Ôn lại những ký ức về chiến trường Campuchia, ông Đinh Trọng Vinh (Sư đoàn Bộ binh 9, Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long, hiện sống ở Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: “Điều kỳ lạ là, dù tôi trải qua rất nhiều cuộc đấu súng, hành quân truy quét tập đoàn ác thú, nhưng không hề phát hiện ra thương binh của địch.
Chỉ có những xác chết, hoặc là những tên lính điên cuồng chống trả. Sau này tôi mới biết, những kẻ bị thương là những kẻ đã không còn đủ sức chiến đấu, vô tác dụng, chúng sẵn sàng xuống tay bắn giết".
Trong những ngày ở đất nước Chùa Tháp, có 2 kỷ niệm mà ông Vinh không bao giờ quên. Cho đến tận bây giờ, đã 35 năm sau những ngày gian khổ mà hào hùng thực hiện nghĩa vụ quốc tế, ông vẫn nhớ rõ ràng từng chi tiết.
Đó là lần ông rợn người chứng kiến cảnh bọn ác thú ăn thịt lẫn nhau, và câu chuyện về một cô gái Khmer tên Lay, theo hàng ngũ bộ đội Việt Nam.
Trên chiến trường Campuchia, vì quân tình nguyện Việt Nam tiến quá nhanh chóng, nên quân Khmer Đỏ chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hẳn. Nhiều đơn vị đã tập trung lại thành những đơn vị nhỏ, tiếp tục quấy phá.
Sau khi giải phóng Amleng, nơi mà bộ chỉ huy quân sự của tập đoàn Pol Pot từ Phnom Penh rút về trú đóng, Sư đoàn 9 nhận lệnh phối hợp tiến đánh căn cứ Leach, một thị xã nhỏ nằm gần quốc lộ số 5, là con đường từ Phnom Penh đi Battambang, cách biên giới Thái Lan khoảng 80 km.
Đây là trận đánh có quy mô lớn cuối cùng trên đất Campuchia. Sau khi Leach thất thủ, Khmer Đỏ tan tác, số ít những kẻ bảo thủ tiếp tục trốn chui trốn lủi trong rừng, nuôi mộng khôi phục chế độ diệt chủng. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục tổ chức truy quét.
|
Huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế. |
|
Những ngày tiến đánh bè lũ Pol Pot tại KamPong Chhnang.
|
Một sáng đầu tháng 7/1979, tại sở chỉ huy Sư đoàn 9, ông Vinh bất ngờ nhận được điện báo của trinh sát.
Đồng chí Lương Duy Dần, người Lương Sơn, Hòa Bình, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 3, trong lần tiến sâu vào khu rừng gần nhà ga Ro Mia, đã bắt sống được 2 tên lính Pol Pot đang nhẫn tâm ăn thịt cả đồng loại.
Lúc đồng chí Dần phát hiện và cùng các trinh sát nổ súng, chúng quá hoảng loạn, đứng như trời trồng tại chỗ không kịp bỏ trốn. Hiện trường còn nguyên một cái xác vắt vẻo bên bờ suối. 2 tên ác thú bàn tay đỏ au, miệng be bét máu. Bên cạnh là đống tim gan người bầy nhầy. Chúng đang ăn lục phủ ngũ tạng của nạn nhân. Chúng khai nhận giết người còn sống để ăn thịt.
Do địa điểm phát hiện quá xa, không thể khênh cái xác về, nên các chiến sĩ trinh sát chỉ cho nội tạng người vào một cái túi mang về, dẫn giải 2 tên ác thú.
Về đến sở chỉ huy, ông Đinh Trọng Vinh và mọi người kéo ra xem. Hình ảnh đó ám ảnh ông suốt cả tuần lễ.
Đó là một trong những minh chứng hùng hồn nhất tố cáo sự dã man tàn bạo, vô nhân tính của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
|
Nhân dân Campuchia sẽ không còn phải chứng kiến cảnh tượng như thế này nữa.
|
Câu chuyện thứ hai là về một cô gái người Khmer, mà các chiến sĩ quân tình nguyện thường gọi với cái tên là Lay.
Theo mô tả của ông Vinh, cô gái khá nhỏ nhắn, nhưng rất trắng trẻo và xinh đẹp, khoảng 21 tuổi. Lay bị bắt trong lần Sư đoàn 9 tiến hành truy quét quân Pol Pot ở dãy núi Che Rich thuộc tỉnh KamPong Chhnang.
Lay khai là bố, mẹ, anh, em đã bị Pol Pot sát hại hết, bản thân cô bị bắt đi lính từ năm 17 tuổi. Trải qua rất nhiều vụ bắn giết, chứng kiến cảnh bọn ác thú dùng mọi hình thức tàn sát đồng bào của mình, cô đã quá ghê sợ.
Lúc quân tình nguyện đánh lên Che Rich, nhân cơ hội tốt, Lay đã vác súng ra hàng bộ đội Việt Nam.
Thấy cô gái có vẻ thật thà, không có gì nguy hiểm, ông Vinh đã bảo Lay ở lại Leach cùng với những người dân Campuchia sống sót trở về, xây dựng cuộc sống mới.
Tuy nhiên, Lay khóc lớn, nhất quyết xin đi theo bộ đội, nếu không sẽ tự sát. Cô sợ một lúc nào đó, bọn ác thú quay trở lại trả thù, cô sẽ bị giết.
Mọi người không biết làm cách nào khác đành phải chấp nhận. Từ đó, suốt mấy tháng ròng rã Sư đoàn 9 tiến hành truy quét địch, cô luôn theo sát các chiến sĩ.
|
Truy quét tàn dư của chế độ diệt chủng.
|
“Lay đi theo bộ đội ngoan lắm, hàng ngày cặm cụi khâu vá quần áo cho anh em, lại giúp bộ phận hậu cần nấu cơm, nấu những món ăn truyền thống của Campuchia, ai cũng tấm tắc khen ngon”, ánh mắt ông Vinh rạng rỡ khi kể lại câu chuyện.
Mấy tháng sau khi tình hình đã tạm yên ổn, Sư đoàn 9 quay trở về Ro Mia. Lúc đó, tỉnh KamPong Chhnang đã thành lập được những đơn vị tự vệ độc lập, đủ sức đương đầu nếu như bè lũ Pot Pot quay trở lại quấy phá.
Các chiến sĩ đã vận động Lay trở về làm công tác tuyên truyền cho một đại đội Campuchia.
Hôm chia tay, Lay nghẹn ngào khóc lớn, nhất quyết níu giữ không cho mọi người trở về.
Cho đến cuối năm 1981, sau lần trở về Việt Nam công tác, Đinh Trọng Vinh trở lại đơn vị. Thời điểm ấy, Sư đoàn 9 đang đóng quân tại Siem Reap.
Trên đường vòng qua thị xã Ro Mia, ông tự nhiên nghe thấy có tiếng gọi lớn: “Boòng Vinh” (ông Vinh - PV), rồi một cô gái chạy ra ôm chầm lấy ông.
Hóa ra là Lay. Cô đã chuyển sang công tác tại hội phụ nữ tỉnh. Cô nhận ra ông Vinh giữa đoàn người.
|
Huân chương Angco hạng nhất.
|
|
Ông Vinh không khỏi bồi hồi khi xem lại những kỷ vật thời làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn.
|
Gặp lại Lay, ông Đinh Trọng Vinh xúc động mãnh liệt. Nhưng vì yêu cầu của đơn vị, ông phải tiếp tục lên đường.
Về sau, không còn được gặp lại Lay nữa, nghe đâu cô trở thành một cán bộ cao cấp của hội phụ nữ tỉnh KamPong Chhnang.
Tuy nhiên, những ký ức về Lay, về tình cảm thắm thiết của những người dân Campuchia dành cho những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, ông Vinh vẫn luôn khắc ghi trong lòng.