Trò ăn năn: Thầy sững người vì bị đặt biệt hiệu “dê“

Google News

(Kiến Thức) - Đối phó với những trò quậy phá dường như bất tận của đám học trò cũng chỉ làm cho các thầy cô đau đầu. Nhưng với những trò đùa quá lố của chúng thì nhiều khi cũng để lại những vết thương sâu trong lòng thầy cô giáo.

LTS: Câu chuyện tình thầy trò không chỉ có những bó hoa, lời chúc mừng, những khẩu hiệu biết ơn..

Đâu đó, lại có những hiểu lầm, tức giận, những hành động bồng bột mà có khi phải trả giá bằng tù tội và cái chết. Nhưng sau cùng vẫn là những câu chuyện nhân văn về sự ăn năn, tha thứ và trở về với yêu thương...

Kienthuc.net.vn đăng loạt bài "Trò ăn năn" nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thời còn đi học, chắc ai cũng quen với trò đặt biệt danh cho bạn để trêu nhau. Rồi cái trò đùa tưởng chừng vô thưởng vô phạt này bị đẩy xa hơn một bước khi đám học sinh chúng tôi tự đặt biệt danh cho các thầy cô giáo.

Có những biệt danh dễ thương, đáng yêu như cô Hoa “xinh” vì cô giáo dậy môn sinh học, lại trẻ và xinh thật nữa; thầy Trường “tiến sĩ” do thầy dạy hay và đào tạo được nhiều học sinh giỏi… Nhưng cũng có những biệt danh mà khi biết học sinh đã đặt cho mình thì thầy cô cũng phải rớt nước mắt.

Cô giáo dạy toán của chúng tôi hồi ấy tên là Kim và bị chúng tôi đặt biệt danh là Kim “keo” chỉ vì tính cô khá tiết kiệm. Những viên phấn cô dùng thường cố gắng tận dụng tối đa đến mức chỉ có thể cầm mớm bằng 2 ngón tay, thậm chí cô còn nhặt lại những viên phấn thừa của lớp khác để dùng cho đỡ phí.

Cô chưa bao giờ thấy xấu hổ với tính tiết kiệm đó nhưng khi biết biệt danh mà đám học sinh đặt ra để gọi mình, cô cũng không khỏi chạnh lòng. Rồi thầy Linh, chỉ vì hơi khó tính mà bị đặt ngay biệt danh là Linh “cẩu”...

 

Nhiều lúc thấy ân hận vì những trò đùa ngày xưa
"Nhiều lúc thấy ân hận vì những trò đùa ngày xưa", anh Nguyễn Việt Dũng áy náy lương tâm.

Nhưng có lẽ cảm thấy bị xúc phạm nhất vẫn là biệt danh Điểm “dê” mà mấy đứa học trò “ưu ái” dành tặng cho thầy Điểm, giáo viên dạy môn thể dục của trường. Chẳng là thầy dạy môn thể dục nên luôn phải trực tiếp hướng dẫn và sửa các động tác sai của học trò, không thể tránh được những động chạm cơ thể vốn rất bình thường đối với môn thể chất như vậy.

Khi thầy sửa cho học sinh nam thì không sao chứ cứ mỗi lần “động” vào mấy đứa con gái là mấy thằng con trai lại túm tụm, ngó ra cười khả ố “đấy, đấy, lại bắt đầu rồi đấy”. Mấy thằng "chơi" ác còn đem những chuyện trong giờ học thêm mắm thêm muối đi tuyên truyền khắp cả trường.
 
Cứ từ miệng đứa này qua đứa khác, câu chuyện càng thêm ly kỳ, rồi học sinh cả trường, khóa này qua khóa khác đứa nào cũng tin sái cổ rằng thầy “sàm sỡ” họ sinh nữ trong giờ học. Cũng chẳng hiểu từ bao giờ mà câu chuyện về thầy Điểm “dê” trở thành chủ đề "hot" luôn được mang ra bàn tán. Nhiều học sinh mới chưa từng học tiết thể dục nào của thầy cũng có thể kể lại câu chuyện về thầy một cách sống động như chính mình tận mắt chứng kiến.
 
Nói sau lưng thầy thì cũng đành coi như không biết, đằng này mấy thằng bị điểm kém “a cay” thầy còn nhờ bọn bạn học trường khác cứ nhè giờ tan trường đông đúc, chờ lúc thầy vừa ra khỏi cổng là cả lũ ré lên: “A lão Điểm "dê", lão Điểm "dê" kìa chúng mày ơi!”.
 
Tôi vẫn nhớ lần đó thầy chợt sững lại, đứng như trời trồng giữa đám học sinh đang cười nghiêng ngả, những đứa trẻ mà hàng ngày thầy vẫn yêu thương, dạy dỗ. Mấy đứa kia đã ngồi sẵn lên xe chỉ chờ thầy xông ra là phóng xe chạy ngay nhưng thầy không nói gì, cũng không tỏ vẻ tức giận, lẳng lặng lên xe đi về. Cái dáng gầy gò, khắc khổ còng lưng trên chiếc xe cũ đạp thật nhanh như muốn bỏ lại ngôi trường, bỏ lại cái đám học trò của mình sau lưng.
 
Nhiều năm sau khi đã trưởng thành, có những lần tụ tập cùng mấy thằng bạn cũ, chúng tôi lại đem chuyện đó ra kể lại và tự vấn: Có đúng là ngày đó thầy “dê” thật không? Có đúng ngày đó thầy “sàm sỡ” mấy đứa con gái trong lớp không?... Chắc chắn là không!
 
Có lẽ câu trả lời này đứa nào cũng biết cả, thậm chí đều đã biết từ mười mấy năm trước rồi nhưng không đứa nào đủ dũng cảm để nói ra sự thật đó. Để đến bây giờ sau nhiều năm xa cách chúng tôi vẫn nợ thầy một lời xin lỗi mà chưa bao giờ có có hội để nói với thầy.
 
Nguyễn Việt Dũng (cựu học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội)
 
BÀI ĐỌC NHIỀU:
 

Bình luận(0)