“Hầm ngục bí mật của CIA”
Nhà tù có 20 phòng giam, mỗi phòng là một khối bê tông riêng biệt. Trong 16 buồng giam của CIA ở Afghanistan, tù nhân bị xích chân vào một cùm sắt gắn chặt với tường. Ở 4 phòng khác, tù nhân phải đứng, cổ tay bị xích vào một thanh ngang phía trên đầu, khiến họ không thể ngủ.
Những người ở buồng giam bình thường dùng xô nhựa để đi vệ sinh. Người ở phòng đặc biệt phải đóng bỉm. Phòng giam không có hệ thống sưởi, luôn chìm trong bóng tối bất kể ngày đêm với tiếng nhạc triền miên, dai dẳng.
“Không khí rất tốt”, John “Bruce” Jessen nói với một nhà điều tra Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi tháng 1/2013, hai tháng sau khi ông thẩm vấn một tù nhân tên Gul Rahman tại nhà tù trên.
“Kinh khủng, nhưng an toàn”. Jessen, một trong hai nhà tâm lý học phát triển “những kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” của CIA, đã dành 10 ngày tại một nhà tù bí mật gần thủ đô Kabul, Afghanistan, hồi tháng 11/2002.
5 ngày sau khi ông rời đi, người ta phát hiện Rahman chết tại buồng giam vì hạ thân nhiệt, trong tình trạng bán khỏa thân, bị xích vào nền bê tông lạnh giá.
Tháng 8, gia đình Gul Rahman cùng Mohamed Ben Soud và Suleiman Abdullah Salim, hai tù nhân sống sót tại nhà tù bí mật của CIA ở Afghanistan, được cho là đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án trong vụ kiện yêu cầu hai nhà tâm lý học Jessen và James Mitchell bồi thường vì hành vi tra tấn.
Bằng cách dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án, Mitchell và Jessen đã tránh được một phiên xét xử công khai có thể làm sáng tỏ điều gì thực sự xảy ra cho các tù nhân bên trong nhà tù với mật danh Cobalt tại Afghanistan.
|
Hình minh họa |
Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong 274 tài liệu mà CIA và Lầu Năm Góc buộc phải giải mật và công bố trong giai đoạn thu thập chứng cứ trước khi xét xử đã vẽ nên bức tranh đầy đủ về những gì các tù nhân phải chịu đựng tại “hầm ngục bí mật của CIA”, theo một tờ báo nước ngoài.
Rõ ràng nhất trong số những tài liệu kể trên là một báo cáo do các nhà điều tra gửi tới Phó giám đốc phụ trách hoạt động CIA James Pavitt vào ngày 28/1/2003 về cái chết của Gul Rahman.
Trong 32 trang tài liệu cũng như những ghi chép từ các cuộc thẩm vấn với Jessen và một sĩ quan CIA trẻ có nhiệm vụ quản lý nhà tù, các nhà điều tra đã tái hiện những quyết định góp phần dẫn tới cái chết của một tù nhân chỉ 69 ngày sau khi nhà tù này mở cửa.
Nhà tù bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2002 và không còn chỗ trống trong chưa đầy một tháng. Các buồng giam được thiết kế để cô lập giác quan tù nhân. Nhưng quản lý trại giam đã tự mình can thiệp vào những quy trình định sẵn.
Chính người này đã nảy ra ý tưởng phát nhạc liên tục trong phòng giam. “Về việc tắt điện trong phòng, tiếp tục là quyết định của quản lý”, các điều tra viên cho biết.
Theo ghi chép thẩm vấn, có một công tắc điều khiển tất cả đèn tại các buồng giam và “trước lựa chọn để nó bật hay tắt cả ngày, anh ta đã chọn phương án thứ hai”.
Tên của quản lý nhà tù được lược khỏi các văn bản công khai trong vụ kiện, song ở phần chú thích của báo cáo gửi quốc hội Mỹ, người này được xác định là Matthew Zirbel. Anh ta không có kinh nghiệm về điều hành nhà tù và ba ngày sau khi tới Cobalt, anh ta vẫn không biết mình sẽ phải quản lý nơi này.
Những phát hiện trước đây góp phần hé lộ nhiều hành động của Zirbel trong quãng thời gian Rahman bị bắt giữ. Nhưng các tài liệu mới lại cho thấy Rahman có thể vẫn sống nếu Jessen không đến Cobalt và trực tiếp thẩm vấn anh ta.
Bẻ gãy tinh thần và ý chí chống cự
Jessen, người đã thẩm vấn Rahman 6 lần trong quãng thời gian hai tuần và Mitchell, người gặp Rahman đúng một lần, tuyên bố họ chỉ cố gắng giảm bớt những điều kiện giam cầm khắc nghiệt mà Rahman phải chịu.
Nhưng theo những khi chép của các nhà điều tra, chính Jessen là người tranh luận với trụ sở CIA về việc có nên áp dụng các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao cho Rahman hay không.
Cũng chính Jessen đã đưa ra lời khuyên khi ông và Zirbel lên kế hoạch thẩm vấn Rahman nhằm bẻ gãy tinh thần và ý chí chống cự của anh này. “Ông ấy có thể nói rằng quản lý nhà tù làm theo tất cả những gợi ý của ông ấy”, ghi chép từ các nhà điều tra cho hay.
“Jessen nói ông ấy là người đưa ra mọi chiêu trò”. Jessen bảo với Zirbel không được tin Rahman khi anh ta phàn nàn về việc bị lạnh bởi Rahman đang sử dụng một kỹ thuật chống đối tinh vi của phiến quân al-Qaeda. Theo lời Jessen, khi Rahman “phàn nàn về việc không thể suy nghĩ vì lạnh”, “phàn nàn về điều kiện tồi tệ” hay “phàn về vi phạm nhân quyền”, đó đều là chiến thuật kháng cự “dựa vào điều kiện sức khỏe và phúc lợi”.
Nhưng tại một nhà tù tối tăm, không có máy sưởi, khi mùa đông tới, Rahman thực sự chỉ cảm thấy lạnh. Cái lạnh nguy hiểm tới mức trong vòng hai tuần, Rahman chết vì giảm thân nhiệt. Một giám sát viên CIA đã tới nhà tù Cobalt vào thời điểm Rahman vừa được chuyển tới đây.
Ông đã nói với các nhà điều tra CIA rằng “nhà tù rất lạnh... Ông lập tức nghĩ tới vấn đề giảm thân nhiệt khi nhìn thấy Rahman chỉ đi tất và đóng bỉm”.
Thực tế, theo lời các quản ngục và người phiên dịch, Rahman gần như ở trong trạng thái không mặc gì, chỉ đóng bỉm, suốt thời gian bị giam giữ. Jessen biết rõ điều này nhưng coi đó như một hiệu ứng tâm lý.
Ông thừa nhận với nhà điều tra rằng đã “nhìn thấy Rahman run rẩy, dấu hiệu ban đầu của giảm thân nhiệt” sau khi “áp dụng kỹ thuật tước đoạt giác quan bằng cách cho Rahman tắm nước lạnh”.
Các ghi chép từ một trong các buổi thẩm vấn Jessen có đoạn: “Sau buổi làm việc cuối cùng với các sĩ quan, Rahman trải qua nhiều ngày trong điều kiện lạnh giá với thức ăn và giấc ngủ ở mức tối thiểu. Rahman dường như không thích nghi được với một số phần của quá trình này”.
Tuy nhiên, khi Jessen rời Cobalt vào khoảng ngày 14/11/2002, ông đã lưu ý Zirbel rằng để Rahman từ bỏ thái độ chống đối, cần tiếp tục thực hiện những biện pháp tương tự nhằm làm suy yếu anh ta. “Quá trình này không diễn ra nhanh chóng”, Jessen nói với nhà điều tra trong cuộc thẩm vấn hồi tháng 1/2013.
“Rahman có thể chất khỏe mạnh vì thế đánh đập không giải quyết vấn đề gì. Bạn phải làm suy yếu anh ta cả về thể chất lẫn tinh thần... Phải mất từ một đến vài tháng mới có thể khiến anh ta hợp tác”. 5 ngày sau, vào khoảng 15h ngày 19/11/2002, “Rahman bị xích trong tư thế ngồi trên nền bê tông, nửa thân dưới không mặc gì”, cuộc điều tra năm 2003 ghi lại.
Nhân viên trại giam kiểm tra Rahman 4 lần, vào 22h, 23h, 4h và 8h. Trong lần kiểm tra buồng giam lúc 4h sáng, nhiệt độ ngoài trời là -0,56 độ C, một nhân viên bảo vệ “nhìn vào buồng giam của Rahman rồi huýt sáo”. Đến 8h, “Rahman ngồi dậy, vẫn sống nhưng run rẩy, đôi mắt “mở to và hấp háy”.
“Việc Rahman run rẩy không có vẻ gì là bất thường bởi tất cả các tù nhân đều run rẩy”, nhân viên bảo vệ nói với nhà điều tra. Hai tiếng sau, một lính gác nhìn vào buồng giam và thấy Rahman nằm trên nền đất. Dùng dùi cui gõ vào cánh cửa, anh thấy tù nhân không động đậy. Rahman đã chết cứng vì lạnh.