Khốn khổ ở cạnh lão hàng xóm thích “khoe hàng“

Google News

(Kiến Thức)- Vừa ngoái đầu lại đã thấy lão hàng xóm, miệng cười, tay cầm cái “của nợ” hua hua - chị Đinh Ngọc Minh (Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội).

Nhà tôi nằm trong con ngõ nhỏ sau khu tập thể trường ĐH KHXH&NV, trước đây con ngõ này vừa là lối đi, vừa là sân chơi của 6 hộ gia đình quây quần trong đó. Nhưng, từ ngày một nhà trong ngõ đổi chủ, thì mọi chuyện trở nên xáo trộn.

Ngay ngày thứ 4, sau khi ông hàng xóm mới chuyển đến, tôi dắt con bé con đi dạo buổi sáng thì bắt gặp ngay ông ta đang lúi húi kéo cái khóa quần sau khi "đánh dấu" vào cái cột bóng rổ của bọn trẻ con.

Thấy tôi, ông ta lúng túng nói: “Vợ anh đi chợ mang chìa khóa nhà đi mất, mót quá!”. Tôi ngượng, nghe ông ta nói cũng tin là thật nên chỉ dặn ông ta mang nước ra dội cho sạch lấy chỗ cho trẻ con chơi.
 
Cái nhõ nhỏ bình yên, vốn là nơi vui chơi cho bọn nhỏ giờ náo loạn vì hàng xóm mới. Ảnh minh họa.
Cái ngõ nhỏ bình yên, vốn là nơi vui chơi cho bọn nhỏ trở nên náo loạn vì hàng xóm mới. Ảnh minh họa.

Bẵng đi một thời gian, thấy bọn trẻ đánh nhau ầm ĩ, tôi chạy ra xem thì hóa ra chúng nó đang truy xem đứa nào chuyên tè vào cái cột bóng làm vàng ố, dưới nền đất đọng một vũng nước nổi váng, nổi bọt bốc mùi khai, khắm. Chợt nhớ ra chuyện hôm trước, tôi chắc mẩm thủ phạm là ông hàng xóm mới.

Ngay tối hôm đó, cả ngõ phải họp khẩn cấp để nhắc nhở và xử lý hành vi của ông hàng xóm. Ông ta nhận lỗi và cũng nhận cọ rửa sạch cái cột để bọn trẻ có chỗ chơi. Từ hôm đó, ông ta không "đánh dấu" ở cái cột nữa.

Cứ tưởng thế là yên, ai dè mấy ngày sau, chưa ra khỏi nhà đã nghe thấy bà cụ ở bên cạnh nhà đứng chỉ chỏ, chửi um lên giữa ngõ vì "cái thằng mất dậy nó đái vào đầu tao…”

Tôi nằm trong nhà chẳng hiểu ngô khoai gì, đến khi chạy ra mới biết bà cụ quét ngõ, ông hàng xóm đứng ưỡn ngực tưới cái thứ nước tích đầy bụng từ đêm hôm qua lên mấy cái cây trồng trên lan can tầng 2. Và thứ nước ấy tung toé ra ngoài rơi thẳng xuống đầu bà cụ.

Đúng lúc cụ nghển cổ lên thì thấy ông hàng xóm đang vẩy vẩy tay và kéo vội cái khóa quần.

Chị Đinh Ngọc Minh vẫn còn sợ phát khiếp khi kể lại cái lần lão khoe "của quý" ngay trước cửa nhà mình. Ảnh làm mờ theo yêu cầu của nhân vật.
Chị Đinh Ngọc Minh vẫn còn nhớ như in câu chuyện về ông hàng xóm thích "khoe hàng). (Ảnh làm mờ theo yêu cầu của nhân vật).
Bà cụ tức quá cứ đứng chửi tới gần trưa, còn ông hàng xóm thì ở lỳ trong nhà không ló mặt ra ngoài cả ngày hôm ấy.

Kể từ đó, cả ngõ nhà tôi tẩy chay nhà hàng xóm mới. Riêng nhà bà cụ bị đi tiểu lên đầu thì thù địch ra mặt. Ông ta cũng tỏ thái độ chẳng cần, gặp ai cũng không hỏi không chào, cứ khinh khỉnh, dưỡn dẹo lượn qua lượn lại trước cửa các nhà. Chiều đến lại mở toang cửa ngồi giữa nhà cạo lông chân và gãi đùi sồn sột.

Những gia đình khác đều cố tránh gặp hoặc tránh xa nhà ông này. Chỉ có nhà tôi là liền tường sát vách nên cứ ra khỏi cửa thì những gì lão làm đập thẳng vào mặt. Tôi khó chịu cũng đành làm lơ đi qua.

Tôi thầm nghĩ, chắc ông hàng xóm dở hơi chỉ làm mấy việc chướng mắt chứ không làm gì mình đâu. Tôi không thể nghĩ được ra hàng xóm mới nhà mình là một kẻ bệnh hoạn, biến thái.

Hôm đó chập choạng tối tôi vừa đi làm về đến cửa thì nghe tiếng gọi: “Em ơi…” Vừa ngoái đầu lại thì lão, miệng cười nham nhở, tay đã tuột khóa quần từ bao giờ, đang túm cái “của nợ” vẫy vẫy trước mặt tôi.

Hoảng quá tôi vứt luôn đống đồ đạc thức ăn đang xách trên tay, lao vào nhà gọi chồng, hô hoán mấy nhà bên cạnh giữ ông hàng xóm lại, gọi cho vợ ông ta, gọi mấy anh công an phường lên lập biên bản...

Đến lúc đấy qua lời vợ ông hàng xóm chúng tôi mới biết ông ta hơi có vấn đề, "bị" bệnh thích "khoe hàng", bố mẹ ông ta trên phố ngượng vì thằng con bệnh hoạn nên mua nhà cho vợ chồng ông ta về đây ở cho kín. Không ngờ mới về được mấy hôm mà ông ta đã gây họa.

Sau khi biết được nguyên nhân ông hàng xóm bị bệnh, cả xóm tôi dù rất sợ nhưng cũng thông cảm hơn và thấy làm hơi quá với gia đình ông ấy. Tuy nhiên vì xấu hổ, gia đình ông ấy cũng chuyển đi, còn cái nhà thì bỏ trống, thỉnh thoảng bà vợ có về quét dọn, tưới cây.

Đinh Ngọc Minh (Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội)
[links()]

Bình luận(0)