Phụng dưỡng: Bố chồng “kể tội” con dâu

Google News

Đời người, đi đến đốt nào, gặp đoạn nào đành phải chịu đoạn ấy chứ già cả ốm đau đâu có sung sướng gì...

(Kienthuc.net.vn) - “Làm người ai chẳng muốn mình trẻ trung, khỏe khoắn nhưng sinh, lão, bệnh, tử đã là vòng luân hồi, muốn tránh cũng chẳng biết tránh làm sao. Đời người, đi đến đốt nào, gặp đoạn nào đành phải chịu đoạn ấy chứ già cả ốm đau đâu có sung sướng gì. Con cháu thảo hiền, ngoan ngoãn còn đỡ tủi phận già yếu, con cháu mà bất nhân, hay chỉ cần chúng nó dằn vặt nhau vì mình, thì làm cha làm mẹ, lòng mình đau lắm cô ơi!”

Những giọt nước mắt nghẹn ngào, khó nhọc lăn trên gương mặt méo mó của cụ ông đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy khiến tôi cũng không nói được nên lời. Nỗi niềm đau đáu của Cụ Đào Văn Kha, 79 tuổi, (Yên Phong, Bắc Ninh) dường như lần đầu được trút ra khi tôi hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình, sự chăm sóc của con cái dành cho cụ.

Ảnh chụp cụ Kha trong lễ mừng thọ 75 tuổi, khi mới ngã bệnh
Ảnh chụp cụ Kha trong lễ mừng thọ 75 tuổi, khi mới ngã bệnh (Ảnh làm mờ theo yêu cầu của nhân vật)
“Tôi tuy nằm một chỗ sau lần ngã bệnh, vệ sinh đi lại phải nương nhờ con cháu đỡ đần nhưng còn hơn nhiều người già khác, đầu óc tôi vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Hơn nữa, đồng lương bộ đội của tôi dù là lương hưu nhưng cũng thoải mái so với đám con cháu. Vậy mà...

Mới có hai năm nay thôi nhưng ngày ngày sống và đối diện với cách cư xử của con dâu, tôi thấy những người già cứ đụp một cái mất đi, không phải cậy nhờ con cháu hóa ra lại hạnh phúc hơn tôi nhiều, không phải sống trong dằn vặt, tê tái, xót xa.

Con dâu tôi cũng là người có học. Bảo rằng nó ngược đãi, đánh đập tôi hay bỏ mặc, bỏ đói như báo chí đã đưa nhà này nhà nọ thì cũng không đến mức ấy. Nếu tôi lẩn thẩn như người ta thì tôi cũng chẳng có gì khổ sở cả, nó vẫn cho ăn no, ở sạch nhưng đằng này tôi lại tỉnh táo bình thường, nên những việc nó làm, những lời nó nói, những khi chúng nó cãi nhau cứ như dao sắc cứa vào lòng, nhất là khi nó, vì phận làm dâu mà phải chăm sóc tôi nhưng trong lòng nó vừa ghê rợn, vừa ngại ngần, sợ hãi...; Thậm chí những khi nó chăm sóc hiếu thuận hết lòng, tôi cũng thương hại vô cùng.

Ngày tôi mới ngã bệnh, đến bữa, con trai tôi vẫn bế ra ngồi ăn cùng cả nhà. Dần dà, tôi cũng yếu hơn, phần nữa chắc nó xót chồng phải bê vác bố đi lại nặng nhọc, nó bảo thôi để nó mang cơm vào phòng cho, bố đỡ cực. Ừ thì đúng là đỡ cực thật, nhưng tôi có ăn bao nhiêu đâu, chỉ mong giờ cơm để được vui vầy con cháu, mà nó nỡ...

Quần áo tôi thay ra con dâu giặt giũ hàng ngày. Thế mà mới đây, tôi lăn xe ra cửa, thấy nó mở cửa phòng giặt đồ. Đồ của vợ chồng con cái thì giặt máy giặt, còn đồ của tôi, con dâu bỏ vào chậu, đổ xà phòng, đi ủng cao đến đầu gối rồi giẫm, sau đó nó lại xả nước tràn ra, đến lúc hết bọt, nước trong nó mới thò tay xuống vắt khô. Xưa nay tôi vẫn biết nó sợ đồ của người bệnh bẩn, lây sang cho bọn trẻ, nhưng nhìn cảnh ấy, tôi thấy như nó bóp tim mình.

Con dâu tôi mang tiếng hiểu biết nhiều, mà nó ghê tôi như là tôi bị bệnh nan y lây truyền, dù tôi chỉ bị tai biến. Nó hình như còn không cho hai đứa cháu gái vào phòng tôi. Những lúc chồng nó bế tôi ra ngoài phòng khách thì tôi mới được gần gũi các cháu mình.
Người già đau ốm, được chết nhanh là trời thương. Ảnh minh họa.
"Với tôi, tôi thấy mình phải dựa vào con cháu là nỗi bất hạnh, nỗi đau". Ảnh minh họa.

Thi thoảng, khi nó muốn cả nhà cùng về quê hay đi chơi với cơ quan, hoặc muốn tổ chức gì đó mà chồng nó không đồng ý vì không nỡ để tôi ở nhà một mình là nó xầm xì, sụt sịt khóc lóc. Có lần nó còn giận lây sang chồng, mang con về nhà ngoại cả tuần. Mỗi lần ngồi trong phòng nghe vợ chồng nó nói qua nói lại ngoài ấy, tôi đều khóc. Tôi vừa thương vừa buồn cho con cháu mình.

Tôi không phải người khe khắt gì, tôi chẳng bao giờ đòi hỏi con cái phải báo hiếu thế này thế nọ vì cha mẹ nuôi con là nợ đồng lần ở đời. Nhưng đến khi “lực bất tòng tâm” thế này, tôi mới thấy ông bà nào già cả mà trúng gió rồi đi liền đúng là số sướng. Chắc kiếp trước họ tu nhân tích đức tốt nên kiếp này sớm được siêu thoát. Còn tôi, chắc tôi mang nợ từ kiếp trước ăn ở bạc ác của mình.

Có lắm khi, tôi muốn bảo con cái cho tôi vào viện dưỡng lão để đỡ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống riêng của chúng nó; lương tôi chắc cũng đủ để đóng nộp nhưng tôi sợ hàng xóm, đồng nghiệp, họ hàng nghĩ con trai mình bất hiếu, ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự nghiệp của nó.

Tôi chẳng biết ai nói tuổi già được dựa vào con cháu là hạnh phúc. Với tôi, tôi thấy mình phải dựa vào con cháu là nỗi bất hạnh, nỗi đau. Cha mẹ đáng lẽ phải là chỗ dựa cho con, đằng này như tôi lại thành gánh nặng của chúng nó.

Nói thật với cô, ốm đau như này, nhìn con cháu khổ sở vất vả quá, tôi chỉ muốn chết sớm đi thôi... Có mỗi mong muốn ấy, mà ông trời chẳng thương!"

An Nhiên (Ghi theo lời cụ Đào Văn Kha)

Bình luận(0)