Tết sinh viên: Cầm đồ... đi nhậu giải đen(?)

Google News

(Kiến Thức) - Tết dương lịch năm nay nghỉ đến 4 ngày, trong khi nhiều sinh viên hối hả về với gia đình, không ít sinh viên "trốn" không về quê, ở lại Hà Nội chỉ để... “giải đen năm cũ”.


LTS: Cầm đồ để ăn nhậu, hẹn hò "trao tình", "trốn" không về vì sợ bố... là những "chiêu trò" của sinh viên không về quê trong dịp Tết dương lịch. Kienthuc.net.vn xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài "Tết sinh viên".
 
Sinh viên "tấp nập" đến hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi

Do một lượng lớn người đổ về quê trong dịp nghỉ lễ nên nhiều cửa hàng ở Hà Nội trở nên vắng vẻ, có cửa hàng đã đóng cửa hẳn vì có mở cũng không có khách. Thế nhưng, tại một số tuyến phố, nhiều hiệu cầm đồ vẫn tấp nập khách ra vào. 

"Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày giáp Tết dương lịch, sinh viên đến cầm đồ khá đông. Mục đích cầm đồ thì tôi không rõ. Bởi đã là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cầm được cái gì thì ngã giá, vấn đề khác tôi không quan tâm, miễn là đúng pháp luật" - anh Nguyễn T., chủ một hiệu cầm đồ trên đường Láng cho biết.

 Các cửa hàng cầm đồ vẫn mở cửa ngày nghỉ.

Vào một hiệu cầm đồ ở Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội), PV đã chứng kiến cảnh ngã giá thêm bớt từng đồng của một sinh viên tên Nam với chủ cửa hiệu. Sinh viên này năn nỉ chủ hiệu cầm cho cái thẻ sinh viên, kèm chứng minh của mình với giá 2 triệu nhưng chủ hiệu không đồng ý. Sau một hồi "bớt một thêm hai", Nam nhận 1 triệu với mức lãi 15%/ngày rồi vội vã rời khỏi cửa hiệu.

Chủ cửa hiệu này cho biết: "Thời buổi khó khăn, sinh viên cầm cố khá nhiều. Với bằng tốt nghiệp đại học loại khá bây giờ cũng chỉ cầm ở mức 2 triệu đồng. Còn với thẻ sinh viên thì 1 triệu là đã nhân nhượng, thông cảm rồi. Vì không hiếm trường hợp không quay lại chuộc thẻ".

Không chỉ các cửa hiệu cầm đồ “làm ăn” vào dịp Tết dương lịch, nhiều người cho vay tín dụng với mức lãi suất cao cũng tấp nập "chém khách". Với thủ tục đơn giản, chỉ cần chứng minh thư, viết giấy cam kết ngày trả, thỏa thuận lãi xuất, chủ cửa hiệu gần trường Đại học Công nghiệp đã giải quyết 10 "hồ sơ" trong vòng 15 phút PV có mặt. Mức lãi suất vay khá cao, thường từ 15 đến 20%/ngày nhưng không ít sinh viên vẫn chọn cách này. 

"Gần Tết, trăm thứ cần đến tiền, đồ đạc từ máy điện thoại, máy tính, xe máy đều đã đem đi cầm cố. Chỉ có ra cửa hàng “tín dụng đen” vay mới được tiền, dù lãi suất cao nhưng lúc khó khăn như thế này vay được cũng đã là may mắn", sinh viên Đoàn Bá, trường Cao đẳng Công nghiệp in cho biết.

Ném “tiền cắt cổ" vào những cuộc chơi

Nhiều sinh viên giải thích hành động cầm đồ dịp nghỉ Tết dương lịch để có tiền về quê, để trả nợ a,b,c... Nhưng một số khác dù đi vay với lãi suất "cắt cổ", mang hết đồ đạc có giá trị đi cầm đồ lại không ngại ngần "ném" tất cả số tiền đó vào các cuộc nhậu, hát karaoke để... “giải đen năm cũ”(?). 

"Nghỉ tết 4 ngày em chả dại mà mà quê. Bởi về quê thì xa quá, cũng không có gì để chơi nên em tận dụng quãng thời gian này để vui chơi, vừa xả stress do học hành căng thẳng, vừa để giải đen “ám” suốt năm qua" - sinh viên Hải Nam, Đại học KD&CN cho biết.

Khi được hỏi gia đình không gửi tiền lên thì lấy tiền đâu mà ăn chơi, sinh viên này không ngần ngại cho biết: "Không có tiền thì vay mượn, không thì cầm đồ, đằng nào cũng hết năm rồi, sang năm mới, gia đình lại gửi tiền ra. Nhận được tiền rồi,  em sẽ đi chuộc lại".

"Tuổi trẻ thì phải "ăn chơi" mà đã "ăn chơi rồi thì sợ gì mưa rơi", em cứ chơi hết mình, rồi đến đâu thì đến. Đằng nào thì cũng chỉ có mấy ngày nghỉ được vui chơi "tới bến", Tết âm lịch thì phải về với gia đình", sinh viên Nguyễn Quyết, quê Nghệ An, hiện đang theo học trường Đại học Công nghiệp cho biết.

 Có một số sinh viên xa nhà đã tận dụng những ngày nghỉ để tiêu xài, ăn chơi.

Vốn mê những cuộc đỏ đen "thâu đêm suốt sáng", sinh viên tên Thái, trọ tại thôn Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) có kiểu giải thích rất hài hước cho những ngày “trốn” không về của mình: "Em không chơi bời nhậu nhẹt, chẳng qua là muốn kiếm thêm thu nhập. Nếu trúng lô thì có thêm tiền học phí, không trúng thì chơi tá lả gỡ lại".

Với rất nhiều lý do đưa ra để biện minh cho việc "ăn chơi ngày Tết" của mình, nhiều sinh viên không nghĩ đến hậu quả của những cuộc chơi, khi tàn cuộc vui là những cuộc gọi báo nợ về gia đình. Thậm chí, điều đó còn có thể dẫn tới những việc làm phi pháp khi họ rơi vào cảnh túng quẫn.

Văn Văn

Bình luận(0)