Khu tập thể của chúng tôi có 1 bà cực kì ghê gớm. Nói như bọn trẻ bây giờ, bà chính là “cảnh sát khu vực”.
Nhà bé Na có cây táo ngọt. Một buổi, tôi chui rào lẻn vào vườn nhà bé, vặt táo nhai rau ráu.
Tôi bị bé Na phát hiện nhưng cô bé không trách mắng gì, còn vẫy tôi lại sát ban công, xoè cho mấy cái kẹo. Tôi một tay bám vào ban công, một tay vung vẩy đu đưa theo nhịp, mồm vừa ăn táo, vừa ăn kẹo, phồng mang trợn má. Nuốt xong cả táo cả kẹo, tôi véo von đọc vè cho bé nghe, hai đứa cười lúc rúc.
|
Những trò chơi trẻ con sẽ không thể phai nhòa trong ký ức |
Đúng lúc, bà “cảnh sát” mở cửa chính phía trước, gọi toáng lên. Bé Na hoảng quá, vội vã xui: “Anh trốn đi”. Tôi nhảy bụp xuống vườn, trốn vào khu chuồng lợn.
Bà hàng xóm choe chóe: “Đứa nào ở đằng sau đấy? Nói chuyện với đứa nào đấy. Bố cháu gửi cháu cho bác là bác phải có trách nhiệm trông. Dịch ra xem đứa nào”.
Con lợn trong chuồng thì cứ lồng lộn, gào thét chồm lên cái tấm gỗ ngăn, tôi càng "suỵt suỵt" thì nó càng rống lên thảm thiết. Nó cứ làm như tôi là chậu cám nóng hổi được mang đến trước mặt nó rồi mà không cho nó xơi.
Bà hàng xóm nhảy “piu” qua cái ban công, phi xuống vườn, ngó ngó nghiêng nghiêng. Bà bước qua cây chua me, bị gai me cào vào đuôi mắt, kêu "á! á!" mấy tiếng. Bà ngó vào cái chuồng vịt, chả biết để đếm xem nhà bé Na có bao nhiêu con vịt hay bà nghĩ rằng tôi đủ nhỏ để chui vào trốn được trong cái hốc bé tí tì ti ấy?
Bà hàng xóm chổng mông lên ngó, không ngờ con vịt trong chuồng mổ cho bà phát khiến bà giật mình bổ chửng. Tôi buồn cười quá cười ré lên, giật lùi ngã đổ cả tấm gỗ ngăn chuồng lợn. Con lợn hoảng hốt phóng ra vườn, còn tôi hốt hoảng thấy bà hàng xóm xách tai tôi lôi sềnh sệch tru tréo: “Á à, đây rồi, con nhà Hoàn đây rồi, trốn vào tận đây cơ à, biết ngay mà, đã nghe thấy tiếng từ lúc nãy rồi. Ranh con, mới nứt mắt ra đã học đòi chuyện người lớn. Rồi bà quay sang chì chiết bé Na: Tao về tao mách bố mày, dám mở cửa cho thằng nhãi ranh này vào cơ à?”.
Bé Na mặt xám ngoét, lắp bắp: “Cháu có mở cửa đâu”.
Tối đấy, bé Na bị một trận đòn mê tơi thật. Bố mẹ tôi thì cứ tra khảo: “Nó mở cửa cho mày vào à?". Tôi có giải thích đến trăm lần là tôi chui rào, luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia, rồi dừng lại ở vườn nhà bé Na, bố mẹ tôi cũng không chịu tin, một mực cho là con gái nhà đấy hư đốn, mở cửa cho “trai” vào nhà, đổ hết lỗi xấu cho bé Na.
Chỉ để chứng minh là con trai ông bà trong sạch, bị “dụ dỗ” chứ không phải thằng chui rào ăn cắp, mẹ còn kéo theo đồng minh là 1 bà hàng xóm khác: “Thằng nhà em mà chui rào thì kiểu gì cũng phải chui được qua vườn nhà chị, rồi mới tới được nhà con Na. Mà qua vườn nhà chị thì con Mích nó đã cắn cho cụt ch... rồi, chị Mịch nhỉ”.
Bà Mịch thấy mẹ tôi mồm năm miệng mười thì cũng ậm ừ cho xong. Từ hôm đấy, tin đồn tôi với bé Na làm chuyện người lớn lan khắp khu tập thể. Lúc đấy tôi mới lớp 6, bé Na lớp 5.
Đấy là hoạ của tôi, mà chính xác ra là họa của bé Na. Đi đâu, bé cũng bị chỉ chỉ trỏ trỏ, xì xầm nhỏ to. Bà “cảnh sát” thì đi tới đâu cũng được các bà trong khu mời vào tường thuật.
Thế là bà ý thêm mắm thêm muối, kể rất chi là li kì. Nhà nào có con gái liền cấm tiệt không cho chơi với bé Na. Bọn trẻ trong khu thì "chế", viết đầy tên tôi với tên bé Na lên tường khu tập thể. Bọn chúng còn vẽ cả hình minh họa, có cả lời lẽ bậy bạ chửi bé Na.
Sang năm sau thì nhà bé Na chuyển đi. Bé Na đứng trông đống đồ đạc ngổn ngang, mặt cúi gằm, tay ôm chặt con búp bê nhựa.
Bố bé Na chằng cái thừng qua vai, kéo cái xe cải tiến chở đồ đạc. Bé ngồi ngất ngư trên đống đồ, đi qua gốc cây xoan, khẽ vẫy vẫy chào tạm biệt tôi đang nấp sau đó. Tôi nắm chặt mấy cái kẹo trong tay, mồ hôi ra ướt nhoẹt hết lớp giấy gói.
Cha con bé Na lọc cọc đi khuất rồi, tôi đá cho cái cây xoan một phát. Hoa xoan liêu xiêu rụng. Mấy cái kẹo tạ lỗi với bé Na cuối cùng cũng không dám đưa cho bé. Tôi về nhà, đá thúng đụng nia, tìm cách trả thù bà “cảnh sát”.
Con gái bà “cảnh sát” là chị Đào. Chị rất xinh, thường mặc áo dài trắng. Trong khu có nhà anh Hùng mới chuyển đến, anh hơn chị Đào 1 tuổi. Tất cả mọi trò ngỗ ngược trong khu bắt đầu có anh ấy cầm đầu.
Nghe tôi tâm sự về nỗi oan khuất của mình, anh Hùng bảo: “Đã có cách phục thù”. Đợi người lớn đi làm hết, anh gọi thêm mấy anh nữa, ngồi dưới sân khu tập thể, còn tôi được bố trí đứng ở ban công tầng 4 nhà anh. Khi chị Đào chuẩn bị đi qua, là các anh ra ám hiệu, tôi căn đúng tầm là dội ào xô nước xuống, xong thụt vào ngay.
Trúng nước, chị Đào ngượng trân trối vì cái áo dài trắng dính đét vào người, lộ hết cả da thịt, còn các anh lớn ngồi sẵn phía dưới khu thì cười hô hố ha há, xuýt xoa: “Đẹp quá”.
Sau chị không mặc áo dài nữa nhưng đi qua chỗ chúng tôi vẫn bị dội nước. Đến lần chị loạng choạng ngã chảy máu thì chúng tôi mới chừa hẳn cái trò quái ác.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mong 1 lần được gặp lại bé Na và chị Đào, để xin lỗi họ về những gì tôi đã gây ra cho họ. Nhưng 1/4 thế kỉ đã trôi qua, tôi vẫn chưa có được cơ hội này.
Đó là khu nhà K..., tập thể Nghĩa Tân, khi ấy còn thuộc huyện Từ Liêm, chưa thuộc quận Cầu Giấy như bây giờ.
Ngô Tiến Xuân