Anh Nguyễn Văn Hùng ở Thanh Lương (Bình Long – Bình Phước) trước đây vốn là một đầu mối chuyên cung cấp bò sữa giống cho các trang trại nuôi bò sữa trên địa bàn TP. HCM. Nhưng do giá sữa thất thường nên nhiều chủ trang trại phá sản, không còn đầu ra, anh cũng bị lỗ vốn và điêu đứng theo. Tài sản bao năm tích góp đầu tư vào đàn bò sữa giống cũng vì thế mà vơi đi gần hết, tiếp tục xoay sở hết việc này việc khác cũng thua lỗ. Cuối cùng anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi trâu vỗ béo ở ngoại thành TP. HCM.
|
Anh Hùng và công việc chăn nuôi đàn trâu của mình. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của anh Hùng sớm phải lo toan với cơm, áo, gạo tiền vì bố mẹ mất lúc anh 13 tuổi. Anh phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi.
Trong những ngày lang thang, lam lũ đó anh được nhận vào làm trong một trại bò. Hàng ngày trực tiếp chăm sóc cho những con bò của trại đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, phong trào nuôi bò sữa ở TP. HCM bắt đầu nở rộ, anh Hùng nghỉ làm việc ở trang trại ra làm riêng. Bằng kinh nghiệm thực tế có được, công việc làm ăn của anh nhanh chóng đi lên nhưng đến những năm 2000, giá sữa xuống thấp, các chủ trang trại phá sản nên anh cũng điêu đứng. Anh đành bán rẻ đàn bò sữa giống, chấp nhận lỗ.
|
Anh Hùng luôn trăn trở tìm cách làm ăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này. |
Bỏ nghề cung cấp bò sữa giống, chút vốn liếng còn lại anh tính đầu tư vào cây điều nên chuyển cả gia đình về tỉnh Bình Phước sinh sống nhưng lại một lần nữa giá hạt điều lại giảm mạnh, vốn liếng đầu tư mất cả.
Sau hai lần thất bại, tài sản đem thế chấp trả nợ, anh suy sụp hoàn toàn. Trong lúc chán nản anh nhận thấy ở địa bàn Bình Phước có rất nhiều trâu, đặc biệt là ở vùng biên giáp với Campuchia.
“Người dân ở vùng này bán trâu chủ yếu bán vo (tức là nhìn con trâu rồi định giá chứ không cho lên cân) mà mình đã có thời gian chăn nuôi bò khá lâu nên cũng có chút kinh nghiệm coi bò rồi định giá, phần thắng là nhiều chứ không thua” - anh Hùng tâm sự.
Hiện tại anh thuê một vườn cây ở TX Dĩ An làm chuồng nuôi nhốt trâu ban đêm, còn ban ngày thả chúng ở những đồng cỏ trong những khu công nghiệp. Sau khi mua được trâu ở Bình Phước, qua kiểm dịch của thú y, anh thuê xe chuyển về Bình Dương rồi tiêm thuốc tẩy giun và cho nhập đàn.
Anh tiết lộ: “Hiện nay anh có khả năng nhìn trâu và cân bằng mắt chỉ chênh lệch từ 2kg thịt đổ lại. Đó không phải ngày một ngày hai là có được mà phải có thời gian dài rút ra kinh nghiệm”.
Căn cứ vào đó anh làm phép tính đơn giản: Một con trâu gầy khi mua về sau một tháng chăm sóc, vỗ béo trên đồng cỏ sẽ tăng ít nhất 10kg thịt. Trong khi đó giá anh giao vào lò mổ là 160.000đ/kg, một tháng anh giao ít nhất là 40 con. Tính ra thì thu nhập cũng được 50 triệu đồng trên tháng trừ tất cả chi phí.
|
Đàn trâu của anh Hùng được chăn thả trong các bãi cỏ rộng ngoại thành. |
Để chủ lò mổ chấp nhận nhập hàng, ngoài việc giá cả thì chất lượng thịt rất quan trọng nên không phải bãi cỏ nào cũng có thể nuôi được trâu. Từ kinh nghiệm bản thân anh Hùng chia sẻ: “Nước uống cho trâu có vai trò chủ đạo quyết định chất lượng thịt thành phẩm, đủ nước thì thịt trâu tươi bắt mắt, thiếu nước thì sẽ bị thâm”.
Anh Hùng duy trì đàn trâu 50 con đủ để xoay vòng cung cấp cho lò mổ nên phải thuê thêm một người trông coi đàn trâu. Những con trâu mua về chăm sóc được một tháng ước tính đã có lãi là cho xuất bán và tiếp tục nhập thêm trâu mới.
Thu lãi cao như vậy nhưng anh Hùng cũng không dám khẳng định sẽ theo đuổi công việc này lâu dài. Bởi vì anh nhận định giá thịt trâu cũng có thể thay đổi, nếu xuống thấp quá thì anh sẽ không làm nữa.
Tuy nhiên, hiện tại anh thấy thoải mái với nghề mình đang làm, dù vất vả thức đêm thức hôm nhưng nó giúp gia đình anh trả hết nợ, đáp ứng được một số nhu cầu của cuộc sống. Hơn nữa, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, công việc này của anh đang đem lại thu nhập ổn định.
TIN LIÊN QUAN