Trò ăn năn: “Cô ế nên cấm chúng tôi yêu à?“

Google News

(Kiến Thức) - “Cô tưởng cô không có ai yêu, không lấy được chồng nên cô cấm chúng tôi yêu à? Có phải ai cũng ghê gớm, muốn ế chồng như cô đâu!”. Tôi hét như vậy vào mặt cô giáo vì bị mắng yêu đương nhăng nhít, sao nhãng học hành. (Hoàng Phương Linh, cựu học sinh Lớp C, trường THPT Vụ Bản - Hòa Bình)


LTS: Câu chuyện tình thầy trò không chỉ có những bó hoa, lời chúc mừng, những khẩu hiệu biết ơn..

Đâu đó, lại có những hiểu lầm, tức giận, những hành động bồng bột mà có khi phải trả giá bằng tù tội và cái chết. Nhưng sau cùng vẫn là những câu chuyện nhân văn về sự ăn năn, tha thứ và trở về với yêu thương...

Kienthuc.net.vn đăng loạt bài "Trò ăn năn" nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô chủ nhiệm cấp 3 ngày xưa của tôi là "bà khốt ta bít” chính hiệu, vừa già lại vừa khó tính nổi tiếng nhất trường.Cô phạt nặng khi chúng tôi vi phạm nội quy và đặc biệt khoản oái ăm nhất là cô cấm chúng tôi yêu. Mọi người bảo vì khó tính quá nên cô không lấy được chồng.

Khi tôi học lớp 11, vì tôi học giỏi văn nên được cô ưu tiên cho đi ôn thi để thi vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh. Hồi đó tôi cũng thích một bạn trai lớp chuyên Lý. Hai đứa quấn quýt nhau nên việc học hành cũng sao lãng đi nhiều, kết quả học tập của tôi tụt giảm trông thấy.

Liên tiếp 2 đợt thi loại cuối cùng tôi đã không đủ điểm để vào đội đi thi học sinh giỏi tỉnh. Cô gọi riêng tôi ra và hỏi tại sao, tôi lầm lì không chịu nói. Cô mời bố mẹ tôi lên để tìm lý do vì sao tôi học không còn tốt như trước nhưng bố mẹ tôi cũng không rõ nguyên do. Thế rồi chuyện tôi có người yêu cũng đến tai cô.

Cô giận lắm, chưa bao giờ tôi thấy cô giận đến thế. Trước mặt cả lớp cô mắng tôi đua đòi, mới nứt mắt ra chưa có cái gì trong tay đã đòi yêu với đương...

Tôi xấu hổ, đầu cứ ong lên, không còn biết phải trái đúng sai tôi đã hét thẳng vào mặt cô giáo: “Cô đừng nói nữa, cô thích phạt thì phạt đi. Cô tưởng cô không có ai yêu, không lấy được chồng thì cấm người khác yêu là cấm được à? Có phải ai cũng ghê gớm, cũng bị ế chồng như cô đâu”.

Nói xong tôi chạy ra khỏi lớp. Còn cô thì đứng như trời trồng giữa bục giảng, không thể ngờ đứa học sinh cưng của mình có thế thốt lên những lời như  thế. Sau này tôi nghe các bạn kể lại, cô đã khóc và đi ra khỏi lớp, suốt ngày hôm đó, những tiết dạy của cô đều nhờ thầy cô khác. Có lẽ cô không đủ bình tĩnh để dạy tiếp.
 
Ảnh lớp tôi chụp cuối lớp 11, cũng là lúc cô bỏ trường đi
Ảnh lớp tôi chụp cuối năm lớp 11, cũng là lúc cô bỏ trường đi. (Ảnh người kể cung cấp)

Sau lần đó, cô đối xử với tôi vẫn thế, cô vẫn nhắc nhở tôi học hành, vẫn nghiêm khắc với từng đứa trong lớp. Nhưng không còn những buổi cô gọi tôi đến nhà ôn thêm để đi thi, không còn những lần cô nấu cơm cho chúng tôi ăn những buổi trưa vất vưởng ở lại trường nữa. 

Hết năm học lớp 11 của chúng tôi, cô xin thôi chủ nhiệm. Lớp tôi được giao cho một cô  giáo khác trẻ hơn cô, vui tính hơn cô và dạy cũng giỏi không kém gì cô. Nửa năm sau nữa thì cô xin chuyển trường về quê của cô ở tận Quảng Ninh.

Sau đó tôi mới biết chồng cô bỏ cô từ khi cô còn trẻ vì cô không thể có con, rồi cô cứ ở vậy một mình. Cô đã thương chúng tôi, lo cho chúng tôi như những đứa con của mình. Còn tôi, "đứa con hư hỏng" lại điềm nhiên xát thêm muối vào lòng… Bây giờ có chồng có con,  tôi mới thực sự hiểu năm đó vì sao lời nói của tôi khiến cô nặng nề đến vậy.

Biết bao nhiêu lần tôi tự nhủ với mình đến gặp xin lỗi cô nhưng chưa làm được. Lời nói năm nào vẫn là gánh nặng canh cánh trong lòng tôi. Tôi muốn một lần được nói: Em xin lỗi cô!

Hoàng Phương Linh (cựu học sinh Lớp C trường THPT Vụ Bản – Hòa Bình)

Bình luận(0)