông Cửa Cạn (thuộc xã Cửa Cạn - PV).
Giai thoại về bà Lớn Tướng
Để tìm hiểu những câu chuyện thuộc về quá khứ và lịch sử, chúng tôi đã về Cửa Cạn để tìm gặp nhân chứng. Theo chỉ dẫn của tấm biển “Đường vào mộ bà”, nằm ngay sát con lộ lớn. Để đến ngôi mộ cổ được nhiều ngư dân tôn sùng trên, khách phải xuyên qua hơn 3km rừng sim, toàn cát biển và bạt ngàn cỏ dại.
Mộ bà Lớn Tướng. 
Ngôi mộ cổ nằm chơ vơ sát mép biển hoang sơ vốn là địa danh nổi tiếng với nhiều giai thoại liên quan đến bà Lớn Tướng Lê Kim Định – phu nhân của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Tìm được mộ từ giấc chiêm bao
Ngược dòng thời gian, bà Chín Hồng (SN 1959, người chăm nom mộ bà Lớn Tướng 32 năm, ngụ xã Cửa Cạn) kể lại rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí.
Trước đây, ông Tư Ngây - một ngư phủ địa phương, được cho là con cháu nhiều đời của một nghĩa sĩ trong nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chính là người đã tìm thấy nấm mộ bà Lớn Tướng.
Trong một đêm nằm ngủ mơ, ông Tư Ngây đã gặp một nữ tướng tự xưng là bà Lớn Tướng nói: “Tiền nhân của người là người từng chôn cất cho ta, ông ta hứa rằng sau này sẽ xây mộ đàng hoàng cho ta. Ngươi là phận con cháu thì phải thực hiện lời hứa đó. Hài cốt của ta đang ở giữa rừng hoang, ngươi hãy an táng cho ta ở cửa sông, gần bãi biển nơi ta đã nắm xuống khi xưa, chỗ đó có tấm ván gỗ lớn”.
Lúc tỉnh dậy, sau cơn bàng hoàng ông Tư Ngây nhớ lại thuở còn trẻ thường nghe ông cố mình kể nhiều câu chuyện liên quan đến phu nhân của anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Sau giấc mơ kỳ lạ, ông Tư ngây đã có nhiều năm lặn lội, bất chấp khó khăn, nguy hiểm và cuối cùng cũng tìm được mộ phu nhân của Nguyễn Trung Trực. Nhưng hoàn cảnh lúc đó nghèo khó nên ông Tư Ngây cũng chỉ biết thắp hương, vén đất và dùng gỗ đóng quanh ngôi mộ.
Trong một đêm trăng sáng, ông Tư Ngây bất ngờ thấy ánh hào quang sáng phát ra từ khu vực mộ cổ, khi chạy đến thì ánh hào quang vụt tắt. Ông Tư Ngây cố tìm kiếm khu vực ven bãi biển chỗ khu vực phát ra ánh hào quang thì phát hiện ra một tấm ván lớn. Quan sát kỹ thì đó là một tấm ván ở đáy thuyền.
Cho rằng đó chính là tấm ván trên chiếc thuyền cổ xưa của bà Lớn Tướng nên ông Tư Ngây đã rửa sạch, đem về để cạnh ngay ngôi mộ bà. Sau này, ông cùng các gia đình ngư dân khác gom góp tiền bạc, công sức xây mộ và chọn ngày Rằm tháng 8 (Âm lịch) là ngày qua đời bà Lớn Tướng.
Khi tìm hiểu chuyện về cuộc đời của bà Lê Kim Định, chúng tôi được ngư dân cho biết, xung quanh nấm mộ của bà có rất nhiều chuyện kỳ bí, mà bản thân họ cũng không hiểu được nguyên nhân.
Theo đó, vào cuối năm 1958, chiếc tàu đánh cá của một gia đình ngư dân ở Kiên Giang bị chết máy giữa biển khơi. Lúc lênh đênh trên biển thì lại bị bão đánh tơi bời. Cabin con tàu bị sóng biển đánh tan tành, gió hất hung hết đồ đạc và dụng cụ trên tàu, chỉ còn trơ lại phần thân tàu. Sau hơn một tuần chống chọi với bão biển và những cơn sóng dữ, toàn bộ thủy thủ trên tàu bị đuối sức, nằm chờ chết.
Khi đó, chủ tàu kiêm thuyền trưởng chỉ còn biết quỳ sụp xuống sàn tàu cầu trời khấn phật cho gia đình mình cùng đoàn thủy thủ một con đường sống. Sau lời khẩn cầu, thì giữa bụi mù sóng dữ, một con tàu kiểu cổ xưa xuất hiện.
Trên con tàu lạ có một thiếu phụ trẻ mặc áo trắng ôm đứa con hát ru. Tiếng hát ru của thiếu phụ khiến tất cả những người trên tàu ngất lịm đi. Đến khi tỉnh dậy, cả đoàn thủy thủ đã thấy con tàu của mình nằm trong một bãi biển hoang sơ, trời trong xanh, biển yên bình không sóng.
Cạnh bãi biển là một cánh rừng hoang vu, dưới tán rừng đó có một ngôi mộ đất, không có bia. Trong giấc ngủ mệt mỏi, chủ tàu nằm mơ và gặp lại người thiếu phụ trên con tàu cổ. Giấc mơ cho ông biết, ngôi mộ hoang là của thiếu phụ.
Giật mình tỉnh giấc, chủ tàu gọi tất cả thủy thủ đến mộ lạy tạ ơn cứu độ rồi cùng nhau phát hoang cây cỏ xung quanh với lòng biết ơn sâu sắc. Chủ tàu còn hứa, sau này làm ăn khấm khá sẽ trở lại xây mộ bà đẹp hơn.
Trong lúc phát hoang, người chủ tàu bỗng thấy một vật bằng kim loại nằm chìm dưới lớp cỏ mục. Ông bới lên thì thấy đó là một nải chuối bằng kim loại, đoán là đồng. Ông dự định khi trở về nhà sẽ xây một am nhỏ, đưa nải chuối vào thờ người thiếu phụ đã cứu mình thoát nạn.
Về đến nhà, ông chủ tàu mới biết, rất nhiều chủ tàu khác cũng đã từng được bà Lớn Tướng cứu độ trong tình thế hiểm nguy như thế. Khi đem nải chuối kim loại ra lau chùi thì chủ tàu phát hiện ra đó là vàng.
Nhờ số vàng này, chủ tàu đã có tiền đóng tàu đánh cá mới và làm ăn phát đạt trở thành một đại gia tầm cỡ ở Kiên Giang. Năm 1963, ông chủ tàu có trở lại nhiều lần để tìm mộ nhưng không thấy nấm mộ ở đó nữa.
Nhiều ngư dân cho hay sau câu chuyện về vị chủ tàu kia vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng họ cũng thấy một con tàu cổ lướt đi êm đềm trên mặt nước.
Mỗi khi trông thấy con tàu đó, họ lại quỳ thụp xuống xin bà Lớn Tướng phù hộ gia đình mình đi biển gặp nhiều may mắn. Hiện tại, người dân Cửa Cạn vẫn lưu truyền câu chuyện này với nhiều đức tin và lòng kính trọng. Bởi vậy, cứ vào dịp rằm hàng tháng có rất nhiều ngư dân tìm đến mộ để cầu lộc cho gia đình mình.
Ngôi làng nhiều năm không có con trai
Theo lời kể của bà Trương Thị Năm (SN 1953, ngụ xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc): Vào trước thời điểm trước khi ông Tư Ngây tìm thấy mộ bà Lớn Tướng đã có biết bao chuyện lạ kỳ xảy ra. Thời điểm đó, cả làng này đều không thể sinh được con trai. Nếu như người nào sinh con trai thì sẽ rơi vào cảnh mẹ con ly tán, hoặc là mẹ chết hoặc là con chết, có khi nghiệp chướng đến cả hai mẹ con đều chết.
Lúc đó, nhiều đứa trẻ ra đời xong chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ là qua đời. Khi đó, cả làng không hiểu điều gì đã xảy ra với cả làng nên cho rằng dân làng mình đã mắc phải một lời nguyền gì đó rất linh thiêng. Nhiều phụ nữ muốn tránh khỏi tai kiếp nên khi mang thai đã phải trốn sang tận Dương Đông, Hàm Ninh hoặc An Thới để sinh đẻ.
Còn sau này khi đã tìm thấy bà Lớn Tướng và an táng cho bà nhiều người mới bán tín bán nghi, vì bà Lớn Tướng thương con chết oan uổng mà trút hận lên người dân quanh vùng.
Sau khi tìm được mộ bà Lớn Tướng, người mang bầu đều tìm đến mộ bà lớn xin bà mở cõi lòng từ bi cho họ được có con. Cả những người có con nhỏ mà bị bệnh cũng tìm đến khấn vái. Sau khi cầu khấn, họ đẽo một chút gỗ ở tấm ván cạnh mộ đem về đốt và uống.
Thật lạ, cũng từ ngày tìm được mộ bà, những người tìm đến mộ thành tâm cầu khấn thì đều đạt được như ý muốn. Cũng từ đó trở đi chuyện sinh đẻ lại diễn ra bình thường. Nơi đây lại đầy ắp tiếng cười trẻ con.
Khi được hỏi về tấm ván thì bà Năm cho hay, người ta thi nhau đẽo khiến tấm ván nhỏ dần, rồi sau này còn một đoạn nhỏ to hơn bàn tay, một người phụ nữ cũng xin nốt đem về thờ cúng.
Nhiều chuyện đã bị tam sao thất bản
Bà Chín Hồng luôn miệng khẳng định: “Người dân vì tôn kính bà mà tìm đến thờ phúng chứ không có chuyện mê tín dị đoan ở đây. Chuyện bà Lớn Tướng hi sinh ở đây là thật, chuyện làng ở đây một thời không có trẻ con được nhiều người dân biết, còn chuyện con tàu cổ xuất hiện trong đêm trăng tròn thì tôi không được chứng kiến nên không rõ”.
Có thể thấy, những câu chuyện kỳ bí xoay quanh ngôi mộ cổ của phu nhân anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà người dân xã Cửa Cạn kể cho khách nghe với giọng điệu kỳ bí được xuất phát từ lòng tôn kính, tin yêu. Nhưng cần nhận định rằng, chuyện trải qua nhiều năm, qua tai nhiều người đã bị tam sao thất bản đi rất nhiều. Nhiều chuyện như vậy mà không phải như vậy.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Báo Pháp Luật

Bình luận(0)