1. Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông
|
Nhóm khủng bố IS. |
Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS), đã chính thức đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây được xem là một trong những nhóm khủng bố có số lượng lớn, lắm tiền để triển khai những kế hoạch khủng khiếp. Theo ước tính của CIA, IS có khoảng 31.000 tay súng.
Tiền thân của nhóm khủng bố này là một nhóm chiến binh, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni. Trong thời gian qua, IS đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát tại nhiều khu vực ở Iraq và Syria. Nhóm khủng bố trên còn thực hiện nhiều vụ hành quyết đẫm máu, trong đó tàn sát cả trẻ em.
2. Lực lượng khủng bố Boko Haram
|
Lực lượng khủng bố Boko Haram đã thực hiện hàng trăm vụ bắt cóc nữ sinh gây rúng động dư luận. |
Boko Haram được cho là thành lập vào năm 2002 nhưng thực sự gây chú ý vào năm 2009. Lực lượng này tuyên bố họ chiến đấu để thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Nigeria. Boko Haram đã bắt cóc khoảng 300 nữ sinh, cưỡng ép kết hôn và cải đạo sau một thời gian dài hoành hành ở phía bắc Nigeria nhiều năm qua.
Vào tháng 4/2014, vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh ở Chibok của Boko Haram đã làm chấn động dư luận thế giới. Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ ước tính, ít nhất 6.742 người đã thiệt mạng trong các hoạt động đẫm máu của nhóm khủng bố Boko Haram kể từ tháng 5/2011.
Mới đây, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram được cho đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ở một khu chợ điện thoại tại Azare thuộc bang Bauchi, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng hôm 16/11/2014. Hiện nhóm khủng bố trên đã kiểm soát 2 thành phố và chiếm 1/3 khu vực phía đông bắc Nigeria nhằm thành lập nhà nước Hồi giáo.
3. Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran
Qassem Suleimani - Thủ lĩnh của lực lượng Quds được
New York Times gọi là "Tư lệnh bóng tối". Mặc dù chính phủ Mỹ không xem lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran như một tổ chức khủng bố nhưng những hoạt động của tổ chức này gây ra rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, Quds là đầu mối kết nối, duy trì và hỗ trợ những tổ chức khủng bố trong khu vực như Hezbollah, Hamas... để mở rộng ảnh hưởng của Iraq và giữ thế cân bằng với kẻ thù.
Tháng 10/2007, Bộ Tài chính Mỹ xem Quds là "một nhóm cần lưu tâm" vì hành vi hỗ trợ khủng bố. Theo bộ này, mỗi năm lực lượng Quds viện trợ cho Hezbollah khoảng 100 triệu - 200 triệu USD.
4. Mạng lưới Haqqani
|
Hai thủ lĩnh mạng lưới Haqqani là Anas Haqqani (trái) và Hafiz Rashid (phải) bị bắt ở tỉnh Khost Afghanistan. |
Mặc dù Bộ Ngoại giao
Mỹ xác định Haqqani là tổ chức khủng bố từ mùa thu năm 2012 nhưng tổ chức này vẫn là một trong những băng đảng chống Mỹ nguy hiểm nhất ở Afghanistan. Bất kỳ một cuộc tấn công khủng bố nào xảy ra ở thủ đô Kabul, giới quan sát tình hình Afghanistan ngay lập tức cho rằng nhóm Haqqani đứng đằng sau.
Không những vậy, mạng lưới Haqqani còn có mối quan hệ sâu sắc với các bộ lạc dân tộc phía đông Afghanistan, cũng như việc họ sẵn sàng hợp tác với phiến quân, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, tổ chức Taliban của Pakistan, Phong trào Hồi giáo Turkistan. Haqqani đã hỗ trợ tài chính cho các tổ chức trên để tiếp cận vùng biên giới Afghanistan - Pakistan hay đưa ra những lời khuyên về chiến thuật tấn công chống lại quân đội Afghanistan và liên quân quốc tế.
5. Kataib Hezbollah
Kataib Hezbollah thành lập vào khoảng năm 2006 - 2007, trở nên nổi tiếng thế giới qua những lần phục kích và tấn công quân đội Mỹ lúc họ tuần tra xung quanh biên giới Iraq hay đặt bom tự chế trên những tuyến đường mà xe bọc thép Humvees của Mỹ đi qua. Chính vì vậy, Mỹ đã chính thức xếp Kataib Hezbollah vào danh sách những tổ chức khủng bố quốc tế từ năm 2009.
"Kataib Hezbollah đe dọa cuộc sống của các chính trị gia Iraq và người dân ủng hộ tiến trình chính trị hợp pháp tại Iraq", Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm Kataib Hezbollah đã thay đổi phương thức hoạt động trong 5 năm gần đây.
Trên thực tế, do tình hình quân đội chính phủ Iraq suy yếu nên Kataib Hezbollah có cơ hội phát triển mạnh. Chính phủ Iraq dưới thời cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki và hiện nay là Haider al-Abadi đã phải phụ thuộc không chính thức vào những phiến quân người Shia như nhóm Kataib Hezbollah để củng cố sức mạnh quân đội chống lại sự bành trướng chiếm lãnh thổ của lực lượng IS ở phía Tây.